Ra mắt đầu năm 2017, startup TMĐT mang tên Vuivui.com được xem là bước tiến mới của TGDĐ, sau khi chuỗi bán lẻ này vươn mình sang nhiều lĩnh vực khác bên cạnh hàng di động công nghệ, điện máy, hay thực phẩm.
Với 80% sản phẩm trên sàn Vuivui sẽ được lấy từ Thế giới di động, quản lý chặt đầu vào kết hợp với cam kết giao hàng nhanh, Vuivui được xem là một bước đi đầy tiềm năng.
Ông Phạm Văn Trọng – trưởng dự án Vuivui chia sẻ, trong vòng "Trong vòng 3 năm tới, Vuivui.com sẽ chứng minh hiệu quả cụ thể thông qua việc đóng góp tối thiểu 10% vào doanh thu chung của toàn tập đoàn”.
Năm 2017, Thế giới di động đặt mục tiêu doanh thu trên 60.000 tỉ đồng, vì vậy có thể ước doanh thu đề ra cho Vuivui trong vòng 3 năm tới sẽ không dưới 6.000 tỉ đồng, một con số ấn tượng.
Mặc dù vậy, tham vọng của Vuivui có thể bị cản bước bởi một startup cũng rất nổi trong lĩnh vực TMĐT. Đó là Tiki.vn.
Bản thân lãnh đạo Thế giới di động cũng thừa nhận, mô hình của Vuivui gần tương đồng với Tiki, và trong khi Vuivui mới bắt đầu mở cửa, Tiki đã có thâm niên phát triển tại thị trường Việt Nam và có một danh mục sản phẩm lẫn người dùng lớn mạnh.
Trong năm 2016, Tiki đã cho thấy mình sẵn sàng “chiến đấu” sau khi được VNG rót vốn tới 18 triệu USD.
Số tiền này đã mang lại hiệu quả rất nhanh, khi khởi điểm từ một trang bán sách online, Tiki đã liên tục mở rộng số lượng mặt hàng của mình từ vài nghìn lên 100.000 rồi 300.000 sản phẩm, đổi định vị từ “sách truyện trực tuyến” sang thành “niềm vui mua sắm”.
Số liệu mới công bố gần đây của Tiki cho thấy, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) năm 2016 của startup này đã tăng 131% so với năm 2015. Tiki ở thời điểm hiện tại cũng không còn chăm chăm bán sách. Thay vào đó mặt hàng điện tử đã vượt lên và hiện chiếm tới 42% các sản phẩm được cung cấp trên Tiki.vn.
Việc phát triển nóng cũng đi kèm với cái giá của nó. Đặc thù của TMĐT là lỗ trên từng đơn hàng, vì vậy việc GMV tăng tỉ lệ thuận với số lỗ mà Tiki phải đón nhận cũng tăng theo từng quý. Tính tới tháng 8/2016, startup nãy đã ghi nhận khoản lỗ là 157 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thái Sơn vẫn tin rằng, khoản lỗ lớn mang theo những thông điệp tích cực hơn. Trước mắt, Tiki vẫn sẽ tập trung vào việc quản lý chặt chất lượng hàng hóa có mặt trên sàn, kết hợp với đó là đảm bảo tốc độ giao hàng nhanh.
"Nếu so với các công ty TMĐT đa ngành thì chúng tôi tin rằng hiện tốc độ giao hàng ở Tiki là số 1. Thậm chí khi so với các công ty e-commerce lớn ở các thị trường lớn như Ấn Độ, chúng tôi cũng thấy mình đang làm khá tốt (Flipkart 4,5 ngày, Amazon India 4,8 ngày)", ông Sơn chia sẻ.
Cả 2 thế mạnh của Tiki là nguồn sản phẩm và tốc độ giao hàng, một cách tính cờ, cũng là điều Vuivui hướng tới.
Càng trùng hợp hơn, “chiến trường” giữa 2 đơn vị này sẽ tập trung tại cùng một chỗ. Hiện tại, 72% số đơn hàng của Tiki được thực hiện ở khu vực phía Nam, trong khi Vuivui cũng khẳng định, mình sẽ tiến hành “chạy thử” ở Tp.HCM và các thành phố lân cận trước khi nghĩ tới việc Bắc tiến.
Vuivui - thừa hưởng sức sống của "ông lớn" Thế giới di động đối đầu Tiki - một trong những startup TMĐT thành công nhất Việt Nam và cũng có tiềm lực mạnh chắc chắn sẽ là một câu chuyện đáng xem nhất của TMĐT Việt Nam năm nay.
Và chưa cần nhìn vào kết quả cũng có thể tin chắc rằng, khách hàng cũng như toàn ngành TMĐT sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn nhất của cuộc chiến này.