Vượng Râu sinh ra và lớn lên tại Nam Định, trong một gia đình bố làm cán bộ nhà nước, mẹ làm giáo viên, "gen 7 đời chẳng ai làm nghệ thuật".
Thế nhưng, ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Công Vượng (tên thật của Vượng Râu) đã có biệt tài chọc cười mọi người. Thậm chí nhiều dân làng Ngọc Tiên nơi Vượng Râu sinh ra còn gọi anh là "Trạng", "Cuội" vì những trò đùa dí dỏm, thông minh thưở ấy.
Khi lớn lên, dù ước mơ trở thành một quân nhân hoặc kỹ sư thế nhưng duyên số đưa đẩy Vượng Râu lại thi vào Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, và gắn bó với nghiệp hài cho đến tận bây giờ.
22 năm qua, Vượng Râu đã trải qua đủ thứ hỉ nộ ái ố của nghiệp diễn. Thế nhưng, điều khiến anh tự hào nhất chính là đã làm nghề một cách nghiêm túc, và sống được đàng hoàng bằng chính cái nghề mình đã chọn.
Nghệ sĩ hài Vượng Râu
"Bố tôi không chờ được ngày con vinh hiển"
- 22 năm trước, cơ duyên nào đã đưa Vượng Râu đến với nghiệp hài?
Đúng là tôi đến với nghệ thuật như cái nghiệp, vì quả thật hồi bé tính tình tôi rất nhút nhát. Tôi chưa bao giờ dám ôm mộng trở thành một diễn viên.
Thế nhưng, đúng là giữa muôn vàn ngã rẽ, mình lại rẽ vào cái hướng mà mình thiếu tự tin nhất. Ai đời đi thi, một câu chèo tôi cũng không biết hát.
Gia đình thì gen 7 đời chẳng ai làm nghệ thuật, nghe người ta hỏi có phải con nhà nòi không vẫn lơ ngơ chẳng hiểu gì. Đến khi hiểu rồi thì lại thấy tủi thân.
Thế nhưng, tôi lại đi học bằng học bổng. Tốt nghiệp bằng xuất sắc. Ngày báo cáo tốt nghiệp, trong khi nhiều bạn trong lớp phải chung một vai, thì tôi được giao tận 2 vai chính.
Ra trường, tôi không chọn về các cơ quan nhà nước như nhiều bạn mà ra ngoài làm trợ lý cho hãng phim, viết kịch bản, làm đạo diễn, tìm cho mình những cơ hội khác.
- Nghe Vượng Râu nói có vẻ như con đường nghệ thuật của anh khá "trải hoa hồng" đấy chứ!
Không giống bạn nghĩ đâu. Tôi đã từng rất chật vật để tìm cho mình một vai diễn. Lúc ấy mới ra trường, không còn học bổng nữa. Trong đầu chỉ nghĩ rằng giờ hết tiền rồi phải làm gì để sống. Đó là lý do mà tôi đi viết kịch bản, đi làm trợ lý.
Làm những cái đấy có tiền, thậm chí nuôi sống tôi rất tốt nhưng không phải cái thèm khát của tôi.
Con chim muốn được bay, con cá muốn được bơi, còn tôi lúc ấy thì khao khát được diễn mà không ai cho mình cơ hội.
Có những giai đoạn buồn đến mức mà mình không muốn nhắc lại. Tôi viết kịch bản, nhắm cái vai đó cho mình mà không được đóng. Xin đạo diễn cho một vai nhỏ trong kịch bản của mình thôi người ta cũng không đồng ý. Vì lúc đó mình chưa có tên.
Đến khi người kia đóng, mình thấy không ra cái mà mình đã viết. Tôi đứng dưới nhìn người ta tự nhủ một ngày nào đó chính mình sẽ đứng trên sân khấu và tỏa sáng.
Cuộc sống lúc ấy cũng muôn vàn chật vật, khó khăn. Những năm 1999-2000, tôi đạp mấy chục cây từ Phố Bò (Gia Lâm) sang 906 Đê La Thành để đưa những trang giấy roki viết kịch bản.
Có những hôm tôi đi giữa trời mưa, xe bus tí nữa đâm chết. Rồi những hôm xe đạp tuột xích, tôi phải dắt bộ mấy cây số là chuyện bình thường. Nhưng lúc ấy tôi không đi dặt đi dẹo, mà tôi đang đi tìm cơ hội cho mình.
Đến bây giờ, khi đã có chỗ đứng trong nghề. Tôi trao cơ hội cho rất nhiều bạn trẻ. Có những người tôi nặn lên từ con số 0.
Tôi không trách những đạo diễn ngày xưa từng từ chối tôi, tôi nghĩ tầm của họ chỉ thế thôi. Thằng có tố chất như tôi mà họ cũng không nặn ra được.
Thế nhưng đó cũng là điều khiến tôi cảm thấy tự hào, đó là trên con đường 22 năm đã đi qua, không có ai nặn ra tôi, mà chính tôi đã nặn ra tôi. Tôi đi bằng chính đôi chân của mình, bằng đúng nghề của mình.
- Đó đã phải là quãng thời gian buồn nhất trong sự nghiệp của anh đến giờ phút này?
Còn nhiều điều buồn lắm chứ. Năm 2005, tôi chính thức được đạo diễn Khải Hưng trao cơ hội cho đóng "Gặp nhau cuối tuần".
Với tôi, đó là một dấu mốc vô cùng quan trọng, là điểm "chốt hạ" của tên tuổi. Vì đó là lần đầu tiên tôi được thể hiện mình ở đúng vai trò mong muốn. Sau đó, tên tuổi của tôi cũng được nhắc đến rộng rãi hơn.
Tôi đã rất hi vọng bố tôi sẽ nhìn thấy cậu con trai của ông trên sóng truyền hình, và cảm thấy yên lòng về con đường nó đã chọn.
Thế nhưng tréo ngoe làm sao, lịch phát sóng bị đổi. Nên sau khi bố tôi mất đúng 1 tuần, chương trình mới được lên sóng.
Đó thật sự là một cú sốc rất lớn và làm thay đổi con người tôi. Tôi cảm thấy vô cùng ân hận. Khi mình được "cười", khi mình làm cha mẹ tự hào được rồi, thì họ không còn nữa. Bố tôi không chờ được ngày con vinh hiển...
"Trên con đường 22 năm đã đi qua, không có ai nặn ra tôi, mà chính tôi đã nặn ra tôi", Vượng Râu khẳng định.
"Những người giỏi không khiêm tốn, mà họ sẽ tuyên chiến"
- Mỗi năm bỏ ra cả hàng chục tỷ để sản xuất phim, chương trình hài, ca nhạc... Trong bối cảnh cứ làm liveshow là lỗ như hiện nay, nhiều người đồn anh đã quá giàu nên đem tiền "đốt" bớt?
Mọi người nói vậy oan cho tôi quá. Tôi làm thật và lỗ thật. Việc tôi nợ 1-2 tỷ sau mỗi liveshow là chuyện bình thường.
Sau đó, mọi người thấy tôi "cày show" hùng hục, là để lấy tiền về trả nợ đấy, chứ không phải là để tích cóp làm giàu đâu.
Liveshow kỉ niệm 22 năm khóc cười trên con đường nghệ thuật mà tôi sắp làm tới đây cũng vậy. Đến thời điểm này, tôi bỏ tiền túi ra hoàn toàn chứ chưa có bất kỳ nhà tài trợ nào cả. Mà làm một chương trình như thế, "đốt" nhiều tỷ là chuyện hết sức bình thường.
Nhiều lúc nhìn thấy các anh Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long, Chiến Thắng... và nhiều anh em khác chỉ chạy show thôi tôi cũng hâm mộ lắm.
Tôi cũng chăm chỉ chạy đấy chứ, thậm chí chẳng nề hà gì. Thế nhưng chạy xong dồn tiền vào một lần để "đốt". Thậm chí, còn vay mượn thêm để "đốt", sau đó lại cày để trả nợ.
Thật sự, có lẽ kiếp sau tôi sẽ không làm nghệ thuật nữa. Nhưng kiếp này dù dại khờ hay khôn ngoan gì cũng được, nhưng hãy để tôi được cháy với nghề.
Đến giờ phút này chẳng phải là thi thố gì cả nhưng đã là đam mê thì không ai phán xét. Tôi làm để thoả mãn lòng mình.
- Nhưng còn vợ con anh nữa. Họ có cảm thấy bấp bênh và lo lắng khi anh cứ tiêu tán tài sản và mang nợ về nhà để theo đuổi đam mê của mình như vậy?
Trong 22 năm làm nghệ thuật của tôi, thì vợ đã đồng hành tròn 10 năm. Thật ra, người phụ nữ nào cũng sẽ có những suy nghĩ thận trọng. Ai mà chẳng phải lo cho chồng, cho con, và cho chính bản thân mình nữa.
Mang tiếng là vợ nghệ sĩ nhưng bà xã tôi chưa bao giờ dùng hàng hiệu, các con tôi được nuôi dậy hết sức giản dị. Có khi cả năm chẳng đi du lịch được một lần.
Tôi vẫn hay nói đùa với vợ rằng, bây giờ tự nhiên có nhiều tiền quá hoặc cầm tiền nhiều lâu quá mới bất bình thường. Tôi nhớ năm ngoái làm "Tết Vạn Lộc", vợ tôi cầm cái túi xách đựng hơn 2 tỷ, chỉ vài tiếng sau là hết. Vì phải trả trả cát-xê nghệ sĩ, cho các chi phí của chương trình.
Không phải một lần mà rất nhiều lần vợ tôi cũng bóng gió nhắc nhở việc phải tích lũy một số tiền phòng bị cho gia đình, nhưng tôi lại gạt đi.
Vì tôi nghĩ giờ mình vẫn còn trẻ khỏe, lạc quan và tích cực trong nghệ thuật nên tôi tự tin rằng mình sẽ lo được cho vợ con đầy đủ.
Có thể nhiều người sẽ cho rằng tôi ích kỷ, nghĩ cho bản thân mình và quên vợ con. Có thể 5 hoặc 10 năm nữa tôi sẽ thay đổi, sẽ không còn muốn phạm vào khoản tài chính của gia đình nữa.
Nhưng giờ phút này, không thể nói là đang thăng hoa, mà tôi đang nở hoa. Thì hãy để cho bông hoa là Vượng Râu được nở hết ra trước khi tàn rồi tính sau. Chứ bông hoa đang nở mà phải dừng lại thì tôi thấy hơi tiếc.
Tôi cũng may mắn là vợ tôi có buồn, có khuyên ngăn nhhưng chưa bao giờ cản. Vì cô ấy hiểu khi chấp nhận đồng hành với tôi, phải chịu thiệt thòi là điều khó tránh khỏi.
Một mặt nào đó, cô ấy trân trọng những điều tôi đang làm. Có thể tôi không thể để lại cho vợ con một khối tài sản lớn về mặt tiền bạc, nhưng sẽ là một khối tài sản về mặt tinh thần, cống hiến và ghi nhận.
Người vợ xinh đẹp của Vượng Râu luôn đồng hành với anh trên con đường nghệ thuật
Tổ ấm của gia đình Vượng Râu
- Sau hơn 22 năm cháy hết mình với nghề như vậy, anh thấy mình đang đứng ở vị trí nào trong làng hài Việt Nam?
Tôi hoạt động độc lập nên không có sự so sánh. Tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy cần nhìn nhận mình ở vị trí nào. Khán giả là những người công tâm nhất.
Những lời nói ra đôi khi bị hiểu sai trở thành mất hay. Nhưng quả thật tôi không thích sự khiêm tốn, bởi tôi nghĩ khiêm tốn chẳng giải quyết được vấn đề gì. Chỉ dốt thì mới khiêm tốn, che đậy cái dốt của mình đi. Còn những người giỏi họ thích tuyên chiến hơn là khiêm tốn.
Tôi rất thích có một cuộc thi hài diễn live, không kỹ xảo. Giám khảo chính là khán giả, xem tại sân khấu hoặc sóng trực tiếp. Tác phẩm nào hay nhất sẽ được giải thưởng.
Tôi có phải là một người tay ngang đâu. Tôi sống bằng hài và đến giờ tôi vẫn làm hài tốt mà.
Chẳng có lý do gì mà một người lao động nghiêm túc, không scandal, không chiêu trò... mà lại không muốn được công nhận môt cách đàng hoàng, trang trọng.
- Có rất nhiều khán giả tò mò tại sao Vượng Râu lại lựa chọn cái mốc 22 năm để kỉ niệm chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình? Đây là dấu mốc của một sự khép lại, hay lại mở ra một con đường khác để tiếp tục vút bay?
Thực ra tôi có ý định làm từ nhiều năm trước, nhưng đúng là đến bây giờ mới đủ duyên. Sau liveshow "22 năm khóc cười" này, tôi còn làm nhiều cái khác nữa chứ.
Không phải tự khoe, nhưng tôi thấy mình vẫn đang sung sức lắm. Tôi thấy mình rất nhiều năng lượng, làm việc không biết mệt mỏi.
Điều quan trọng hơn, tôi không tự mãn và chưa cảm thấy thỏa lòng, nên sẽ chưa dừng chân mà còn muốn tiếp tục cống hiến và làm thêm nhiều sản phẩm tốt nữa.
Nói tôi bốc đồng cũng được, nhưng sự bốc đồng đã chính là cái lửa. Mỗi khi đọc được một bình luận của khán giả nói rằng hài của Vượng Râu là hài sạch, họ trông đợi những tác phẩm của Vượng Râu thì lại thấy vô cùng hào hứng.
Trong suốt 22 năm làm nghề, chưa bao giờ tôi muốn bỏ cuộc, muốn dừng lại hoặc chí ít là xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực. Nghề diễn với tôi đến giờ phút này chỉ toàn là những điều tích cực.
Liveshow sắp tới đây, điều tôi mong đợi duy nhất là mình sẽ thăng hoa. Vì khi tôi thăng hoa thì mọi thứ sẽ rất kinh khủng. Tôi đã xuất hiện là không bao giờ để mình bình thường được. Tự trọng luôn bắt tôi phải làm thật tốt.