Vua cá nước ngọt khổng lồ siêu quý hiếm tuyệt chủng ở Trung Quốc

Vương Nam |

Loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, dài tới 7 mét, được mệnh danh là vua cá nước ngọt, đã bị tuyên bố là tuyệt chủng tại Trung Quốc.

Cá tầm thìa Trung Quốc là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới và cũng là loài cá bản địa của hệ thống sông Dương Tử, mới đây, đã bị tuyên bố tuyệt chủng tại nước này.

Cá tầm thìa hay còn được gọi là cá kiếm Trung Quốc, dài tới 7 mét và được cho là đã biến mất từ ​​năm 2005 đến năm 2010, nhưng cho đến gần đây vẫn chưa được xác nhận là đã tuyệt chủng tại Trung Quốc.

Hồi cuối tuần trước, các nhà khoa học Trung Quốc đã chính thức công bố việc cá tầm thìa Trung Quốc đã tuyệt chủng, trong bài nghiên cứu được đăng trên tờ Science of the Total.

Ông Wei Qiwei - nhà khoa học từ Học viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc tại Vũ Hán, một trong những tác giả của bài viết, cho biết:

“Kết luận này dựa trên đánh giá của hội đồng chuyên gia, trong cuộc họp vào tháng 9 tại Thượng Hải, do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức”.

“Chúng tôi tôn trọng đánh giá của các chuyên gia từ IUCN, mặc dù chúng tôi chấp nhận kết luận này với một tâm trạng hết sức nặng nề”, ông Wei Qiwei trả lời phỏng vấn trên tờ Chutian Metropolis Daily, vào hôm thứ Sáu vừa rồi (3.1).

Vua cá nước ngọt khổng lồ siêu quý hiếm tuyệt chủng ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Cá tầm thìa tuyệt chủng do ô nhiễm nước và đánh bắt quá mức (ảnh: Chinadaily)

Cá tầm thìa khổng lồ, được mệnh danh là vua cá nước ngọt ở Trung Quốc. Loài này được nhìn thấy đang sống trong môi trường tự nhiên lần cuối cùng vào năm 2003.

Từ năm 1996, cá tầm thìa Trung Quốc đã nằm trong danh sách nguy cấp nghiêm trọng của IUCN, khi số lượng của chúng suy giảm nhanh chóng, do việc đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường ở sông Dương Tử.

Các chuyên gia của IUCN cho biết, không có bằng chứng hình ảnh nào về loài này được phát hiện kể từ năm 2009. Tuy nhiên, sự tuyệt chủng của cá tầm thìa tại Trung Quốc đến nay mới được chính thức xác nhận.

Theo báo cáo nghiên cứu của IUCN, cá tầm thìa Trung Quốc có tên khoa học là Psephurus joyius, xuất hiện ở trái đất từ 34 – 75 triệu năm trước.

Cá tầm thìa nước ngọt khổng lồ chỉ có hai loài: Cá tầm thìa Mỹ phân bố ở lưu vực sông Mississippi (Mỹ) và cá tầm thìa Trung Quốc, sinh sống tại lưu vực sông Dương Tử (Trung Quốc) – đã tuyệt chủng.

Theo các nhà khoa học, cá tầm thìa Trung Quốc có khả năng đã bị tuyệt chủng về chức năng, tức là thiếu các cặp sinh sản đủ để tồn tại, từ năm 1993.

Đây là “đòn đau” mới nhất đối với hệ sinh thái sông Dương Tử hay còn gọi là sông Trường Giang, dài 6.300 km. Trước đó, hai loài cá khác tại sông Dương Tử, là cá heo không vây và cá cháy bắc, cũng đã bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2006 và 2015.

Hệ thống sông Dương Tử của Trung Quốc được biết tới là có hơn 4.000 loài thủy sinh. Tuy nhiên, việc xây dựng các đập thủy điện, đánh bắt quá mức, giao thông đường thủy dày đặc và ô nhiễm nước nghiêm trọng, đã khiến nguồn cá và sự đa dạng sinh học suy giảm nhanh chóng.

Hồi đầu tuần này, ông Yu Zhen Khang, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cũng đã xác nhận trong bài phỏng vấn với tờ Tân Hoa Xã, rằng đang có sự suy giảm báo động quần thể các loài cá quý hiếm, tại Trung Quốc.

Vua cá nước ngọt khổng lồ siêu quý hiếm tuyệt chủng ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Trung Quốc vội vàng thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm trên sông Dương Tử, sau “cú sốc” cá tầm thìa (ảnh: SCMP)

Hiện Trung Quốc đã triển khai những hành động cứng rắn, để bảo vệ đời sống thủy sinh của sông Dương Tử. Nước này đã ra lệnh cấm đánh bắt cá thương mại trong 10 năm tại sông Dương Tử. Lệnh cấm này chính thức có hiệu lực từ thứ Tư (1.1).

“Các lệnh cấm đánh bắt được ban hành với hy vọng ngăn chặn sự suy giảm hệ sinh thái của sông Dương Tử và bất kỳ sự suy giảm thêm nào về đa dạng sinh học.

Hiện Trung Quốc có 332 khu bảo tồn, chạy dọc theo sông Dương Tử. Các khu bảo tồn sẽ được tiếp tục mở rộng, tại dòng chính và các nhánh phụ của sông Dương Tử, bắt đầu từ ngày 1.1”, ông Yu cho biết.

Theo nhà khoa học Wei Qiwei, một nhóm nghiên cứu của Học viện khoa học nghề cá, đã lần cuối cùng phát hiện sự tồn tại của cá tầm thìa Trung Quốc, vào năm 2003.

Sau khi gắn thiết bị theo dõi vào con cá, họ thả nó trở lại sông Nam Khê - một nhánh của sông Dương Tử, ở tỉnh Tứ Xuyên. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng mất tín hiệu của con cá, sau khi nó bơi vào khu vực chảy xiết.

Ông Wei Qiwei kể lại, lần đầu tiên ông nhìn thấy một con cá tầm thìa Trung Quốc, đã chết, là vào năm 1984. Trong 9 năm sau đó, ông đã giải cứu được bốn con cá tầm thìa khổng lồ bị mắc bẫy, nhưng chỉ có một con sống sót và được thả về tự nhiên.

“Cá tầm thìa Trung Quốc rất lớn. Chúng rất khó tồn tại trong môi trường bị nuôi nhốt. Vì vậy, việc bảo tồn nhân tạo là không thể”, ông Wei Qiwei ngậm ngùi chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại