Vùng Vịnh đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng, Qatar rơi vào thế vô cùng ngặt nghèo

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Khủng hoảng quan hệ giữa các nước Ả rập vùng Vịnh sẽ đẩy khu vực vốn đã rối ren, phức tạp và bất ổn vào một giai đoạn căng thẳng mới.

Ngày 5/6/2017, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, 7 nước, trong đó có các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC gồm Ả rập Xê út, Bahrain và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất UAE đã đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ giữa các nước thành viên GCC kể từ khi thành lập năm 1981 đến nay.

Vùng Vịnh đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng, Qatar rơi vào thế vô cùng ngặt nghèo - Ảnh 1.

Quyết định cắt đứt quan hệ này được đưa ra trong khi Qatar đang yêu cầu mở cuộc điều tra với sự tham gia của các chuyên gia của Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI nhằm tìm ra ai đứng sau vụ xâm nhập vào các trang mạng của hãng thông tấn xã Qatar để đăng tải những tuyên bố mà Doha cho là giả mạo của Quốc vương Tamim Bin Hamid Al-Thani công kích các nước trên và trong khi Quốc vương Kuwait đang đứng ra làm trung gian hoà giải nhằm hàn gắn sự rạn nứt trong quan hệ giữa những người anh em Ả rập vùng Vịnh.

Điều này chứng tỏ mâu thuẫn nội bộ các nước Ả rập, đặc biệt giữa các nước GCC về các vấn đề khu vực Trung Đông và quốc tế đã âm ỉ từ lâu, bây giờ có dịp bùng phát. Trong khi một số nước vùng Vịnh khác cũng bị tố cáo ủng hộ IS và một số tổ chức khủng bố khác ở Syria, Iraq, Libya... việc cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố để cắt đứt quan hệ chỉ là cái cớ.

Vùng Vịnh đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng, Qatar rơi vào thế vô cùng ngặt nghèo - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Quốc vương Ả rập Xê-út Salman bin Abdulaziz al-Saud trong chuyến thăm tới Riyadh 5/2017

Mâu thuẫn cơ bản lên đến đỉnh điểm diễn ra sau chuyến thăm Ả rập Xê út của Tổng thống Mỹ Donald Trump 20-21/5/2017, cuộc gặp cấp cao giữa 50 nước Ả rập, Hồi giáo với ông Donald Trump và Tuyên bố Riyadh nhằm thành lập một "NATO Ả rập" chống khủng bố, nhưng thực chất là nhằm vào Iran.

Hiện nay đã có Liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo gồm hơn 60 nước tham gia, Liên minh Hồi giáo 34 nước do Ả rập Xê út đứng đầu và Liên minh Ả rập đang chiến đấu tại Yemen.

Các liên minh này không phát huy được hiệu quả, không góp phần giải quyết các vấn đề khu vực và có nhiều bất đồng thì một liên minh mới không dễ gì, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được các mục tiêu của mình.

Vùng Vịnh đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng, Qatar rơi vào thế vô cùng ngặt nghèo - Ảnh 3.

Quốc vương Qatar Tamim Bin Hamid Al-Thani

Qatar cho rằng nhiều nước không được tham khảo ý kiến về Tuyên bố Riyadh và không muốn gây căng thẳng với Iran. Quốc vương Tamim Bin Hamid Al-Thani đã kêu gọi Iran và các nước vùng Vịnh giải quyết các bất đồng bằng đối thoại.

Trong cuộc đàm thoại với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Quốc vương Qatar nêu rõ: "Việc giải quyết bất cứ cuộc xung đột nào giữa các nước Ả rập vùng Vịnh và Iran cần phải thông qua thương lượng và đối thoại trên nguyên tắc láng giềng hữu hảo và tôn trọng lẫn nhau".

Qatar đưa ra đề nghị này trong khi quan hệ giữa Riyadh và Tehran đang hết sức căng thẳng có thể nhằm thể hiện thái độ trung lập trong cuộc xung đột giữa hai nước.

Đồng thời Doha cũng thấy rằng cuộc xung đột Syria khó có thể giải quyết bằng quân sự, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ sắp sửa có những thỏa thuận với Nga và Nga đang bình thường hoá quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác chiến lược của Qatar.

Đây là những dấu hiệu cho thấy khả năng Qatar có thể thay đổi quan điểm đối với một loạt vấn đề khu vực, trong đó có cuộc khủng hoảng Syria, Yemen, Iraq, Libya...

Vùng Vịnh đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng, Qatar rơi vào thế vô cùng ngặt nghèo - Ảnh 4.

Các nước vùng Vịnh đều là những nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. Bất cứ sự căng thẳng nào cũng ảnh hưởng tới thị trường của hai loại sản phẩm này. Vài giờ sau khi nhóm 4 nước đầu tiên tuyên bố cắt quan hệ với Qatar, giá dầu thế giới đã tăng 50 cent/thùng.

Khủng hoảng quan hệ giữa các nước Ả rập vùng Vịnh đang đe dọa sự đoàn kết, thống nhất của tổ chức GCC, tác động tiêu cực lên việc giải quyết các vấn đề khu vực, trước hết là cuộc chiến chống khủng bố, có lợi cho Mỹ và Israel. Sự kiện này sẽ đẩy khu vực vốn đã rối ren, phức tạp và bất ổn vào một giai đoạn căng thẳng mới.

Vùng Vịnh đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng, Qatar rơi vào thế vô cùng ngặt nghèo - Ảnh 5.

Khủng hoảng quan hệ giữa các nước Ả rập vùng Vịnh đe dọa sự đoàn kết, thống nhất của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC.

Việc Ả rập Xê út, Ai Cập, Bahrain và UAE cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế với Qatar là một sức ép rất lớn với một nước chỉ có 2,6 triệu dân này. Nhiều nhà quan sát thông thạo tình hình Trung Đông cho rằng sắp tới, dưới sức ép của Ả rập Xê út và một số nước khác, Liên đoàn Ả rập (AL) có thể sẽ họp gây sức ép tiếp theo, đình chỉ tư cách thành viên của Qatar.

Như vậy, Qatar sẽ rơi vào tình thế hết sức khó khăn. Đối ngoại bị bao vây và cô lập tứ phía. Đối nội có nhiều nguy cơ bất ổn do các phong trào đối lập lợi dụng cơ hội nổi lên chống lại Hoàng gia.

Vùng Vịnh đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng, Qatar rơi vào thế vô cùng ngặt nghèo - Ảnh 6.

Một số nhà quan sát cho rằng, trong tình hình như vậy có thể bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự mới. Tuy nhiên điều này khó xảy ra.

Tại Qatar, Mỹ có căn cứ quân sự Al-Udeid lớn nhất khu vực với 120 máy bay chiến đấu và 11 ngàn quân. Tại đây có Trung tâm chỉ huy giám sát các hoạt động quân sự tại Afghanistan, Iraq, Syria và 18 nước khác ở khu vực. Mọi hành động quân sự cần phải được tính toán hết sức cẩn thận..

Quan hệ giữa Qatar với một số nước vùng Vịnh vốn có nhiều bất hoà từ lâu.

Năm 2014, tại cuộc họp Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC, Ả rập Xê út, UAE và Bahrain đã rút đại sứ của mình về nước cũng với cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị lúc đấy cho rằng nguyên nhân chính là sự tranh giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế giữa các nước thành viên GCC.

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC là một Liên minh kinh tế chính trị khu vực gồm 6 nước Ả rập vùng Vịnh: Bahrain, Kuwait, Oman,Qatar, Ả rập Xê út và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất UAE. Hiến chương thành lập của GCC được ký ngày 11/11/1982 tại Abu Dhabi. Trụ sở: Riyadh, Ả rập Xê út.

Các nước GCC có tổng diện tích 2.673.110 km2, dân số 51 triệu người. Trữ lượng dầu mỏ đứng đầu thế giới khoảng 470 tỷ thùng. Tổng thu nhập quốc nội GDP khoảng 1600 tỷ đô la. Thu nhập bình quân đầu người 33 ngàn đô la.

Năm 2011, Ả rập Xê út đưa ra đề nghị đổi tên GCC thành Liên minh kinh tế, chính trị và quân sự Gulf Union GU với mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở khu vực.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại