Năm 1992, vài giờ sau khi yết kiến nhà vua, Thủ tướng Thái Lan và đối thủ cùng tuyên bố rời khỏi chính trường. Quân đội buông vũ khí. Người biểu tình rút lui.
Sau nhiều ngày chìm trong khói lửa, hơi cay, đường phố thủ đô Bangkok ngày 5/12 bỗng yên ả lạ thường. Ở nhiều nơi, xe ô tô không hoạt động, không có dấu hiệu nào của những cuộc biểu tình chống chính phủ vốn đã gây náo loạn suốt hơn 1 tuần trước đó. Quốc kì Thái Lan tràn ngập.
Người dân, đa phần đều mặc áo vàng, đổ ra phố, ngồi dọc 2 bên đường. Họ chờ đợi hàng giờ chỉ để được nhìn thấy xe ô tô của nhà vua Bhumibol Adulyadej cùng đoàn hộ tống đi qua trong ngày sinh nhật của ông. Họ vẫy cờ, chắp tay, rưng rưng nước mắt và hô vang "Đức vua vạn tuế".
Ở quốc gia hơn 62 triệu dân này, những bức chân dung to hơn người thật của nhà vua được treo tại phần lớn các gia đình, các sảnh lớn, toà nhà văn phòng, nút giao thông như một minh chứng cho vị trí của ông trong đời sống xã hội.
Mỗi năm đi 30.000 dặm gặp nhân dân
Nhà vua Thái Lan được người dân nước này tôn kính như một vị Phật sống. Họ gọi ông bằng nhiều cái tên trìu mến nhưng không kém phần ngưỡng vọng: Vị chúa ngự phía trên chúng con, Vua của nhân dân... Sự tôn kính này không phải bắt nguồn từ những bí ẩn hay chịu sự tác động của một thế lực nào khác, mà từ chính thực tế đời sống.
Năm 18 tuổi, nhà vua Bhumibol lên ngôi sau cái chết bất ngờ của anh trai. Chưa từng được học về trách nhiệm của tầng lớp đế vương, song vị vua trẻ đã thề "cai trị quốc gia bằng sự công bằng, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân". Và ông đã chứng minh rằng đó không chỉ là lời hứa suông.
Khi còn trẻ, sức khoẻ còn dồi dào, trung bình mỗi năm, nhà vua Bhumibol chỉ ở trong cung điện khoảng 7 tháng. Thời gian còn lại ông thường xuyên đi thị sát, tới những nơi xa xôi hẻo lánh, nghèo khó nhất Thái Lan, trò chuyện với người dân, xuống ruộng với họ, hoà mình vào với cuộc sống ở đó.
Quãng đường "rong ruổi" của ông mỗi năm trung bình khoảng 30.000 dặm - hầu hết đều trên chiếc xe jeep tự lái. Trong tâm trí của những người dân Thái, nhà vua là một người thân thiện, với cuốn sổ và chiếc bút trên tay, luôn lắng nghe và tràn đầy ý tưởng mới.
Nhà vua Thái Lan nói chuyện với người dân nghèo trong một chuyến thị sát của mình.
Biểu tượng trường tồn qua thời gian
Ông đã biến cung điện Chitralada rộng lớn của mình thành tổ hợp trang trại, cánh đồng, nhà máy chế biến - nơi ông có thể tiến hành nhiều thí nghiệm và thực hiện hàng loạt các đề án về nông nghiệp, thuỷ lợi. Từ đây, hơn 3.000 đề án do chính nhà vua khởi xướng đã được triển khai trên toàn quốc, cải thiện điều kiện sống của dân nghèo ở nông thôn.
Văn phòng Ban phát triển dự án Hoàng gia cũng đã được xây dựng và thành công trong việc huy động ngân sách cũng như nguồn nhân lực từ phía các cơ quan chính phủ, nhằm thực hiện các dự án do Hoàng gia đề xuất - đa phần là dự án thuỷ lợi quy mô lớn.
Thời điểm năm 1998 - 2003, khi chính sách phát triển của nhà nước thất bại, các tổ chức phi chính phủ đang có nhiều hoạt động, nhà vua cũng đã thiết lập tổ chức phi chính phủ Hoàng gia nhằm thúc đẩy nền kinh tế tự cung tự cấp và được số đông chấp thuận, làm theo.
Không những thế, vua Bhumibol cũng đã hỗ trợ chính phủ trong việc đưa ra hàng loạt giải pháp cho các vấn đề, từ giảm lũ lụt, hạn hán tới ùn tắc giao thông và phúc lợi xã hội.
Suốt 6 thập kỉ trị vì, nhà vua Bhumibol đã chứng kiến 17 cuộc đảo chính và 26 đời thủ tướng, kinh tế quốc gia phát triển, còn giá trị cộng đồng và gia đình bị suy giảm, tham nhũng trở thành một phần của đời sống. Dù thế, trong tâm niệm của người Thái Lan, nhà vua vẫn là hình ảnh mẫu mực của triết lý đạo Phật, chính trực, vô tư, tách mình khỏi đầy rẫy những vết nhơ và cám dỗ của cuộc sống.
Đối với người dân Thái Lan, nhà vua là một biểu tưởng của sự ổn định, một huyền thoại về nhân cách mà họ cảm thấy hết mức tin tưởng, một vị vua đáng kính trọng vì đã cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ đất nước.
Nhà vua là vị Phật sống trong tim người dân Thái Lan
"Quyền lực dự phòng" trong chính trường bất ổn
Mặc dù theo luật pháp, nhà vua phải đứng ngoài các vấn đề về chính trị, và quyền lực của ông chỉ mang tính biểu tượng, song bằng bằng sự công tâm và trung lập của mình, ông đã không ít lần thành công trong việc làm cố vấn, trung gian hoà giải những bất hoà chính trị liên tiếp xảy ra tại quốc gia này.
Một trong những hình ảnh của nhà vua Bhumibol để lại ấn tượng nhất với người dân Thái Lan và cả thế giới là sự xuất hiện trực tiếp trên truyền hình, trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Suchinda Kraprayoon và chính trị gia đối lập Chamlong Srimuang - hai nhân vật trung tâm gây ra cuộc biểu tình bạo lực khiến nhiều người dân thiệt mạng năm 1992.
Vua Bhumibol đã kêu gọi kiềm chế và hợp tác "vì đất nước của tất cả chúng ta chứ không phải vì đất nước của hai vị. Cuộc khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng đến mọi người ở Bangkok, mà còn ảnh hưởng tới cả nước. Nếu như Bangkok bị thiệt hại, cả nước cũng sẽ bị thiệt hại. Không ai có thể hát khúc ca khải hoàn trên đống đổ nát của đất nước".
Vài giờ sau đó, Thủ tướng Kraparayoon và đối thủ đều đồng loạt tuyên bố rời khỏi chính trường, quân đội buông vũ khí, người biểu tình cũng rút lui.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda, người trực tiếp theo dõi cuộc nói chuyện này nhớ lại: "Ngài không can thiệp cho tới khi chính phủ khi đó không thể nào kiểm soát được tình hình. Trong thời khắc vô cùng khủng hoảng, mọi người đã tìm tới ngài để kêu gọi giúp đỡ ngăn chặn đổ máu. Ngài đã mang lại hoà bình bằng cách đưa ra những lời khuyên".
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Thái Lan Anad Panyarachun đã miêu tả quyền năng của nhà vua Bhumibol như một thứ "quyền lực dự phòng", luôn được sử dụng một cách tiết kiệm nhưng đầy khôn ngoan, đóng vai trò quyết định trong việc duy trì sự ổn định của quốc gia.
Quyền lực này, theo ông Panyarachun, được tích luỹ trong suốt cuộc đời cống hiến cho đất nước của nhà vua, là thứ không thể truyền lại, cũng không thể kế thừa được.