Vừa bị tăng cấm vận, vì sao Triều Tiên không ngại ngần bắn tên lửa qua không phận Nhật?

Hải Võ |

Sau nghị quyết cấm vận được Hội đồng bảo an LHQ thông qua hôm 11/9, Nga và Trung Quốc khó có thể ủng hộ một gói trừng phạt nữa nhằm vào vụ thử tên lửa sáng nay của Triều Tiên.

Sau khi CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung vào sáng nay (15/9), bay qua không phận vùng Hokkaido của Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương, chính phủ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Nga và Trung Quốc "có hành động trực tiếp" để kiềm chế Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nêu rõ trong thông cáo báo chí sau vụ phóng tên lửa: "Trung Quốc và Nga phải tỏ rõ lập trường không chấp nhận các vụ phóng tên lửa liều lĩnh, bằng cách đưa ra những hành động trực tiếp".

Ông nhấn mạnh Trung Quốc là nước cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Triều Tiên, trong khi Nga "nhà tuyển dụng lớn nhất đối với nguồn lao động Triều Tiên". Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo hành động của Bình Nhưỡng "chỉ khiến họ bị cô lập hơn về ngoại giao và kinh tế".

Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua, tên lửa đạn đạo Triều Tiên "bay trên đầu" người Nhật. Chính quyền địa phương đã phát báo động khẩn cấp, yêu cầu cư dân 12 khu vực tìm nơi trú ẩn.

Bắc Kinh và Moskva chưa có phản ứng trước lời kêu gọi của ông Tillerson, song không nhiều khả năng Nga-Trung áp đặt thêm các biện pháp cấm vận chống lại Triều Tiên, sau khi hai nước này thỏa hiệp với Mỹ để thông qua nghị quyết số 2375 của Hội đồng bảo an, với nội dung quan trọng về hạn chế nguồn cung dầu mỏ co Triều Tiên.

Thậm chí, để nghị quyết trên được thông qua, Mỹ đã phải thỏa thuận với Nga, Trung để giảm nhẹ các hình thức cấm vận Triều Tiên.

Nga và Trung Quốc cùng có quan điểm phản đối dồn ép Triều Tiên, và cho rằng cấm vận cứng rắn đơn thuần sẽ không mang lại hiệu quả, mà các bên cần thúc đẩy song song cơ chế đối thoại. Nga-Trung theo đuổi cơ chế "đóng băng kép": Triều Tiên tạm ngừng chương trình hạt nhân để đổi lại Mỹ-Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận quy mô lớn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin còn đề xuất xóa bỏ tình trạng cô lập đối với Triều Tiên và cho phép Bình Nhưỡng tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế, nhằm từng bước đưa nước này trở lại bàn đàm phán.

Xét từ góc độ Triều Tiên, phóng tên lửa qua bầu trời Nhật Bản ngày hôm nay có thể coi là lựa chọn hoàn hảo về thời gian.

Bên cạnh lý do đây là giai đoạn "an toàn" để tránh các cấm vận mới từ LHQ, bởi Nga và Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ không đồng tình, Triều Tiên còn chứng minh được thái độ cứng rắn mà nước này tuyên bố hồi giữa tuần, rằng họ sẽ đẩy mạnh chương trình vũ khí để đáp trả nghị quyết của Hội đồng bảo an.

Chỉ gần một ngày trước vụ thử, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ "nhấn chìm" Nhật Bản và đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ "tăm tối và cát bụi". Phóng tên lửa là cách để gửi đi thông điệp rằng Triều Tiên sẵn sàng "nói đi đôi với làm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại