'Vua tiền mặt' Hòa Phát vừa cất thêm 5.600 tỷ đồng vào 'két' chỉ trong quý đầu năm, thứ tự các đại gia lắm tiền còn lại xáo trộn mạnh mẽ

Hà My |

Hòa Phát củng cố vững chắc vị trí doanh nghiệp nhiều tiền nhất trên sàn chứng khoán.

Theo thống kê của chúng tôi, tại thời điểm 31/3/2022, trên sàn chứng khoán có 19 doanh nghiệp đang nắm trong tay lượng tiền trị giá trên 10.000 tỷ đồng (Tiền ở đây bao gồm: Tiền mặt, các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn).

Nhiều tiền nhất không ai khác vẫn là 'vua tiền mặt' Hòa Phát. Trong 3 tháng đầu năm, lượng tiền của Hòa Phát đã tăng thêm 5.600 tỷ đồng, lên 46.309 tỷ đồng.

Trong cơ cấu tiền của Hòa Phát, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng gấp rưỡi chỉ trong 3 tháng đầu năm, từ 18.200 tỷ đồng lên 27.200 tỷ đồng. Đây là các khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 3-12 tháng.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền của Hòa Phát, trong 3 tháng đầu năm công ty đã đi vay 34.800 tỷ đồng, trả nợ gốc vay 31.900 tỷ đồng, đồng thời chi hơn 6.000 tỷ đồng mua sắm, xây dựng tài sản cổ định. Hòa Phát đang phát triển dự án Dung Quất 2, với nhiều tham vọng lớn.

Vị trí thứ 2 đã có sự thay đổi: GAS nâng lượng tiền lên 33.700 tỷ đồng, vượt qua Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam khi ACV giảm tiền xuống 31.300 tỷ đồng.

2 sự xáo trộn lớn nhất thuộc về Vingroup và Masan, khi tiền mặt tại 2 ông lớn này giảm mạnh. Tại Vingroup, lượng tiền từ 26.400 tỷ đồng hồi đầu năm đã giảm xuống dưới 18.900 tỷ đồng (-19%). Bên Masan, tiền còn giảm mạnh hơn khi từ 22.600 tỷ đồng xuống còn 12.900 tỷ đồng (-43%).

Cũng vì vậy, xếp hạng về tiền của Vingroup giảm từ thứ 4 xuống thứ 9 trong khi Masan từ thứ 7 xuống đứng thứ 16.

Vua tiền mặt Hòa Phát vừa cất thêm 5.600 tỷ đồng vào két chỉ trong quý đầu năm, thứ tự các đại gia lắm tiền còn lại xáo trộn mạnh mẽ  - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp có biến động về tiền mạnh nhất

Công ty con của Masan là Masan Consumer Holdings cũng giảm mạnh tiền trong kỳ vừa qua, xuống 8.800 tỷ đồng, giảm 4.300 tỷ đồng so với đầu năm và xếp hạng giảm từ 14 xuống 20.

Thế Giới Di Động và Vinamilk cũng là 2 trong số những doanh nghiệp có tiền giảm mạnh kỳ vừa qua (-3.400 tỷ đồng và -1.861 tỷ đồng). Một số doanh nghiệp khác ghi nhận tiền tăng mạnh gồm Lọc hóa dầu Bình Sơn, Viettel Global, VEAM, Gelex.

Sàn chứng khoán hiện chỉ còn 5 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền trên 1 tỷ USD, gồm Hòa Phát, ACV, GAS, FPT và Lọc hóa dầu Bình Sơn, giảm một doanh nghiệp so với hồi cuối năm 2021.

Vua tiền mặt Hòa Phát vừa cất thêm 5.600 tỷ đồng vào két chỉ trong quý đầu năm, thứ tự các đại gia lắm tiền còn lại xáo trộn mạnh mẽ  - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại