Bức tranh "Đấng cứu thế" của danh họa Leonardo da Vinci vẽ lại cảnh chúa Jesus nắm trên tay một quả cầu thủy tinh, vốn được treo trong hoàng cung vào cuối thế kỷ 18.
Bức tranh sau đó đã bị mất trộm rồi xuất hiện trở lại, từng được bày bán với cái giá 60 USD vào năm 1958. Sau khi được xác định rõ nguồn gốc, bức tranh nhanh chóng tăng giá tới mốc hơn 450 triệu USD và trở thành tác phẩm duy nhất của da Vinci thuộc sở hữu tư nhân sau một cuộc bán đấu giá vừa qua.
Thế nhưng, một nghi vấn lớn đã được đặt ra khiến bức tranh bị nghi ngờ là hàng giả, đó là quả cầu thủy tinh được Jesus nắm trên tay bị... sai một cách vô lý.
Bức "Salvator Mundi".
Hãy tưởng tượng như chúng ta được giao cho vẽ một quả cầu thủy tinh đặc ruột mà không có hình mẫu. Bước đầu tiên, hiển nhiên rồi, ai cũng sẽ vẽ một hình tròn. Sau đó bạn nhẹ nhàng và khéo léo lên khối, đánh bóng sáng trên quả cầu.
Bước cuối cùng, vì quả cầu bằng thủy tinh, thế nên nó phải trong suốt; bạn liền vẽ khung cảnh phía sau quả cầu thủy tinh với một chút sai lệch để thể hiện sự biến đổi quang học của ánh sáng khi đi qua quả cầu.
Và nếu bạn làm được từng bước như trên một cách hoàn hảo thì xin chia buồn, quả cầu thủy tinh của bạn sẽ được chấm một điểm, về chỗ.
Vì một quả cầu thủy tinh đặc ruột trong suốt sẽ cho người nhìn hình ảnh như thế này cơ.
Ngạc nhiên chưa? Sự thật đảo lộn hết cả, chẳng biết đường nào mà lần đúng không?
Quay trở lại với bức tranh, chúng ta có thể thấy quả cầu thủy tinh của chúa Jesus đã phạm phải lỗi sai cơ bản của những người không am hiểu về quang học.
Và cũng xin đừng quên, bên cạnh việc là một danh họa thì Leonardo da Vinci còn là một khoa học gia đại tài, người đã tạo ra những bản thảo thiết kế đầu tiên của máy bay, xe bọc thép, bộ đồ lặn và robot cơ học giống người.
Quang học vật lý đồng thời cũng là một sở trường của da Vinci - điều được ông thể hiện khá nhiều qua những tác phẩm hội họa như "Madonna of the rocks" hay "La Gioconda".
Khi thực hiện bức "Đấng cứu thế Mundi", ông được ghi nhận là "hoàn toàn đắm chìm vào những ghi chép về quang học" và viết kín nó vào một quyển sổ tay với các sơ đồ ánh sáng phản chiếu ở nhiều góc độ khác nhau - theo The Guardian.
Không lý nào tác giả của bức tranh này...
...lại có thể phạm sai lầm ngớ ngẩn như thế này...
Do vậy, hiển nhiên một tác phẩm của Leonardo da Vinci không thể có những lỗi sai ngớ ngẩn như thế này.
Một số chi tiết nữa cũng khiến bức họa bị nghi ngờ là bản nhái như tình trạng được bảo quản tốt đến khó tin cũng như những mập mờ về nguồn gốc của tác phẩm.
Tuy nhiên trong một diễn biến khác, Walter Isaacson, một nhà nghiên cứu về Leonardo lại cho rằng quả cầu được chúa Jesus cầm trên tay là một quả cầu rỗng - và bức họa này vẫn là hàng thật.
Bức tranh được nhiều người tin rằng nó là hàng thật, bất chấp nhiều nghi vấn xoay quanh nó.
Isaacson viết: "Kính hoặc một khối dạng tinh thể rắn có hình dạng như quả cầu hay lăng kính sẽ tạo hình ảnh phóng to và đảo ngược. Thay vào đó, Leonardo đã vẽ quả cầu như thể nó là một bong bóng thủy tinh rỗng không làm khúc xạ hoay bóp méo ánh sáng đi xuyên qua."
Một số người thậm chí còn cho rằng, quả cầu thủy tinh vẫn là đặc, nhưng được Leonardo da Vinci cố tình vẽ sai các tính chất về mặt vật lý học để thể hiện quyền năng tuyệt đối của Chúa.
(theo The Guardian)