Phát biểu với báo giới, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại bang này đã tăng lên 44.635 ca. Thừa nhận số ca tử vong đang tăng nhanh và tình hình có thể sẽ tiếp tục diễn biến xấu hơn, nhưng Thống đốc Cuomo cũng cho biết tốc độ tăng tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tại bang này đang có dấu hiệu chậm lại. Ông dự đoán dịch sẽ lên đến đỉnh điểm trong vòng 21 ngày tới và các trường học trên toàn bang sẽ đóng cửa ít nhất là đến ngày 15/4.
Thống đốc bang New York cũng công bố kế hoạch thiết lập 4 bệnh viện dã chiến tại các địa điểm diện tích lớn ở các vùng dân cư tại bang này. Một bệnh viện dã chiến được thiết lập trên một tàu chiến của Hải quân Mỹ, gồm 1.000 giường bệnh và 1.200 nhân viên y tế, sẽ được điều tới khu vực này vào ngày 30/3 tới.
Trong diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN tại New York dẫn thông tin từ giới chức thành phố hôm 27/3 cho biết gần 200 nhân viên thuộc Sở Cảnh sát thành phố New York (NYPD) đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng chưa đầy một ngày, nâng tổng số nhân viên ở NYPD nhiễm bệnh COVID-19 tăng lên hơn 550 người. Theo phát ngôn viên của NYPD, 486 sĩ quan cảnh sát và 71 nhân viên dân sự tại sở cảnh sát này hiện được xác nhận mắc COVID-19.
Ngày 27/3, Mỹ đã vượt Italy và đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus khi ghi nhận hơn 102.464 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhu cầu máy thở cho các bệnh nhân cũng tăng vọt mỗi ngày. Theo nghiên cứu của trường Đại học Johns Hopkins, thời điểm thông thường, Mỹ trang bị đủ số máy thở cho khoảng 160.000 người nhưng trong đợt dịch bệnh lần này, các bệnh viện cần thêm tổng cộng hàng chục nghìn máy thở mới đủ cho số bệnh nhân ngày càng gia tăng. Các nhà sản xuất máy thở tại nước này đang nỗ lực tối giản các mẫu thiết kế để tăng số lượng sản xuất mỗi ngày và gác lại mọi kế hoạch phụ để tập trung sản xuất.
Nhiều hãng chế tạo ô tô và những doanh nghiệp trong ngành khác cũng tham gia sản xuất máy thở. Ngày 27/3, hãng chế tạo ô tô General Motors (GM) đã tuyên bố phối hợp với Ventec Life Systems để thành lập một đơn vị liên doanh chuyên sản xuất máy thở, dự kiến sẽ có sản phẩm trong tháng tới. Ngay sau đó, Ford cũng tuyên bố sẽ rút ngắn hoặc hủy mọi lịch nghỉ để thúc đẩy kế hoạch sản xuất các thiết bị y tế đang trong giai đoạn khan hiếm cho các bệnh nhân, những nhân viên phòng dịch và nhân viên y tế trên cả nước. Những tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích những hãng này đang "lãng phí thời gian" và ký chỉ thị yêu cầu GM tham gia sản xuất máy thở theo Đạo luật Sản xuất quốc phòng.
Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh cũng ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-COV-2 vượt mốc 10.000. Kể từ khi ca nhiễm virus đầu tiên được phát hiện tại khu vực này hôm 26/2 tại Brazil, tới nay đã có tổng cộng gần10.500 ca nhiễm virus và số ca tử vong vì nhiễm COVID-19 là 182. Brazil, tâm dịch của Mỹ Latinh, ghi nhận gần 3.000 ca nhiễm virus và 77 ca tử vong, tiếp đến là Chile với hơn 1.600 ca nhiễm và 5 ca tử vong. Ecuador ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm và 34 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận 717 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng từ mức 585 ca một ngày trước đó.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Mexico là 12 ca, tăng 4 ca so với ngày 26/3. Cơ quan chức năng cho biết SARS-CoV-2 đã lây lan ra toàn bộ lãnh thổ Mexico và nhận định, trong những ngày tiếp theo, số ca mắc bệnh và tử vong sẽ tiếp tục tăng. Dự báo đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Hiện tại, dịch COVID-19 tại Mexico đã chuyển sang giai đoạn 2 (cấp độ lây lan cộng đồng). Chính phủ liên bang Mexico đã tạm dừng tất cả các hoạt động không thiết yếu trên mọi lĩnh vực trừ y tế, năng lượng và an ninh.
Cùng ngày, giới chức y tế Panama thông báo nước ngày đã ghi nhận thêm 5 ca tử vong do SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên thành 14. Panama cũng xác nhận thêm 112 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 786 ca.