Giorgio Armani vẫn thường được nhắc đến như một "huyền thoại sống", một "King George" của nước Ý. Những kiệt tác ông tạo nên bằng tài năng phi thường và niềm đam mê vô hạn đã trở thành tài sản độc đáo của kinh đô thời trang thế giới cũng như toàn nhân loại.
81 tuổi với 41 năm làm việc trong ngành mốt, Giorgio Armani vẫn còn nhiều ý tưởng kinh doanh đột phá và đang là tỷ phú với khối tài sản khổng lồ lên tới 8,5 triệu USD.
Suýt bị mù mắt vì chiến tranh
Giorgio Armani sinh năm 1934 tại Piacenze, một tỉnh lẻ còn khá nghèo thời bấy giờ ở Italia. Không may mắn lớn lên giữa thời chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, cậu bé Armani ngày ấy đã từng trải qua những hoàn cảnh hết sức khốc liệt.
Nhà thiết kế Armani sinh ngày 11/7/1934 tại Piacenza, Italia.
"Mặc dù bây giờ tôi có cuộc sống thoải mái, nhưng không phải luôn luôn là như vậy. Khi còn nhỏ, tôi lớn lên giữa chiến tranh tàn phá ở Italy"
"Một ngày, chúng tôi chơi với một vỏ bom chưa nổ, sau đó, nó bất ngờ phát nổ, giết chết người bạn của tôi và đốt cháy tôi từ đầu đến chân.
Mắt tôi suýt bị mù và không nhìn thấy một thời gian, còn da phải ngâm trong rượu để làm dịu những vết bỏng. Đến giờ tôi vẫn còn có vết sẹo trên mắt cá chân", Armani từng kể lại quá khứ không êm đềm.
Tốt nghiệp phổ thông, Giorgio Armani theo học ngành y với kỳ vọng sẽ trở thành một bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật. Nhưng sự khó khăn khi tiếp xúc với người bệnh đã khiến ông bỏ học, về nhà làm những công việc vặt vãnh.
Tưởng như cuộc đời Armani sẽ trôi đi trong bế tắc và sự tẻ nhạt, thì trong một lần du lịch tới Milan, ông đã bị kinh đô thời trang cuốn hút và bắt đầu suy nghĩ đến con đường đầy thú vị này. Từ đây thế giới của ông, những thứ xung quanh ông gắn liền với thế giới thời trang như một định mệnh đã được sắp đặt.
Tình yêu bén duyên cùng sự nghiệp
Sau lần tới Milan, Armani quyết định không quay trở lại trường đại học mà thử vận may của mình. Ban đầu, để kiếm tiền trang trải cuộc sống, chàng trai 25 tuổi ngày ấy phải đi làm công việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.
Sau đó, ông được thuê làm người trưng bày tủ kính ở trung tâm thương mại La Rinascente rồi tiến tới là nhân viên bán quần áo nam giới. Chính từ thời gian này, Armani đã bắt đầu tiếp cận với ngành công nghiệp thời trang và học hỏi được những kinh nghiệm quý báu.
Những năm 1960, sự nghiệp của Giorgio Armani sang trang khi ông gặp nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Nino Cerruti.
Cho đến lúc được công ty của Nino Cerruti tuyển vào vị trí thiết kế, chàng trai đến từ tỉnh lẻ Armani mới thực sự khởi đầu hành trình biến ước mơ thành hiện thực. Đây cũng là thời điểm ông nhận may và bán lẻ một số sản phẩm tại hệ thống các cửa hàng thời trang.
Sau một lần đến Milan, cuộc đời Armani thay đổi hoàn toàn.
Cuối những năm 60, Giorgio gặp Sergio Galeotti, vốn là một họa đồ viên kiến trúc. Sergio gắn bó với Giorgio từ những ngày đầu sự nghiệp thiết kế thời trang và góp ý cho ông nhiều lời khuyên bổ ích.
Mối quan hệ của Sergio và Armani không chỉ là một tình yêu đồng tính mà còn là những người cùng chung ước mơ khởi nghiệp. Sergio Geleotti là người đồng sáng lập thương hiệu, đồng thời là bạn tâm giao, người yêu của nhà tạo mốt lừng danh.
Năm 1973, Sergio thuyết phục Armani mở một văn phòng thiết kế tại Milan. Một năm sau, hai người giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên cho nam giới, tạo tiền đề để thành lập công ty Giorgio Armani S.p.A. vào năm 1975.
Không chỉ dừng lại ở những thiết kế dành cho nam giới, công ty của Armani và Sergio còn ra mắt những bộ sưu tập thời trang nữ và được đông đảo khách hàng đón nhận.
Tính nhạy bén trong kinh doanh đã góp phần làm nên thành công của nhà thiết kế người Ý.
Trong những năm tiếp theo, Armani giới thiệu một số dòng sản phẩm mới, bao gồm Le Collezioni, Emporio Armani, đồ lót, phụ kiện, nước hoa và nhiều thứ khác.
Tuy mới mẻ nhưng thương hiệu của Armani nhanh chóng phát triển đến mức sau 2 năm thành lập, ông và Galeotti đã đủ tự tin để khởi động cuộc chinh phục thị trường châu Âu và Mỹ.
Năm 1979, công ty của Aramni và Sergio nâng cấp thành Tập đoàn, bắt đầu sản xuất cho Mỹ và giới thiệu các dòng trang phục chính dành cho nam và nữ.
Thời điểm đánh dấu bước ngoặt của nhà thiết kế là khi ông trình làng mẫu áo vest nam không có lớp lót và vải lót bên trong như truyền thống (áo vest một lớp). Khi Richard Gere mặc mẫu áo khoác này trong bộ phim năm 1980, "American Gigolo", tên và nhãn hiệu Armani trở nên nổi tiếng thế giới.
Có thể nói thành công của Armani không chỉ trên phương diện nghệ thuật thẩm mỹ mà ông và bạn trai còn "đánh chiếm" lĩnh vực kinh doanh.
Sergio Galeotti là người bạn đồng hành của Armani những ngày đầu khởi nghiệp.
"From Nothing to Everything" - đó là câu nói mà người ta thường nói về Armani.
Năm 1988, dòng sản phẩm Emporio Armani được ông cho ra mắt nhanh chóng làm thị trường dậy sóng. Ông cũng cho xây dựng thêm nhiều xưởng may để phục vụ dây chuyển khép kín của công ty như Giorgio Armani Neve, Giorgio Armani Golf...
Từ năm 1998 đến 2000, hãng Armani bước vào thị trường thời trang thể thao và liên tục tung ra các dòng mỹ phẩm mới.
Hiện tại, thương hiệu Armani có trong tay khoảng 2.000 shop thời trang có mặt ở 36 quốc gia trên toàn thế giới. Tổng doanh thu của hệ thống các cửa hàng này đạt trên 1 tỉ USD mỗi năm.
Trong sự nghiệp lẫy lừng, Giorgio Armani đã nhận được nhiều giải thưởng, như Giải Thời trang Neiman Marcus năm 1979 và Giải GQ Phong cách Nam cho Nhà thiết kế xuất sắc nhất năm 1981, giải Thành tựu trọn đời từ Hội đồng các nhà thiết kế thời trang của Mỹ (CFDA) năm 1987.
Năm 1982, Armani trở thành nhà thiết kế thời trang thứ hai (sau Christian Dior) xuất hiện trên trang bìa của tạp chí "Time". Đây là một vinh dự lớn bao bởi không phải ai cũng được lên trang bìa của tạp chí danh tiếng này.
Từ số vốn 10.000 USD với một nhân viên tiếp tân duy nhất là sinh viên. Sergio cùng Armani đã tạo nên một thương hiệu toàn cầu, sản phẩm của tập đoàn Giorgio Armani S.p.A đã trở thành một thứ hàng hiệu sang trọng và sành điệu cho rất nhiều đối tượng khách hàng.
Sau khi Galeotti qua đời năm 1985, Armani trở thành chủ sở hữu duy nhất của thương hiệu và trực tiếp điều hành mọi hoạt động kinh doanh cho tới tận bây giờ.
Từ đó đến nay, Armani đã có những cuộc tình với những phụ nữ và cả đàn ông, như nhiều lần ông thổ lộ với báo giới. Nhưng không có ai để lại dấu ấn sâu đậm như Sergio Galeotti trong trái tim ông. Và người ta vẫn gọi ông là "gã tỷ phú cô đơn".
Triết lý của "ông vua thời trang"
Nếu Christian Dior mang đến cho thế giới thiết kế New Look, Yves Saint Laurent đặt nền móng cho thời trang ứng dụng, Chanel giải phóng phụ nữ khỏi các thiết kế gò bó thì Giorgio Armani với các mẫu áo vest đã làm nên một cuộc cách mạng thời trang.
Phương châm thiết kế của Armani: thời trang chỉ là công cụ và phương cách chứ không phải mục đích cuối cùng.
Bộ sưu tập Menswear Fall Winter 2016 của Armani.
Giống như câu ngạn ngữ "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", Armani coi trọng và đề cao những giá trị vô hình chứ không phải sự bộc lộ ra bên ngoài của thời trang.
"Quan điểm của tôi rất rõ ràng: Tôi tin vào việc loại bỏ những chất liệu giả tạo của trang phục. Tôi tin vào các màu trung tính", Armani tuyên bố.
Trung thành với phương châm trên, mỗi thiết kế của Giorgio Armani luôn loại bỏ sự rườm rà, hướng đến sự tiện dụng nhưng không kém phần sang trọng, lịch lãm.
Triết lý của Armani thể hiện rõ nhất ở sản phẩm có tên gọi là "giacca destrutturata". Từ chiếc áo comple cổ điển, Armani cải biên nó thành một loại áo hoàn toàn khác cho dù vẫn giữ nguyên dáng vẻ.
Nhà thiết kế loại bỏ lớp lót và chất liệu làm cứng vai áo, đồng thời cũng không sử dụng nhuộm màu và họa tiết phức tạp trên nền vải mà chỉ sử dụng màu vải tự nhiên, đơn giản chỉ có các màu nâu, xám hoặc nâu nhạt.
Từ chiếc comple truyền thống, giacca destrutturata hoàn thành là một chiếc áo buông thõng tự nhiên chứ không cứng nhắc, gò bó.
Những chiếc áo "giacca destrutturata" làm nên cuộc cách mạng thời trang.
Những bộ suit đẳng cấp làm nên thương hiệu lịch lãm của hãng Armani.
Đã bao giờ bạn tự hỏi, bí quyết thành công của Armani đơn giản chỉ có lập trường "màu trung tính, nói không với chất liệu giả"?
Đây lại là một câu chuyện về "cơ may". Vào thời điểm Armani và Sergio Galeotti cho ra đời thương hiệu này, thế giới thời trang đã đầy rẫy những thương hiệu sáng giá.
Cho nên thành công của Armani chỉ có thể lý giải được ở sự cộng hưởng tác động của một tác nhân bên ngoài mà Armani đã tranh thủ được. Tác nhân bên ngoài đó có tên gọi là Hollywood.
Nhận rõ tầm quan trọng trong việc thiết kế trang phục cho các bộ phim, vài năm sau khi thành lập công ty, Armani đã hợp tác với một số nhà sản xuất. Sau thành công khi hợp tác với đoàn làm phim American Gigolo (1980), cơ hội làm ăn lâu dài với thế giới điện ảnh trở nên rộng mở.
Nhà tạo mốt Italy đã sáng tạo trang phục cho hơn 100 bộ phim, trong đó có tác phẩm điện ảnh nổi tiếng The Untouchables (1987).
Thành công của bộ phim này đã giúp Armani gây dựng được ảnh hưởng ở Mỹ. Rồi đến bộ phim "The Untouchables" với các ngôi sao như Sean Connery và Kevin Costner.
Nhiều sao Hollywood yêu thích thương hiệu đến từ nước Ý.
Hiện tại, thương hiệu Armani đã chinh phục được cả đội ngũ đông đảo sao lớn sao bé của Hollywood quảng cáo cho mình như Jodie Forster, Michelle Pfeiffer, Katie Holmes, Tom Cruise, Lindsay Lohan, Tom Hiddlesto, Naomi Watts...
Nhắc đến "King Armani", giới mộ điệu sẽ nghĩ đến những phát ngôn đầy sâu sắc về thời trang của ông."Tôi thích thời trang thiên hạ không nhìn thấy", "Sang trọng không phải là nổi bật bề ngoài, mà là cái lắng đọng trong hồi tưởng" và "Armani không phải là thương hiệu về thời trang, mà là thương hiệu về phong cách sống".
Một trong những phát ngôn của Armani.
Ngày nay, không chỉ nam giới mà phụ nữ cũng thích thời trang Armani. Nó giản dị nhưng cực kỳ sang trọng, rất tiện dụng mà lại mềm mại, nhẹ nhàng, giống như làn da thứ hai của thân thể.