Vừa được gia hạn thêm 90 ngày mua hàng Mỹ, hàng chục cơ sở nghiên cứu Huawei bị đưa vào danh sách đen

Nguyễn Hải |

Điều này cho thấy, việc gia hạn thời gian mua hàng Mỹ cho Huawei không phải là dấu hiệu cho thấy chính phủ Mỹ muốn ân xá hãng này.

Gần như cùng thời điểm với khi Bộ Thương mại Mỹ gia hạn thời gian Huawei được mua các sản phẩm từ Mỹ thêm 90 ngày nữa, Washington đã tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt lên công ty Trung Quốc. Cụ thể, hơn 20% cơ sở nghiên cứu phát triển và các trung tâm sáng tạo của Huawei trên toàn cầu đã lọt vào danh sách đen của Washington.

Ít nhất, 11 cơ sở nghiên cứu quan trọng của Huawei, bao gồm cả các cơ sở tại Anh và Ý, đã bị đưa vào danh sách mới với 46 công ty con không được mua hàng từ các công ty Mỹ, trừ khi các công ty Mỹ xin được giấy phép từ Washington.

Vừa được gia hạn thêm 90 ngày mua hàng Mỹ, hàng chục cơ sở nghiên cứu Huawei bị đưa vào danh sách đen - Ảnh 1.

Hình ảnh các cơ sở nghiên cứu của Huawei tại Trung Quốc (từ trên cùng bên phải, theo chiều kim đồng hồ): Trung tâm nghiên cứu Bắc Kinh, Trung tâm nghiên cứu Chengdu, Thượng Hải, và Hàng Châu.

Quyết định nhắm tới các trung tâm nghiên cứu này sẽ gia tăng thêm sức ép lên công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc khi họ còn đang phải đối phó với đợt đầu tiên của lệnh cấm mua hàng do Mỹ áp đặt trong tháng Năm. Hiện tại, hơn 100 công ty con của Huawei đã bị ngăn không được mua hàng từ các công ty Mỹ. Trước đó, chỉ có một trung tâm nghiên cứu tại Bỉ bị đưa vào danh sách này.

Theo nhà phân tích Dan Wang của Gavekal Dragonomics, việc bị đưa vào danh sách đen "sẽ hạn chế khả năng Huawei có được công nghệ Mỹ", và nó cho thấy rằng: "Việc gia hạn thời gian mua hàng không phải là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Mỹ dự định nới tay với việc kiểm soát của họ."

Các cơ sở mới bị đưa vào danh sách này gồm có Học viện Milan của Huawei, cơ sở nghiên cứu tại nước ngoài đầu tiên của công ty và là nơi tập trung các học giả đáng chú ý nhất. Ngoài ra còn có Trung tâm về Quang học Tích hợp (Centre of Integrated Photonics), nơi phát triển các thiết bị quang học. Một số cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc cũng bị đưa vào danh sách bao gồm, Học viện Bắc Kinh – trung tâm thử nghiệm router lớn nhất thế giới, và Trung tâm nghiên cứu Chengdu – nơi họ phát triển các công nghệ lưu trữ.

Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, việc bổ sung các cơ sở trên vào danh sách đen mới là điều cần thiết để đảm bảo các hạn chế trước đây đạt được hiệu quả.

Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao tại RAND Corp cho biết: "Bộ Thương mại Mỹ bổ sung thêm các công ty con này để ngăn Huawei đi đường vòng nhằm tránh né các lệnh trừng phạt. Hành động này sẽ hạn chế hơn nữa khả năng của Huawei trong việc tiếp cận các công nghệ và dịch vụ bị cấm của Mỹ."

Việc đưa các cơ sở này là một đòn đánh mạnh vào Huawei, khi hãng công nghệ này mới rót hàng tỷ USD đầu tư cho việc mở rộng các cơ sở nghiên cứu của họ tại Anh và Ý. Hiện hoạt động R&D của Huawei là nơi tập trung đến 90.000 nhân viên, chiếm 45% lực lượng lao động của công ty. với ngân sách lên tới 14,37 tỷ USD, tương đương 14,1% doanh thu năm ngoái. Theo tuyên bố của Huawei, công ty có 15 trung tâm nghiên cứu và 28 trung tâm chuyên môn trên toàn cầu.

Tham khảo Nikkei Asian Review

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại