Được kết nối chặt chẽ với ý tưởng lãng mạn về một nàng công chúa, vương miện là một cách viết tắt văn hóa cho tuổi trẻ và sự nữ tính - cũng như địa vị của nữ giới. Từ những chiếc vương miện bằng nhựa giống nàng công chúa Cinderella được đeo bởi hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới khi đến thăm công viên giải trí Disney, cho đến đêm hội Met Gala gần đây nhất - nơi nhiều người nổi tiếng xuất hiện, bao gồm cả Blake Lively và thậm chí cả Anna Wintour, đều đeo những phiên bản nạm ngọc của món phụ kiện cổ xưa mang nhiều giá trị lịch sử.
Vương miện ‘The Spencer Tiara’, một vật gia truyền của gia đình Spencer đã trở thành vật hoàng gia sau khi Công nương Diana đeo vào ngày cưới năm 1981. Ảnh: CNN.
Vào mùa hè này, nhà đấu giá Sotheby's sẽ trưng bày một số vương miện có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử, nhiều chiếc vương miện trong số đó đã không được công chúng nhìn thấy trong nhiều thập kỷ - trong một cuộc triển lãm mới có tên "Power & Image: Royal & Aristocratic Tiaras" (Sức mạnh và Diện mạo: Những chiếc vương miện hoàng gia và quý tộc).
Sự kiện được khai mạc tại thủ đô London vào ngày 28/5, là một lễ kỷ niệm để tôn vinh vẻ đẹp của 50 chiếc vương miện, dành riêng cho Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Eliazbeth II – cột mốc đánh dấu 70 năm kể từ khi Nữ hoàng Anh lên ngôi vào năm 1952.
Một trong số những chiếc vương miện quý giá được đưa vào triển lãm chính là vương miện ‘The Spencer Tiara’ nổi tiếng được Công nương Diana đeo trong đám cưới của bà với Thái tử Charles tại Nhà thờ St. Paul - một liên minh hoàng gia được chứng kiến bởi hơn 750 triệu người trên khắp 74 quốc gia.
Chiếc vương miện ‘The Spencer Tiara’ nổi tiếng. Ảnh: CNN.
Chiếc vương miện được thiết kế kiểu vòng hoa, có một mảnh hình trái tim ở giữa và được đính kim cương, đã được Lord Spencer, em trai của Công nương Diana cho nhà đấu giá Sotheby's London mượn và sẽ được trưng bày lần đầu tiên kể từ những năm 1960. Đó là món phụ kiện không thể bỏ qua của Công nương Diana, người được cho là đã đeo chiếc vương miện 7 lần kể từ khi kết hôn năm 1981 cho đến khi qua đời vào năm 1997.
Chiếc vương miện dường như được truyền lại cho Công nương Diana từ bà cố, Công nương Cynthia Hamilton, người đã nhận vương miện như một món quà cưới vào năm 1919. Vật gia truyền của gia đình được cho là lần đầu tiên được rèn vào năm 1767, thời điểm chiếc vương miện có thể trông khác với phiên bản Công nương Diana đeo trong ngày cưới của bà.
Từ năm 1919 đến năm 1930, phụ kiện này theo ghi chép là đã được thêm vào một vài chi tiết và thay đổi, mặc dù không có sự thay đổi nào được chính thức ghi nhận. Theo nhà đấu giá, nhiều chiếc vương miện tương tự như chiếc vương miện thuộc họ Spencer đã có khởi đầu như một chiếc trâm cài đầu hoặc những chiếc băng đô khiêm tốn - với nhiều thập kỷ các thợ kim hoàn đã mở rộng thiết kế bằng cách thêm nhiều đá.
Và, theo Kristian Spofforth, Trưởng bộ phận Trang sức tại Sotheby's London, chiếc vương miện này thực sự vô giá. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Đó là một trong những thứ không thể định giá được. Với sự quan tâm của công chúng đối với Công nương Diana, chiếc vương miện là số ít những đồ vật có thể được coi là vô giá".
Cùng với chiếc vương miện ‘The Spencer Tiara’, buổi triển lãm sẽ trưng bày một trong những món đồ yêu thích của Nữ hoàng Victoria - chiếc vương miện bằng ngọc lục bảo và kim cương do Hoàng tử Albert tặng cho bà khi bà 26 tuổi. Được chế tạo theo phong cách Gothic Revival, chiếc vương miện này được thiết kế với 19 viên ngọc lục bảo hình bầu dục nặng tới 15 carat.
Spofforth cho biết: "Lễ kỷ niệm Đại lễ Bạch Kim của Nữ hoàng Elizabeth II đã cho chúng tôi cơ hội hoàn hảo để trưng bày trước công chúng một loạt các vương miện xuất sắc có nguồn gốc từ quý tộc và hoàng gia Anh".
"Đây cũng là một khoảnh khắc tuyệt vời để chúng tôi soi rọi nguồn ánh sáng đặc biệt nhằm tôn vinh tay nghề thủ công tuyệt vời của các thế hệ thợ kim hoàn, chủ yếu là người Anh, qua nhiều thế kỷ chế tác vương miện".