Tại talkshow Nghệ sĩ Đối thoại, danh hài Bảo Chung đã có những phút giây trải lòng cùng hai người em thân thiết trong nghề: Hồng Tơ và Minh Nhí.
Đi diễn tỉnh, dân không cho ngủ nhờ vì sợ ăn trộm ăn cắp
Kể về cơ duyên đến với nghệ thuật, nghệ sĩ Bảo Chung cho biết, cuộc đời anh gặp không ít thăng trầm. Theo truyền thống gia đình, 5 tuổi anh được gửi vào chùa đi tu. 10 tuổi, anh xin gia đình cho về nhà vì quá mê hát. Anh trai anh đến giờ vẫn ở trong chùa.
13, 14 tuổi anh đã hát trong các ban nhạc. Sau giải phóng, ban nhạc tan rã, đang "bơ vơ" chưa biết làm gì thì tình cờ một lần tới thăm người bạn chuyên đánh trống ở đoàn cải lương, anh mê quá, giấu gia đình đi hát.
Lúc đầu, anh cũng làm vai quần chúng, vai quân sĩ cầm cờ chạy, làm hậu đài rồi từ từ được hát kép nhì, kép chính.
Anh kể: "Đang hát ở đoàn Bảo Toàn miền Trung thì anh Vũ Đức nghỉ đi đoàn khác. Ông bầu kêu tôi thế vai hề của anh Vũ Đức. Nghe vậy tôi tự ái lắm vì nghệ sĩ đi hát, ai cũng mong được làm kép chính, kép đẹp, chẳng ai muốn đóng hề cả.
Nhưng vì tham 5.000 đồng mà tôi nhận. Lương tôi lúc đó là 15.000 đồng. Bầu show cho thêm 5.000 là 20.000. Không ngờ, tôi đóng hề lại được khán giả thích. Vậy là dính hài hồi nào không hay. Năm ấy, tôi mới ngoài 20 tuổi.
Cũng hên là tôi với Hồng Tơ được Tổ nghiệp đưa đẩy qua làm hài, chứ hát kép là giờ hai đứa đi ăn mày rồi vì đứa nào cũng hát dở" (cười).
Cũng theo lời anh: "Trong nghề hát này, nghệ sĩ cải lương là khổ cực nhất. Đặc biệt là các nghệ sĩ chưa có tên tuổi. Cải lương ngày xưa chuyên đi hát tỉnh, hát nông thôn nên nghệ sĩ thường phải ngủ tại sân khấu, chợ hoặc mượn nhà dân tá túc.
Nghệ sĩ đóng kép chính, kép đẹp thì khán giả nhận ra nên xin ngủ nhờ nhà dân rất dễ. Còn anh em làm hậu đài, diễn viên đóng quân hầu, binh sĩ quần chúng cực khổ vô cùng. Tôi từng xin ngủ nhờ nhà dân nhưng họ không cho. Họ không biết tôi là ai, nhìn mặt mình gian quá, sợ ăn trộm ăn cắp đồ.
Nghề này vất vả nhưng vui. Làm nghề này nếu không vui thì không bao giờ theo nghề được".
Chén cơm tôi ăn bây giờ là do anh Thanh Điền chị Thanh Kim Huệ cho
Bảo Chung kể, bao nhiêu năm đi hát với cái tên Phương Lâm, anh không được ai biết đến nhưng khi đổi nghệ danh Bảo Chung thì cuộc đời anh như anh bước sang một trang mới.
Anh nhớ lại: "Lúc đó, nghệ sĩ Văn Chung nói tôi đổi nghệ danh, lấy tên nào đó dính chữ Chung của thầy. Tôi rất thích anh Bảo Quốc nên lấy chữ Bảo làm tên lót và chữ Chung của ông thầy thành Bảo Chung, nghĩa là cái chuông quý.
Tôi đi hát bao nhiêu năm bằng tên Phương Lâm, không ai biết tới nhưng đổi nghệ danh Bảo Chung được một tháng thì bật lên từ ngay vở diễn đầu tiên sử dụng tên này "Chắp cánh chim bằng" vai Trần Lôi. Cho nên, nghệ danh của nghệ sĩ quan trọng lắm".
Vừa được khán giả chú ý thì cải lương bị tấu hài soán ngôi. Bảo Chung cùng Hồng Tơ chuyển qua tấu hài và vô cùng đắt show. Thời điểm đỉnh cao, một ngày anh chạy gần chục show diễn, tiền nhiều không kể xiết.
Nghệ sĩ đối thoại 13: Danh hài Bảo Chung bị người dân từ chối cho ngủ nhờ vì thấy mặt gian, sợ ăn trộm đồ.
Tuy nhiên, để có được sự nổi tiếng và sự nghiệp như thế, Bảo Chung cũng trải qua không ít thăng trầm. Trong đó có một sự kiện đặc biệt xảy ra vào năm 1987, anh từng định bỏ nghề và bị chính người thầy của mình đòi lấy vai.
Lúc đó trong đoàn Sài Gòn 3 có ba nghệ sĩ lớn gồm Hề té Văn Chung, Kim Quang, Vân Hương... vì thế, Bảo Chung luôn ngồi ghế "sơ cua", chờ ai đó có việc bận hoặc ốm đau mới được cho lên thế.
Hát bao nhiêu năm cái tên không bật lên, cuộc sống trầy trật, lây lất... về đoàn lại không có vai. anh buồn nộp đơn xin nghỉ.
Thời gian đó, nghệ sĩ Thanh Điền và Thanh Kim Huệ mới về đoàn. Hai người dựng tuồng mới và tất nhiên, như mọi khi, anh cũng không có vai.
"Hôm đó, còn khoảng nửa tháng nữa là tôi nghỉ. Tôi lên đoàn xem mọi người tập. Anh Thanh Điền hỏi: "Sao anh vừa về đoàn thì em lại đi?" .
Tôi trả lời: "Anh nghĩ vậy tôi nghiệp em. Em nghỉ vì không có tuồng hát, chứ đâu phải vì xích mích gì với anh chị đâu".
Anh Điền nói “bây giờ có vai cho em, em hát không?”. Tôi nghe vậy thì mừng quá. Đến lúc cầm kịch bản trong tay, tôi lại rất buồn. Vai của tôi chỉ có hai câu, tôi đóng vai Trần Lôi, em Trần Điện – một nhân vật ăn chơi trác táng.
Cảnh đó, Trần Lôi bị đánh và nói: "Tại sao mày đánh tao? Tao về tao méc anh tao", hết. Vai chỉ có hai câu nhưng tôi lại nổi lên từ vai đó. Tất cả là nhờ anh Thanh Điền.
Hồi đó, tôi làm hài thật nhưng không biết khai thác nhân vật. Anh Thanh Điền thấy tôi buồn liền nói: "Hài không phải là bức tường. Em cầm kịch bản em phải biết nghiên cứu vai diễn của mình, nó nằm ở đâu trong tổng thể kịch bản, từ đó sáng tạo ra cách thể hiện cho ra nét nhân vật".
Bảo Chung - Hồng Tơ chia sẻ tại talkshow Nghệ sĩ Đối thoại.
Tôi nghiên cứu thì thấy Trần Lôi là một tên ăn chơi trác táng, cờ bạc không làm lợi ích gì cho gia đình xã hội. Tôi nghĩ cách thể hiện rồi lên tập thử. Không ngờ mấy người chợ đen tới coi lại cười. Hồi đó, vở nào có chợ đen tới coi là dữ dội lắm.
Anh Thanh Điền vỗ đầu nói "thành công". Chị Thanh Kim Huệ bảo để viết thêm cho tôi một lớp diễn nữa. Trưa hôm đó, tôi vui lắm nhưng chiều thì buồn lại vì bị lấy vai.
Ông thầy Văn Chung của tôi nói với anh Thanh Điền : "Kịch bản này ban đầu không có hài nên tôi mới đóng ông cậu. Khi có hài rồi thì tôi phải đóng vai hài chứ".
Anh Thanh Điền bảo: "Vai này mới 17 tuổi, làm sao chú hát được". Vậy là ông thầy Văn Chung xin nghỉ bệnh không diễn. Tên ông ấy là tên bán vé, ông ấy mà nghỉ thì làm sao vở diễn ăn khách. Tôi vừa sợ vừa buồn vì lo mình mất vai.
Chiều hôm đó đoàn họp, anh Thanh Điền nói "không sao, em cứ làm đi". Nhờ vai Trần Lôi, tôi bật lên và bắt đầu được mọi người biết tới với cái tên Bảo Chung.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp anh Thanh Điền và chị Thanh Kim Huệ. Anh chị là người ơn của tôi. Chén cơm tôi ăn bây giờ là do anh Thanh Điền và chị Thanh Kim Huệ cho", Bảo Chung tâm sự.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nghệ sĩ đối thoại 13: Danh hài Bảo Chung kể chuyện bị thầy đòi... lấy vai diễn.