heo thống kê của NCĐT, 6 tháng đầu năm 2021, 15 cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE đều đạt được mức tăng giá ấn tượng, bình quân hơn 67,5%. Ảnh: Qúy Hòa.
Có thể nói, 2021 tiếp tục là năm thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam với những kỷ lục liên tục được thiết lập. Đúng như kỳ vọng của giới đầu tư, năm này đã "viết lại lịch sử" của thị trường chứng khoán trong hơn 21 năm qua.
Vùng giá 1.200 điểm đã không còn là "thánh địa" khi dưới sự dẫn dắt của dòng tiền nội, chỉ số VN-Index đã liên tục chinh phục những vùng giá mới, 1.300 điểm, 1.400 điểm và thậm chí chạm mốc 1.500 điểm vào tháng 11/2021.
Không chỉ vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam còn chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của nhà đầu tư mới với hơn 1,3 triệu tài khoản được mở mới trong 11 tháng năm 2021. Kèm theo đó là sự bùng nổ về dòng tiền trên thị trường khi giá trị giao dịch mỗi phiên đã chạm mốc tỷ USD, thậm chí có nhiều phiên giá trị giao dịch lên tới hơn 2 tỷ USD, tương đương hơn khoảng 40.000-50.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Tuy nhiên, 2021 cũng được xem là năm khá đặc biệt khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dường như "bị ghẻ lạnh" lâu đến như thế, trong đó có cổ phiếu ngành ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng và bất động sản là 2 ngành có tỷ trọng cao nhất trên bản đồ vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), sàn HOSE hiện có 17 ngân hàng được niêm yết và giao dịch, trong đó có 2 cổ phiếu mới chào sàn hồi cuối tháng 1/2021 (OCB của Ngân hàng Phương Đông) và tháng 3/2021 (SSB của Ngân hàng Đông Nam Á).
Theo thống kê của NCĐT, 6 tháng đầu năm 2021, 15 cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE đều đạt được mức tăng giá ấn tượng, bình quân hơn 67,5%. Trong đó, ngoại trừ cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV và VCB của Ngân hàng Vietcombank khi có diễn biến giá thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung.
Nếu như nửa đầu năm 2021, cổ phiếu ngân hàng liên tục "phá đỉnh" thì sang đến nửa cuối năm, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu chững lại khi nhà đầu tư cho rằng kết quả kinh doanh quý II/2021 của các ngân hàng đã đạt đỉnh và đã được phản ánh vào thị giá. Với đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm, việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng cũng trở nên chọn lọc hơn khi rủi ro nợ xấu ngày càng bộc lộ rõ.
Theo số liệu của NCĐT từ đầu tháng 7 cho đến hết phiên giao dịch 22/12, chỉ số VN-Index đã tăng gần 70 điểm, tương đương khoảng 5%. Trong khi đó, 13/15 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE được NCĐT thống kê lại ghi nhận mức giảm mạnh, phần lớn đều trên 10%.
Ngoại trừ TPB của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và MSB của Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam là có diễn biến ngược dòng so với ngành, ghi nhận mức tăng lần lượt 39,6% và 14,9% trong cùng một khoảng thời gian. Có thể thấy, năm 2021 cổ phiếu ngân hàng vừa là công thần, cũng vừa là tội đồ đối với thị trường chung.
Ảnh: TL.
Về triển vọng ngành ngân hàng năm 2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá nợ xấu và nợ tái cơ cấu phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Trong kịch bản cơ sở, VCBS dự báo tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng lên khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả, tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm nhanh kể từ quý IV/2021.
Tuy nhiên, các ngân hàng mà VCBS đánh giá có chất lượng tài sản tốt sẽ không phải chịu nhiều áp lực về trích lập. Công ty chứng khoán này dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Tuy nhiên, sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn.
Ở khía cạnh đầu tư, VCBS cho rằng lợi nhuận của cổ phiếu các ngân hàng không còn ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh và đồng đều như giai đoạn nửa đầu năm 2021. Đồng thời, mức định giá của cổ phiếu các ngân hàng đã cao hơn trung bình quá khứ. Do đó, giá cổ phiếu của các ngân hàng năm 2022 kỳ vọng có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng và các câu chuyện riêng.
Ở góc nhìn cá nhân, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cho hay, khi so sánh với thị trường chứng khoán trong khu vực thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở vùng hấp dẫn xét về P/E, EPS và ROE. Ông Minh vẫn đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, có 3 ngành có tốc độ tăng trưởng EPS trên 28% là ngành dịch vụ tài chính (76%); bất động sản (31%) và ngành ngân hàng (28%).
Đối với ngành ngân hàng, ông Minh nhận xét thêm: "Mặc dù ngành ngân hàng đang đứng trước lo ngại về nợ xấu, khả năng EPS của ngành này vẫn duy trì tăng trưởng tích cực ở 2 con số trong năm 2022".