Theo báo cáo thành tích mới nhất, trong năm 2022, Guangdong Homa Appliances, dưới sự quản lý của Tập đoàn gia dụng TCL, đã đạt lợi nhuận ròng 424 triệu NDT, tăng 630,18% so với cùng kỳ, trở thành mức lãi lớn nhất trong mười năm qua kể từ khi niêm yết.
Đồng thời, đây cũng là năm thứ 14, Homa đứng đầu về doanh số xuất khẩu tủ lạnh.
Tuy nhiên bí mật của Homa không chỉ có thế.
Chinh phục trời Âu
Thái Thập Nhị, người sáng lập Homa Appliances, từng là giám đốc điều hành của Kelon Electrical Holdings Quảng Đông.
Năm 2001, vì nhiều lý do, Kelon được Greencool mua lại. Kể từ đó, doanh nghiệp đã gặp phải nhiều vấn đề trong quá trình phát triển.
Năm 2002, ông Thái Thập Nhị quyết định thành lập doanh nghiệp của riêng mình và Homa Appliances ra đời.
Đáng chú ý, ông Thái xây dựng Homa cách Kelon không xa; đồng thời, sau đó nhiều lãnh đạo cấp cao của Kelon cũng về đầu quân cho Homa.
Mặc dù, đội ngũ của Thái Thập Nhị có kinh nghiệm trong lĩnh vực tủ lạnh nhưng sự cạnh tranh trên thị trường tủ lạnh tại nội địa Trung Quốc vào thời điểm đó rất khốc liệt và việc cạnh tranh thương hiệu vẫn tiếp diễn nên việc tân binh Homa muốn có chỗ đứng là điều không dễ.
Vì lý do này, ông Thái đã quyết định bỏ qua thị trường nội địa và thâm nhập EU, đi theo mô hình của Foxconn, trở thành công ty OEM (trực tiếp sản xuất và cung cấp sản phẩm theo yêu cầu cho đối tác).
Homa là thương hiệu tủ lạnh xuất khẩu nổi tiếng Trung Quốc. Ảnh: Sina
Trong một thời gian ngắn, thương hiệu tủ lạnh Omar đã ký thành công đơn đặt hàng với gã khổng lồ Whirlpool.
Được biết, chất lượng kỹ thuật là yếu tố tiên quyết để đối tác lựa chọn Homa nhưng quay trở lại bản thân doanh nghiệp, để đạt được lợi nhuận trên cơ sở đảm bảo chất lượng cũng là một bài toán khó.
Đặc biệt đối với tủ lạnh, hiệu ứng quy mô mà các công ty OEM tự hào rất khó thực hiện. Người ta hiểu rằng cốt lõi của tủ lạnh nằm ở khuôn, các mẫu tủ lạnh khác nhau có khuôn khác nhau, nhưng khuôn rất đắt. Một báo cáo kinh doanh từng chỉ ra, các thương hiệu nổi tiếng chi 200 triệu NDT mỗi năm đầu tư khuôn mẫu.
Homa áp dụng "nguyên tắc 2-8", sử dụng 20% sản phẩm để tạo ra 80% doanh số. Trên cơ sở đó, Homa đã thu gọn dòng sản phẩm và trong giai đoạn đầu chỉ bán sản phẩm tại thị trường châu Âu.
Đồng thời, dựa vào lợi thế chuyên môn, Homa đã tuần tự hóa, khái quát hóa và mô đun hóa tất cả các sản phẩm bao gồm cả khuôn mẫu, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí.
Ví dụ, một công ty nổi tiếng cần sản xuất 10 triệu chiếc tủ lạnh, trong đó 50 mẫu cần 50 khuôn, Homa thì có thể chỉ cần 5 bộ khuôn để sản xuất 5 triệu chiếc tủ lạnh.
Điều này được hiểu là Homa có lợi thế về giá thấp hơn ít nhất 10% đến 20% so với các thương hiệu nội địa khác trong trường hợp cùng chất lượng và số lượng.
Lợi thế về công nghệ và giá cả này đã thu hút rất nhiều đối tác nước ngoài. Ở châu Âu, mười thương hiệu hàng gia dụng điện tử hàng đầu đều là khách hàng của Homa.
Nhưng như Chủ tịch TCL Lý Đông Sinh đã nói: " Cơ hội tốt nhất để kiểm tra khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp không phải là khi môi trường ngành tốt, mà là khi môi trường ngành không tốt ".
Khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, hầu hết các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu đều thua lỗ nặng nề, sản lượng xuất khẩu sụt giảm nhanh chóng và ngành tủ lạnh cũng không ngoại lệ.
Giờ đây, TCL đã mua lại Homa. Ảnh: Yicai
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, sản lượng xuất khẩu của Homa không giảm mà còn tăng, xuất khẩu tủ lạnh trong tháng cuối năm 2008 tăng 50% so với cùng kỳ, không chỉ đạt mức tăng trưởng hơn 70% trong năm mà còn vượt qua Haier để trở thành "vua xuất khẩu tủ lạnh" của Trung Quốc.
Bị ông lớn trong nước mua lại
Dù đứng đầu về xuất khẩu tủ lạnh của Trung Quốc trong 14 năm liên tiếp nhưng Homa lại gặp khó ngay tại sân nhà.
Vào thời điểm những năm 2000, các thành phố hạng nhất và hạng hai Trung Quốc đã bị các thương hiệu lớn chiếm giữ từ lâu và Homa chỉ có thể sử dụng lợi thế về giá để bắt đầu từ các thành phố hạng ba và hạng bốn.
Cùng với việc thực hiện chính sách "Đồ gia dụng hướng về nông thôn" vào năm 2009, tủ lạnh trở thành sản phẩm được hưởng lợi nhiều nhất.
Homa cũng được hưởng lợi từ thành công này, trở thành một trong sáu công ty tủ lạnh nội địa nổi tiếng ở nông thôn, đồng thời mở rộng ở các thành phố hạng ba và hạng bốn.
Vào tháng 4/2012, Homa cũng chính thức lên sàn chứng khoán Thâm Quyến, trở thành công ty thiết bị gia dụng duy nhất được niêm yết trong những năm đó.
Tuy nhiên, đến năm 2018, Homa gặp khủng hoảng về thanh toán. Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào năm 2019, Homa có một số khoản nợ quá hạn do khó khăn về tài chính và cổ phiếu công ty trong tình trạng chờ bị đóng băng.
Đến năm 2021, TCL đã thu mua lại Homa và người kiểm soát thực tế của Homa chính là Chủ tịch Lý Đông Sinh.
Dưới sự tiếp quản của TCL, Homa hiện đã được đưa lại "đường đua" và được kỳ vọng sẽ có những bứt phá ngoạn mục trong thời gian tới.