Vua trị tội lười học

Lê Tiên Long |

Thời xưa, các vị vua thường đào tạo người kế nghiệp rất cẩn thận. Hoàng tử nào học tập lười biếng, đều bị vua quở phạt.

Vào đầu thời vua Minh Mạng, năm 1820, khi vua thấy em mình là Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân có tính kiêu hoang, đã đặc mệnh sai Hàn lâm trực giảng là Nguyễn Công Vị sung làm giảng quan phủ của vị hoàng tử này, hằng ngày đến dạy bảo.

Tuy nhiên Nguyễn Công Vị tâu nói: “Quảng Oai công chuyên chơi đùa mà lười học, sợ một mình thần không thể làm cho nên được”. Vua hỏi rằng: “Không có Nguyễn Khoa Thường là trưởng sử ở đấy à?”. Công Vị đáp rằng: “Trưởng sử đối với hoàng đệ thấy thì lạy, gọi thì dạ, còn sợ gì mà học”. Vua nói rằng: “Về phận trên dưới thì vậy nhưng còn sự giúp đỡ khuyên bảo thì không thể làm hết chức trách sao?”.

Theo quy chế triều Nguyễn, các hoàng tử được phong tước “công” đều được cấp cho binh lính phục dịch và các viên trưởng sử, phó trưởng sử để giúp việc. Trưởng sử có trách nhiệm “giúp bảo các công, khuyên điều lành ngăn điều trái”, như lời vua Minh Mạng từng nói.

Năm 1830, vua Minh Mạng từng gọi các hoàng tử vào hầu, đồng thời sai vời trưởng sử các phủ hoàng tử, truyền dụ rằng: “Các hoàng tử còn trẻ, các ngươi nên khuyên bảo cho được ngày tháng tiến lên để lòng đọc sách, hơi thấy lười biếng thì phải bẩm ngay, nếu không nghe thì đem việc tâu lên, nếu cho là việc ngẫu nhiên thì lỗi không nhỏ đâu!”.

Việc học tập của các hoàng tử được vua Minh Mạng rất quan tâm. Mùa Đông năm 1823, nhà vua từng nói với Hàn lâm thừa chỉ Hoàng Quýnh rằng: “Trẫm đối với hoàng tử tuy lòng từ ái tự nhiên mà khi đến hầu riêng thì chưa từng lộ ra sắc mặt. Đến như khoá trình giảng học thì rất nghiêm, các hoàng tử không dám xin nghỉ.

Nhưng nay tiết Thu Đông giao tiếp, khí rét khó chịu, các hoàng tử tuổi còn thơ ấu, nếu cứ đi học thì chịu sao được. Song ý ấy không nên cho biết, hoặc đến nhu nhơ lười biếng. Ngươi nên theo ý ta khẽ bảo bọn phụ đạo rằng, từ sau phàm khi rét buốt mưa nhiều, có thể sai tán thiện và bạn độc chia nhau đến phủ mà khai giảng. Các hoàng tử cũng phải xuống ngồi chiếu dưới nghe giảng, không được cho là ở nhà tư mà bỏ lễ”.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), bộ Lễ thấy các tôn sinh tọa giám nhiều người viện lý do xin nghỉ học, nhân thế lười biếng, nên bàn tâu nhà vua chuẩn định chương trình học của các học trò dòng dõi hoàng phái như sau: Thứ nhất, xét thực người chăm hay lười để khuyên răn. Học sinh tôn học, trong mỗi quý, xét số ngày ngồi học nhiều hay ít, cũng nghĩa lý học được thuộc hay không thuộc, văn tập thành thông hay không thông, chia làm các hạng ưu, bình, thứ, liệt, do quan học chính làm sách tâu lên. Hạng ưu thì tăng một nửa nguyên bổng; hạng bình giữ như thường; hạng thứ, giảm 1 phần 3; hạng liệt, giảm một nửa.

Thứ hai, định lại lệ xin nghỉ để phòng lười biếng, phàm tôn sinh gặp ngày huý cha mẹ, được cho nghỉ 5 ngày; cha còn hoặc mẹ còn, thì 3 ngày; gặp ngày huý ông bà, hay cụ, kỵ, mà cha mẹ mình đều mất rồi, cho nghỉ 3 ngày; cha còn hoặc mẹ còn thì 2 ngày, như bị đau ốm nhẹ thì điều dưỡng ở trong phòng, nặng thì nghỉ 10 ngày, chưa khỏi lại gia một hạn. Nếu vô cớ thác bệnh, không ở tại phòng thì bị đánh roi.

Thời vua Tự Đức, đã lập nhà Tôn học, tức học đường phủ Tôn nhân để đào tạo con cháu các hoàng thân triều Nguyễn. Tuy nhiên sau này, vua hỏi Tuy Lý công Miên Trinh, người trông coi học đường này rằng: “Những con cháu của các tước công ở nhà Tôn học tại sao ít có thành tài? Tuy Lý công thưa rằng: “Lũ ấy phần nhiều lười học”. Vua Tự Đức nói: “Như thế thì cái nhà học ấy chỉ là đặt hão mà thôi”; sau đó sai bỏ nhà Tôn học đi.

Còn với học sinh nói chung, từ năm Gia Long thứ 2 (1803), nhà vua đã bảo Lưu trấn thần Gia Định là Nguyễn Văn Nhân định phép học cho học trò rằng: Mỗi xã chọn một người có đức hạnh văn học, được miễn giao dịch, khiến dạy bảo con em trong ấp.

Người từ 8 tuổi trở lên thì vào tiểu học rồi đến học sách Hiếu kinh, Trung kinh; 12 tuổi trở lên, trước học Luận ngữ, Mạnh Tử, rồi tới Trung dung, Đại học; 15 tuổi trở lên, trước học kinh Thi, kinh Thư, sau học kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Xuân Thu, học kèm Chư tử và sử. Ai dám uống rượu đánh bạc và hát xướng thì cáo với quan trừng trị, để răn bảo kẻ lười biếng.

Không chỉ các tôn sinh quý tộc hay học trò nói chung bị trách phạt nếu lười học, mà thậm chí, vua lười học cũng bị phê phán. Đó là chuyện thời vua trẻ Lê Thái Tông mới lên ngôi, năm Thiệu Bình thứ 2 (1435), Ngôn quan là bọn Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ dâng sớ phê vua mấy điều rằng:

“Nay đại thần tiến cử Thiếu bảo hữu bật vào hầu giảng sách, bệ hạ đứng dậy bỏ đi không nghe, thế là một điều không nên. Tiên đế chọn người làm bảo mẫu, làm thầy để vâng mệnh dạy bảo trong cung, bệ hạ khinh rẽ, mắng chửi mà không nghe, thế là hai điều không nên.

Đến như thần phi, huệ phi là bậc dì, vào cung răn dạy, thì bệ hạ sai đóng cửa trước mà không cho vào, thế là ba điều không nên. Người quản lĩnh thị vệ thấy bệ hạ không đọc sách mà cầm cung bắn chim, có khi can ngăn, thì bệ hạ không nghe, lại lấy cung bắn người ấy, thế là bốn điều không nên.

Tiên đế lựa chọn con em công thần sai vào hầu bệ hạ đọc sách thì bệ hạ đều xa lánh họ mà nô đùa với bọn hầu hạ gần gũi ở trong cung, thế là năm điều không nên. Người làm vua phải tìm người tài giỏi biết nói thẳng, hết lời can ngăn và những người có công lao mà thưởng họ, nay bệ hạ lại vui đùa với bọn hoạn quan nói rồi thưởng cho chúng, thế là sáu điều không nên”.

Nhà vua ban đầu xem sớ rất giận, nhưng về sau cũng dần dần bỏ tính ham chơi, chuyên tâm học tập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại