10h09 sáng nay 4/5, năm 2562 theo Phật lịch, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn sẽ bắt đầu thực hiện lễ tắm tẩy trần, nghi lễ đầu tiên trong lễ đăng quang tại Cung Chakrabat Biman thuộc Đại Hoàng cung ở thủ đô Bangkok, chính thức trở thành vị vua thứ 10 của triều đại Chakri.
Vua Rama X đã lên ngôi vào năm 2016, sau khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà, khép lại 7 thập kỷ trị vì. Tuy nhiên, lễ đăng quang chính thức phải lùi lại hơn 2 năm vì nhà vua để tang cha.
Sự kiện đặc biệt này diễn ra trong bối cảnh Thái Lan vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chia rẽ chính trị, vốn đã tồn tại suốt gần 2 thập kỷ nay.
"Lễ đăng quang sẽ đánh dấu lịch sử một thời đại mới và sẽ cho chúng tôi cơ hội để tự xác nhận với chính mình rằng người Thái, đất nước Thái có lịch sử lâu đời và mối gắn kết ngàn xưa giữa vương triều và nhân dân", chuyên gia về Hoàng gia Thái Lan Thongthong Chandransu chia sẻ.
Thái Lan chuẩn bị cho lễ đăng quang của Rama X. Ảnh: Reuters
Chào đời ngày 28/7/1952, Vajiralongkorn là con thứ và cũng là con trai duy nhất của Vua Bhumibol với Hoàng hậu Sirikit.
Sau khi hoàn thành bậc tiểu học ở Thái Lan, ông tiếp tục theo học các trường tư tại Anh và Australia trước khi vào Trường Quân sự Hoàng gia Duntroon ở Canberra và lấy bằng cử nhân về nghiên cứu quân sự từ Đại học New South Wales (Australia).
Theo tiểu sử chính thức của nhà vua, ông là phi công có chứng chỉ lái trực thăng và máy bay chiến đấu. Vajiralongkorn từng có thời gian phục vụ trong Quân đội Hoàng gia Thái Lan. Giờ đây, ở vị trí Quốc vương, ông đảm nhiệm chức vụ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Thái Lan.
Thái Lan trở thành quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến kể từ sau một cuộc đảo chính năm 1932, khiến nền quân chủ tuyệt đối mà nước này xác lập trước thời điểm đó sụp đổ.
Từ 1932 tới nay, xứ sở Chùa Vàng tiếp tục trải qua nhiều biến động với hàng loạt các cuộc đảo chính. Dù vậy, Đế quyền vẫn là trung tâm và trụ vững giữa những cơn sóng gió. Trong cuộc chính biến năm 2014, quân đội Thái Lan tuyên bố bảo vệ Hoàng gia khỏi những chính trị gia bất kính với vương triều.
Kế vị Quốc vương Bhumibol, Vua Vajiralongkorn tiếp tục gìn giữ và tiếp nối di sản trị vì của người cha, cũng như các vị quân vương trước đó. Nhà vua đã có hành động nhanh chóng khi ngăn cản chị gái, Công chúa Ubolratana, phá bỏ truyền thống đứng ngoài chính trị của hoàng gia Thái Lan.
Chỉ vài giờ sau khi bà Uboltara bất ngờ công bố tham gia vào cuộc đua giành chiếc ghế Thủ tướng, đại diện cho đảng Thai Raksa Chart, nhà vua đã ra sắc lệnh nhấn mạnh tư cách ứng viên của Công chúa Ubolrata là "không phù hợp" và trái với hiến pháp. Bà đã nhanh chóng bị Ủy ban Bầu cử tước tư cách thành viên. Đảng Thai Raksa Chart bị cấm tham gia cuộc bầu cử.
Ngay trước ngày bầu cử 24/3, nhà vua bất ngờ ra thông cáo bày tỏ sự lo lắng cho an ninh đất nước, cũng như sự hạnh phúc của người dân Thái Lan. Thông cáo không trực tiếp đề cập tới cuộc bầu cử nhưng có nội dung gợi nhớ về bài phát biểu của Vua cha Bhumibol và tư vấn cho các cử tri "ủng hộ người tốt điều hành đất nước và ngăn cản kẻ xấu nắm quyền, gây rối và mất trật tự".
Ảnh chụp khổ lớn của Vua Vajiralongkorn được đặt trên đường phố Bangkok. Ảnh: Reuters
Sự tận tâm sâu sắc của nhà vua đối với cuộc sống của người dân còn được phản ánh trong nhiều bài phát biểu của ông trước đó, đặc biệt là thông điệp mừng năm mới sau thời điểm vua cha băng hà. Ông đã chân thành bày tỏ sự cảm kích của mình đối với người dân.
"Tôi rất cảm động và ấn tượng khi thấy người dân Thái Lan từ mọi tầng lớp xã hội, từ xa cũng như gần, đã tới thể hiện lòng tôn kính trước di hài của nhà vua quá cố.
Tôi xin cảm ơn sự hợp tác của mọi người, giúp tang lễ hoàng gia được tiến hành suôn sẻ. Điều này cho thấy người Thái rất tốt bụng. Người Thái trân quý lòng biết ơn và cư xử hào phóng với nhau.
Người Thái rất yêu nước. Họ yêu Vương quốc của mình. Đó là một đặc tính quốc gia của chúng ta. Người Thái cũng hiểu biết và giàu năng lực như công dân của bất cứ quốc gia nào khác. Đó là lý do vì sao nên tin rằng nếu chúng ta để tâm và cùng chung tay, chúng ta có thể vượt qua nhiều trở ngại, nhiều vấn đề hoặc bất cứ sự cố bất ngờ xảy ra".
Một trong các mẫu thiệp do Vua Rama IX vẽ tay, thiết kế. Ảnh: Bangkokpost
Trong dịp Năm mới 2018, Vua Vajiralongkorn còn thiết kế 4 mẫu thiệp vẽ tay, minh họa hình ảnh trẻ em Thái Lan chơi các trò chơi truyền thống hoặc cảnh quây quần của gia đình.
Những mẫu thiệp mừng năm mới kể trên có giá niêm yết 99 baht (khoảng 70.000 đồng) và xuất hiện tại tất cả các hệ thống siêu thị Golden Place, cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, cũng như một số ngân hàng. Toàn bộ lợi nhuận thu về được chuyển cho các dự án từ thiện của hoàng gia nhằm hỗ trợ nạn nhân trong các thảm họa, thiên tai.
Ngoài ra, một trong các chương trình đáng chú ý của Vua Vajiralongkorn là dự án "Tinh thần tình nguyện", bắt đầu từ năm 2017.
Chính phủ Thái Lan cho hay, dự án đã ghi danh cho khoảng 5,2 triệu người dân Thái Lan, những người tình nguyện tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng, từ dọn dẹp không gian công cộng cho tới hỗ trợ cảnh sát điều khiển giao thông.
Những tình nguyện viên này cũng từng tham gia vào nỗ lực quốc tế nhằm giải cứu 12 thành viên đội bóng và huấn luyện viên khỏi hang động ngập nước ở miền Bắc Thái Lan hồi năm ngoái.
Cống hiến cho vương triều là một phần đã ăn sâu trong văn hóa Thái Lan, đặc biệt trở nên phổ biến hơn trong giai đoạn 70 năm trị vì của Vua Bhumibol.
Kế vị ngôi báu đã được 2 năm nhưng Vua Vajiralongkorn không có các động thái phô bày quyền lực. Trong thời gian qua, Vajiralongkorn chủ yếu sống ở Munich, nơi ông sở hữu một dinh thự trị giá 13 triệu USD. Ông thường lái chiếc máy bay Boeing 737 của mình khi ra nước ngoài. Lúc nào cần giải quyết các công việc quan trọng, ông lại quay trở về Thái Lan.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vị quân vương này không hề xao nhãng với trọng trách của mình. Đặc biệt, Vajiralongkorn đã có những bước đi đáng chú ý nhằm tập trung quyền lực vào chế độ quân chủ.
Tháng 7/2017, hội đồng luật pháp do quân đội bổ nhiệm đã sửa đổi điều luật, trao cho nhà vua toàn quyền kiểm soát Cơ quan Tài sản Hoàng gia, vốn quản lý khối tài sản trị giá nhiều tỉ USD của hoàng gia Thái Lan, trước kia thuộc quyền giám sát của Bộ Tài chính Thái Lan.
Giá trị chính xác của các khối bất động sản và tài sản khác không được công khai, nhưng theo cuốn tiểu sử xuất bản năm 2011 "Vua Bhumibol, Sự nghiệp một đời" của Nicholas Grossman Dominic Faulder, chỉ riêng bất động sản tại Bangkok đã ước tính ở vào khoảng 33 tỉ USD.
Quốc vương Vajiralongkorn. Ảnh: ĐSQ Thái Lan
Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết, nhà vua còn áp dụng nhạy cảm quân sự vào việc điều hành đội ngũ phục vụ hoàng gia.
Các nhân viên và lính canh Hoàng gia được lệnh phải học thuộc "Ratchasawat" hay còn gọi là "bộ quy tắc ứng xử". Bộ quy tắc, được sắp xếp dưới dạng thức một bài thơ, khích lệ những người thân cận với nhà vua "khiêm tốn, không bao giờ khoe khoang", "không bao giờ kiêu ngạo về sự tử tế của nhà vua" và "không được phản ứng kể cả khi đối diện với sự phẫn nộ của ông".
Vua Vajiralongkorn rất quyết đoán khi công khai trừng phạt các thành viên trong đội ngũ phục vụ hoàng gia, bao gồm cả Tổng quản lý Distorn Vajarodaya vì "những hành vi tàn độc", trong đó đáng chú ý là hành vi làm giả chứng từ từ thiện để bỏ túi 25 triệu baht (tương đương 785.000 USD) và trốn thuế.
Người này đã bị sa thải vào tháng 11/2017 và tước bỏ mọi danh hiệu hoàng gia. Theo truyền thông địa phương, ông ta đã bị tòa án hình sự kết án 2,5 năm tù giam vì lơ là nhiệm vụ và lừa đảo hồi tháng 8/2018. Hơn 10 nhân viên khác cũng đã bị đuổi vì những hành vi sai trái khác ở nhiều mức độ, từ chậm chạp cho tới tham nhũng.
"Nhà vua rất quyết đoán và thẳng thắn trong việc chỉ ra cái gì đúng, cái gì sai. Những ai làm tốt thì được ông khen ngợi, những ai sai quấy thì bị trừng phạt", Sulak Sivarkasa, một học giả Thái Lan cho biết.
Tháng 12/2017, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan tiết lộ với báo giới rằng nhà vua đã yêu cầu đổi đồng phục cảnh sát sang thuần màu khaki. Quân đội thì áp dụng một nghi thức chào và một kiểu đầu mới.
Ông cũng thúc đẩy sửa đổi trong hiến pháp Thái Lan nhằm trao cho Quốc vương nhiều quyền điều hành hơn và khả năng kiểm soát đối với quân đội, cũng như việc bổ nhiệm các sư tăng cao cấp nhất đất nước.
"Ông ấy sẽ là một vị vua theo chủ nghĩa can thiệp", chuyên gia về Thái Lan Eugénie Mérieau nhận định với Guardian, "Có thể ông ấy không thường xuyên can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách nhưng ông ấy sẽ giám sát và chỉ đạo thông qua quyền kiểm soát các cơ quan quân đội và dân sự cấp cao".
Hình bóng của Vajiralongkorn trong chính giới có thể cảm nhận được. Người ta cho rằng chính nhà vua là người đã gây sức ép cho chính quyền quân sự để tiến hành cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại Thái Lan trong vòng 8 năm, nhằm đưa đất nước trở lại với bối cảnh tương tự nền dân chủ sau 5 năm sống dưới quyền kiểm soát của quân đội.
Và lễ đăng quang của ông diễn ra trong bối cảnh ấy, ở thời điểm mà chỉ vài ngày nữa, người dân Thái sẽ nhìn thấy rõ hơn vận mệnh của mình khi kết quả bầu cử được công bố.
Trên đường phố Bangkok 1 ngày trước lễ đăng quang, người dân mang trong mình rất nhiều kỳ vọng. Ngồi bên ngoài cửa hàng bán tranh của mình ở Bangkok, Pearl Arunchot, một người dân Thái Lan cho biết bà rất hào hứng với sự kiện ngày 4/5.
"Đối với Thái Lan, đây là lịch sử. Tôi tin rằng Vua Vajiralongkorn sẽ chăm sóc và bảo vệ người dân Thái, đúng như cha ông, Quốc vương Bhumibol, đã làm".