Nhà đầu tư "lướt sóng" đẩy giá lên cao
Những ngày qua, câu chuyện nhiều người dân xã Việt Tiến (Việt Yên) bàn tán chính là đất tại khu dân cư (KDC) thôn Kép lên “sàn”, khách hàng trúng với giá cao ngất ngưởng.
Theo một số người dân, nhiều năm sinh sống tại đây chưa khi nào họ nghĩ đất ở quê mình lại có giá hàng chục triệu đồng/m2. Các lô đất ở đây được định giá với mức từ 18,5 đến 30 triệu đồng/m2, khi đấu được còn trả cao hơn. Tương tự, các lô đất ở thuộc dãy LK11, KDC Yên Ninh, thị trấn Nếnh (cùng huyện) cũng được đưa ra đấu giá với mức từ 22 đến 30 triệu đồng/m2.
Khu đấu giá đất ở xã Xuân Phú (Yên Dũng).
Mặc dù giá đưa ra cao song với lợi thế gần Khu công nghiệp Quang Châu, lượng khách hành đăng ký tham gia đấu giá các lô đất tại KDC Yên Ninh cao (bình quân 11,5 hồ sơ/lô). Nhìn vào danh sách khách hàng trúng đấu giá nhận thấy phần lớn đến từ TP Bắc Giang, huyện Việt Yên; nhiều khách hàng trúng 2 lô, cá biệt có người trúng 3 lô.
Đáng chú ý, 33/36 lô đất được trả giá cao hơn so với khởi điểm hơn 1 tỷ đồng/lô, có lô tăng gấp đôi. Lô số 18 được đẩy giá lên 66 triệu đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm 33 triệu đồng. Lô số 19 cũng được trả giá lên gần 65 triệu đồng/m2, trong khi giá khởi điểm 26,4 triệu đồng/m2.
“Hai vợ chồng tôi làm công nhân, đang ở cùng bố mẹ nên mong muốn có lô đất để xây nhà. Khi đó, chúng tôi vừa có không gian riêng, vợ lại có thể nghỉ việc công ty ở nhà bán hàng, chăm sóc các con.
Tuy nhiên, với mức giá đưa ra chênh hơn 100 triệu đồng so với giá khởi điểm, tôi không thể trúng bởi nhà đầu tư "thổi" giá lên quá cao", anh Nguyễn Văn Kh, nhà ở thị trấn Nếnh chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Tài chính, từ đầu năm đến nay, Hội đồng thẩm định tỉnh đã thẩm định, thông qua phương án giá đối với 13 cuộc đấu giá đất (đã diễn ra) trên địa bàn các huyện, TP. Điểm nhấn đáng chú ý là giá các lô đất đều cao hơn so với mức trung bình những năm trước.
Tại huyện Yên Thế, trong phiên đấu giá 74 lô đất ở tại thị trấn Phồn Xương diễn ra ngày 26/9, các lô đất đều được nhà đầu tư đẩy lên, trong đó có lô đạt mức hơn 60 triệu đồng/m2.
Để tránh tình trạng đấu giá đất chỉ hướng đến nhóm người nhất định, tiềm ẩn nguy cơ "đầu cơ", trục lợi, quá trình thẩm định giá, chúng tôi tham mưu cho Hội đồng hạ giá khởi điểm đối với một số khu vực. Các địa phương cần nghiên cứu đưa ra đấu giá số lượng lớn cùng lúc".
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Quản lý giá (Sở Tài chính).
Đây được coi là “kỷ lục” tại địa phương vốn được xếp vào khu vực có thị trường bất động sản kém sôi động của tỉnh.
Hay như tại huyện Yên Dũng, giá khởi điểm của các lô đất đưa ra đấu đều bằng 1,5 lần so với năm trước nhưng sức hút với nhà đầu tư vẫn không giảm.
Trong đó, đất tại xã Nội Hoàng có mức khởi điểm lên đến 25-35 triệu đồng/m2; ở các địa bàn khác như: Thị trấn Nham Biền; các xã Xuân Phú, Quỳnh Sơn… cũng có mức giá hơn 10 triệu đồng/m2.
Quản lý giá, tránh hệ lụy
Thực tế, qua các phiên đấu giá đã được tổ chức, với khởi điểm cao, sát thị trường, các địa phương có được nguồn thu lớn phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Tuy nhiên, việc đẩy giá lên cao trong các phiên đấu giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng có nhu cầu thực sự. Trong những phiên gần đây, tỷ lệ các nhà đầu tư trúng đấu giá chiếm tới hơn 90%, số ít thuộc về những khách hàng có điều kiện.
Vì thế, ngay sau các phiên đấu giá, nhiều chủ đất, cá nhân đã có mặt tại khu vực đất vừa trúng dựng ô, đặt bàn để rao bán, chuyển nhượng, thậm chí diễn ra ngay tại khu vực tổ chức đấu giá khiến thị trường sôi động, giá đất bị đẩy lên. Cùng đó, tình trạng bỏ cọc cũng tăng khi giao dịch không thành.
Đơn cử tại huyện Yên Dũng, trong hai phiên đấu giá đến thời hạn thanh toán có đến 52 trường hợp bỏ cọc với tổng số tiền trúng đấu giá gần 100 tỷ đồng (cả năm 2020 toàn huyện cũng chỉ có 5 trường hợp bỏ cọc).
Tương tự, tại huyện Việt Yên, sau phiên đấu giá đất tại KDC Yên Ninh, một số lô đất được sang tay ngay tại khu vực tổ chức đấu giá với chênh lệch vài chục triệu đồng, có lô tăng hơn 100 triệu đồng so với mức trúng đấu giá.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: “Để người tiêu dùng có thể tiếp cận đất, địa phương sẽ sớm hoàn thiện thủ tục đưa các khu vực đã phê duyệt ra đấu. Đối với các dự án đang xây dựng hạ tầng, trong quá trình xây phương án giá, chúng tôi sẽ cân đối hạ giá khởi điểm, nhất là ở địa bàn xa khu công nghiệp, tránh tình trạng nhà đầu tư hạ tầng cũng đẩy giá lên cao”.
Nhận thấy những bất cập trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, ngày 11/8, UBND tỉnh có công văn gửi các sở, ngành tỉnh, các huyện, TP để siết chặt hoạt động này. Theo đó, cùng với yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định trong Luật Đấu giá tài sản, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan liên quan khi tham mưu xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá cần bảo đảm bảo phù hợp, khả thi, tránh đưa giá khởi điểm cao.
Liên quan đến nội dung này, một số khách hàng đề xuất, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, đưa ra yêu cầu người trúng đấu giá phải xây dựng nhà trong một khoảng thời gian nhất định, tránh tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí đất tại các KDC, đô thị, tránh đầu cơ đất.
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng Quản lý giá (Sở Tài chính) cho biết: “Để tránh tình trạng đấu giá đất chỉ hướng đến nhóm người nhất định, tiềm ẩn nguy cơ “đầu cơ”, quá trình thẩm định giá, chúng tôi tham mưu cho Hội đồng hạ giá khởi điểm đối với một số khu vực.
Tuy nhiên, để tài sản thực sự đến tay người tiêu dùng, các địa phương cần nghiên cứu đưa ra đấu giá số lượng lớn cùng lúc, tính toán phương án xây căn hộ liền kề tại các vị trí phù hợp để đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng khách hàng”.