Kể từ khi dịch bệnh bùng phát cuối tháng 4/2021, một số tỉnh, thành áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các runner buộc phải tuân thủ quy định không ra khỏi nhà. Nhờ đó, những chiếc máy chạy bộ trong nhà, hay xe đạp thể thao trong nhà bỗng chốc lên ngôi.
Anh Trần Hồng Nam ở chung cư báo Nhân Dân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết, ngay từ giữa tháng 6/2021, nhận thấy việc chạy bộ ngoài trời có thể bị lây nhiễm Covid-19, vợ chồng anh đã bàn nhau sắm một chiếc máy chạy bộ trị giá 16 triệu đồng, đến bây giờ dù có giãn cách xã hội thì hai vợ chồng anh vẫn duy trì tập luyện thường xuyên chứ không bị “bó chân” như những bạn chạy khác.
“Nhiều người nói rằng chạy bộ trên máy dễ nhàm chán, nhưng tôi lại nghĩ khác, bởi vừa chạy tôi có thể vừa xem một bộ phim trên truyền hình, trò chuyện với vợ và các con. Hoặc cũng có thể thay đổi góc đặt máy để vừa chạy vừa ngắm cảnh bên ngoài và nghe nhạc, tự mình thích nghi với hoàn cảnh mới thôi mà.
Mua một cái máy mà hai vợ chồng có thể thay nhau chạy, vừa chạy vừa trông con thì quá tiện rồi”, anh Nam chia sẻ.
Không có điều kiện để sắm máy chạy như những gia đình có điều kiện, chị Vũ Phương Thùy, một cô gái 23 tuổi có đam mê chạy bộ mỗi ngày, đành tìm đến phương án thuê máy chạy bộ theo tháng với giá 1,5 triệu đồng/tháng, tính chi phí mỗi ngày chị phải trả 50.000 đồng cho việc chạy bộ trong ngôi nhà của mình.
“Nếu mua mới thì chiếc mày này có giá 13 triệu đồng, hơi quá sức so với khả năng tài chính của một người mới đi làm như em. Thuê máy chạy có ưu điểm là mình không chạy cũng phải trả tiền, nên buộc phải tăng cường chạy nhiều nhất có thể cho đỡ… xót tiền”, chị Thùy chia sẻ.
Máy chạy bộ có thể thích hợp với mọi lứa tuổi nên cả nhà cùng thay nhau tập.
Thuê máy chạy bộ là một giải pháp phù hợp cho những người không có khả năng tài chính như chị Thùy. Hơn nữa, vì máy khá cồng kềnh, tốn diện tích, khi mùa dịch qua đi, điều đầu tiên runner sẽ làm là xỏ giày ra đường, tận hưởng không khí thoáng mát ngoài trời, và giao trả lại máy cho bên dịch vụ cho thuê.
Tuy nhiên, việc thuê máy chạy bộ sẽ không đơn giản như mua một chiếc máy mới, bởi hầu hết các cửa hàng bán mặt hàng này đều ưu tiên bán đứt cho khách, thay vì cho thuê.
Nhân viên kinh doanh của một thương hiệu máy chạy có tới 6 cửa hàng lớn tại Hà Nội cho biết, kể từ tháng 7 đến nay, doanh số các cửa hàng tăng khoảng 20-30% so với trước đây.
Nhà phân phối này cũng có chính sách giảm giá để tăng khả năng cạnh tranh, đơn cử như một chiếc máy chạy năm ngoái được bán với giá 21,4 triệu đồng nhưng nay đã giảm chỉ còn 16 triệu đồng. Hãng cũng khuyến khích khách hàng đặt mua online nên sẽ giảm thêm 800.000 đồng/máy cho khách đặt mua online.
“Những ngày này, bộ phận trực tổng đài (hotline, fanpage) và chăm sóc khách hàng bận rộn hơn hẳn. Liên tục có khách liên hệ để hỏi giá bán sản phẩm cũng như giá thuê máy.
Mọi người cũng bày tỏ nghi ngại việc vận chuyển có gặp trở ngại gì từ các chốt kiểm dịch hay không, tuy nhiên chúng tôi cam kết giao tận nhà cho khách hàng”, nhân viên kinh doanh này cho biết.
Cùng với máy chạy bộ, máy đạp xe trong nhà cũng là lựa chọn của nhiều người.
Chị Thùy Trang, nhân viên kinh doanh của một tập đoàn chuyên kinh doanh máy chạy bộ, xe đạp trong nhà có trụ sở tại quận 7, TP.HCM cho biết, tập đoàn có showroom tại 63 tỉnh, thành.
Trong đó, Hà Nội và TP.HCM vẫn là hai thị trường chính, khoảng 3 tháng gần đây, mỗi showroom tại hai thành phố này bán từ 7-10 máy chạy/ngày với giá bán dao động từ 10-15 triệu đồng tùy từng loại máy.
“Trước đây mỗi cửa hàng bán giỏi lắm chỉ được 3-5 máy/ngày, thậm chí có ngày không bán được cái nào”, chị Thùy Trang cho hay.
Thị trường máy chạy bộ hiện nay có hai loại cơ bản là máy chạy cơ và máy chạy điện với vô vàn thương hiệu khác nhau như Elip, King Sport, Mofit, Poongsan, Tech Fitness,… Mức giá trung bình phổ biến từ 10-20 triệu đồng/máy, một số thương hiệu kém nổi tiếng hơn có giá chỉ 6-9 triệu đồng/máy.
Lời khuyên dành cho những người chưa quen với việc chạy máy là nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định. Khách hàng cần xem xét đến những tiêu chí nhất định để tìm được sản phẩm vừa phù hợp với nhu cầu sử dụng, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, điều này tránh việc lãng phí không cần thiết.
Chẳng hạn, nếu chỉ một người dùng nhưng mua máy có công suất quá lớn, điều này sẽ dẫn đến sự lãng phí, gây tốn kém không cần thiết. Ngược lại, nếu nhiều người dùng nhưng công suất máy nhỏ, máy chạy bộ sẽ khó đáp ứng được nhu cầu sử dụng và dẫn đến nhanh hỏng.
Với 1-2 người dùng, chiếc máy phù hợp chỉ cần có công suất dưới 2.0 HP. Trong khi đó nếu mua máy cho 3-5 người dùng, công suất máy nên giao động từ 2.0 HP đến 4.0 HP.
Một chiếc máy có độ giảm chấn tốt sẽ là lựa chọn hợp lý, giúp hạn chế lực tác động ngược lại khớp khi tập luyện. Với người béo phì, một chiếc máy có phần khung lớn, có độ chắc chắn và công suất cao sẽ là lựa chọn phù hợp hơn, đảm bảo sử dụng được lâu dài.
Hiện nay, các sản phẩm máy cơ thường có giá thành thấp hơn máy chạy bằng điện. Với máy điện, máy có công suất cao sẽ đắt hơn máy có công suất thấp, máy có nhiều tính năng đắt hơn máy có ít tính năng…
Ngoài chạy bộ, nhiều sản phẩm máy đa năng còn đi kèm các tính năng khác như tập bụng, massage, nghe nhạc, xem video… Do đó, nếu lo ngại việc chạy máy có thể nhàm chán, người dùng có thể lựa chọn máy chạy đa năng để sử dụng các tính năng này.