“Vùng đất dữ” Lóng Luông và sự hình thành của một chuyên án đặc biệt

Duy Hiển – Anh Hiếu |

Sơn La là địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy, trong đó Lóng Luông (huyện Vân Hồ) được coi là “điểm nóng của điểm nóng”. Lúc cao điểm, tội phạm ma túy hình thành các toán, nhóm có vũ trang vận chuyển, mua bán ma túy qua biên giới…

Cuộc chiến chống ma túy lên đến đỉnh điểm trong các năm 2014-2016 và dần “hạ nhiệt” nhờ một kế hoạch tổng hợp được mang tên “Chuyên án 279-LL” – thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Sơn La và một số đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an.

Nhóm PV Báo CAND thực hiện loạt bài viết “Chuyển hóa "vùng đất dữ" Lóng Luông”, nhằm giúp bạn đọc hình dung phần nào cuộc chiến chống ma túy quyết liệt đầy cam go ở vùng Tây Bắc.

Trong gần chục năm nay, ở địa bàn Sơn La, mỗi năm lực lượng chức năng bắt giữ, xử lí từ 1.000 – 1.500 vụ án ma túy, thu hàng trăm kilogam heroin, hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp.

Trong đó, xã Lóng Luông là địa bàn phức tạp nhất, ví như cái yết hầu của “con đường ma túy” từ Tam Giác Vàng (Myanmar) qua Lào vào Việt Nam.

Xã Lóng Luông trước thuộc huyện Mộc Châu, nay thuộc huyện Vân Hồ, giáp ranh với các xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), được mệnh danh là “vùng đất dữ” bởi hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy cực kì phức tạp.

Lóng Luông cách đường biên giới Việt – Lào khoảng 15km, có 84% dân số là đồng bào dân tộc Mông, nhiều người có quan hệ họ hàng, thân tộc với người dân bên kia biên giới.

Theo số liệu trước khi triển khai Phương án 279 về chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy, toàn xã có 1.048 hộ với 5.295 nhân khẩu nhưng có đến 15% số người nghiện ma túy, đối tượng truy nã, thi hành án, có biểu hiện phạm tội mua bán ma túy trong diện quản lý.

Đường vào Lóng Luông là độc đạo, một bên núi thẳm, bên kia vực sâu nên người lạ rất khó xâm nhập mà không bị phát hiện.

Nhất cử nhất động của bất kì ai, từ người bưu tá, thợ điện, đến người bán hàng rong… khi vào Lóng Luông đều gặp phải những ánh mắt dò xét của người dân bản địa.

Những đặc điểm nêu trên khiến Lóng Luông được ví như một “boong ke” của vùng Tây Bắc.

Đại tá Trần Anh Tuấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết, so với trước đây tình hình đã được "giảm nhiệt" rất nhiều.

Hiện nay chính quyền, các lực lượng vũ trang cùng nhân dân vẫn đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để "hạ nhiệt" điểm nóng này.

Nói về "vùng đất dữ" và lý giải sự ra đời của phương án 279 (được triển khai từ năm 2013, dự kiến kết thúc năm 2018), trong đó có chuyên án 279-LL mà các lực lượng đã kiên trì đấu tranh trong suốt 3 năm qua (2014-2017), Đại tá Trần Anh Tuấn khái quát những nhiệm vụ ở từng thời điểm của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Sơn La.

Trước năm 2006, Sơn La được đánh giá là một địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy với hơn 20.000 người nghiện có hồ sơ quản lý; 85% số vụ phạm pháp trên địa bàn do người nghiện phạm tội ma túy gây ra.

Vấn đề cấp bách đặt ra lúc này là muốn phát triển kinh tế, xã hội thì phải giải quyết bằng được tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy.

“Vùng đất dữ” Lóng Luông và sự hình thành của một chuyên án đặc biệt - Ảnh 1.

Tang vật ma túy thu được.


Với quyết tâm chính trị cao, BCH Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Kết luận số 03 về phòng, chống và kiểm soát ma túy, thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban với chủ trương "Tập trung, thống nhất, toàn dân, toàn diện, kiên trì phòng chống ma túy" và phương châm "toàn dân đoàn kết xây dựng bản, tiểu khu, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị và gia đình không có ma túy", huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc.

Đến năm 2013, tình hình tệ nạn, tội phạm ma túy trên địa bàn đã được kiềm chế, số người nghiện giảm từ hơn 20.000 xuống còn hơn 8.200 người...

Tuy nhiên, Sơn La vẫn là địa bàn nóng bỏng về ma túy, nguy hiểm hơn là sự xuất hiện của các toán vận chuyển, mua bán ma túy có vũ trang.

Thông thường, mỗi toán có hàng chục tên, nhưng có chuyến chúng tập trung đông hơn, mang theo súng quân dụng (AK, súng ngắn, cạc bin, sămpơlếch), lựu đạn… và cả chó săn. Mỗi tên sẽ mang một ba lô chứa 20 bánh heroin.

Theo đó, mỗi chuyến có hàng trăm bánh heroin sẽ được tập kết tại một địa điểm bí mật ở Lóng Luông rồi từ đây tỏa đi khắp nơi, gieo rắc bao chết chóc, đau thương.

Tình trạng đó khiến an ninh, trật tự ở Lóng Luông nói riêng, khu vực biên giới nói chung tiềm ẩn nhiều bất ổn; cuộc sống an lành của người dân lương thiện bị đe dọa, tội phạm có thêm cơ hội hoành hành.

“Vùng đất dữ” Lóng Luông và sự hình thành của một chuyên án đặc biệt - Ảnh 2.

Số vũ khí nóng của các đối tượng vận chuyển ma túy bị thu giữ.


Nhằm ngăn chặn tình trạng trên và quyết tâm hạ nhiệt “điểm nóng” Lóng Luông, tháng 7-2013, Công an tỉnh Sơn La đã báo cáo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát và tham mưu với Tỉnh ủy - UBND tỉnh xây dựng “Phương án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy tại xã Lóng Luông” – gọi tắt là Phương án 279.

Qua 1 năm thực hiện, phương án này đã thu được những kết quả nhất định, song những yêu cầu cấp bách cần tập trung giải quyết, được xác định là: “Phải có những giải pháp đột phá hữu hiệu để ngăn chặn các toán, nhóm mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang từ biên giới vào nội địa mà chủ yếu là xã Lóng Luông của huyện Vân Hồ.

Có như vậy mới chuyển hóa thành công địa bàn phức tạp về ma túy”.

Đó là cơ sở để hình thành “Chuyên án 279-LL”. Chuyên án được phê duyệt với sự nghiên cứu, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát.

Lực lượng trực tiếp triển khai, thực hiện chuyên án là Công an tỉnh Sơn La với sự tham gia, hỗ trợ của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an huyện Vân Hồ, Công an huyện Mộc Châu và một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an.

Đây là một chuyên án đặc biệt với những mục tiêu, giải pháp, biện pháp độc đáo lần đầu tiên được thực hiện trong lịch sử đấu tranh với tội phạm ma túy ở Việt Nam do Đại tá Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La làm Trưởng ban và Đại tá Phùng Tiến Triển, Phó Giám đốc làm Phó Trưởng ban.

Các thành viên Ban chuyên án nhớ lại, thời điểm đó, đối tượng cần tập trung đấu tranh được xác định là những kẻ vận chuyển ma túy chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức, sử dụng thành thạo vũ khí và rất manh động. Địa bàn đấu tranh ở rừng sâu, hiểm trở, rất bất lợi cho lực lượng chức năng.

Do Chuyên án 279-LL chưa có tiền lệ nên Ban chuyên án gặp nhiều khó khăn về mặt chủ trương và biện pháp đấu tranh khi phải cân nhắc các yếu tố chính trị, pháp luật, nghiệp vụ và ngoại giao, quan hệ quốc tế.

Từ đó, đã xuất hiện những cách làm mới, sáng kiến phù hợp trong từng giai đoạn nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy ở “chảo lửa” Lóng Luông.

Quá trình đấu tranh giai đoạn 1 và 2 (từ tháng 7-2013 đến giữa năm 2014), công tác chuẩn bị trận địa công phu nhưng hiệu quả chiến đấu chưa cao.

Các đối tượng rất manh động, chống trả quyết liệt, có trận hàng chục tên bắn như vãi đạn AK vào các tổ công tác, tiềm ẩn nguy cơ thương vong với cán bộ, chiến sỹ.

Do vậy, Ban chuyên án đã có những điều chỉnh kịp thời và từ tháng 9-2014 đến tháng 8-2016, đã tổ chức đấu tranh 4 giai đoạn (3-4-5-6) đạt kết quả cao.

Cuối năm 2016, đầu năm 2017, xác định tần suất các chuyến vận chuyển ma túy qua biên giới đã giảm, bọn tội phạm dần thay đổi phương thức và thủ đoạn hoạt động, Ban chuyên án tiếp tục điều chỉnh, sử dụng các biện pháp hữu hiệu để đấu tranh thành công trong các giai đoạn 7-8-9.

Đại tá Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La, Trưởng Ban chỉ đạo phương án 279: Qua hơn 3 năm đấu tranh với, gồm 9 giai đoạn, với sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an và tỉnh Sơn La, sự phối hợp của các đơn vị chức năng, Chuyên án 279-LL đã đạt được những kết quả quan trọng và cơ bản hoàn thành yêu cầu đặt ra. Các lực lượng chức năng đã bắt hàng chục đối tượng, thu giữ nhiều tang vật gồm 498 bánh heroin (170,1kg); gần 36.000 viên ma túy tổng hợp; 21 khẩu súng các loại…

Thành công lớn nhất của chuyên án này là đã ngăn chặn và làm giảm cơ bản hoạt động của các toán vũ trang vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới vào Mộc Châu, Vân Hồ; qua đó giảm "dòng chảy ma túy" ở khu vực Tây Bắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại