"Ông tổ gia đình tôi phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng dưới sông"
Mới đây, ngày 6/4, báo Nhân dân dẫn thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị này đã nhận được đơn của một người dân xin khai thác 3 tấn vàng dưới lòng sông Cà Ty (TP Phan Thiết).
Người xin khai thác "kho báu" là ông H.P.T. (sinh năm 1982, trú tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).
Để được khai thác, ông T. lập phương án thăm dò gồm: xác định cụ thể địa điểm nơi chôn giấu vật quý, chìm đắm; thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc; phương tiện và biện pháp thăm dò; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trong quá trình thăm dò; biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường…
Nếu bảo đảm các điều kiện, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt phương án thăm dò theo quy định.
Chia sẻ với phóng viên báo PL TPHCM, ông T. cho biết, nhiều năm qua ông đã theo đuổi và hiện chỉ một mình ông biết tọa độ, vị trí chính xác của "kho báu" 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty.
"Sau khi tôi được cấp phép khai quật và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, lúc đó tôi mới có thể thông tin cho báo chí được", ông T. nói thêm.
Để an toàn trong việc khai thác, ông T. cần 10 cán bộ công an bảo vệ và cán bộ tài chính kiểm kê tài sản sau khi khai thác được; đồng thời đưa tài sản thu được về Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.
Ngoài ra, ông T. xin nhận lại 30% tổng tài sản thu được từ "kho báu", 70% còn lại sẽ bàn giao cho Nhà nước để xử lý.
"Tôi xin cam kết nếu được cho phép khai thác, tôi xin ký quỹ khắc phục môi trường tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận số tiền 500 triệu đồng...", báo SGGP trích dẫn nội trong đơn của ông T.
Về thời gian thực hiện khai thác, ông T. đưa ra các mốc thời gian từ ngày 1/5 - 10/5/2024, hoặc phương án 2 từ ngày 10/2 - 20/2/2025.
Nói về manh mối, nguồn gốc của "kho báu, ông T. trình bày trong đơn rằng: "Ông tổ gia đình tôi đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới sông Cà Ty. Do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn. Chỉ truyền đến đời tôi, hiện giờ tôi biết được địa điểm mà thôi", thông tin này được trích đăng trên báo Thanh niên.
Việc khai thác "kho báu" có khả thi?
Theo dõi vụ việc trên, phân tích trên báo Người lao động, luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, cho rằng chứng cứ người xin khai thác "kho báu" này đưa ra là rất yếu và khó thực thi.
"Theo thông tin tôi nắm được thì "kho báu" ông này biết được từ đời ông tổ, và ông ấy cũng chỉ nghe nói, giấy tờ, bản đồ cũng không còn. Có nghĩa là không có chứng cứ gốc làm sao ông ấy biết mà chỉ ngay "kho báu" chỗ đó được. Đây là dạng chứng cứ thuật lại. Mà trên cơ sở cái thuật lại thì làm sao mà có căn cứ để cho anh đầu tư được", luật sư Thiện nói.
Về phía gia đình ông T., chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, bà O. (mẹ ông T.) cho biết gia đình bất ngờ khi hay tin con trai làm đơn xin khai thác "kho báu" 3 tấn vàng dưới sông ở tỉnh Bình Thuận.
Theo bà O., trước đây có nghe con trai nói nằm mơ thấy câu chuyện này và bà cho rằng chỉ là tâm linh không căn cứ, nhưng không ngờ ông T. lại làm đơn xin khai thác thật.
Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy ra biển Đông qua cửa biển Cồn Chà, sông Cà Ty là dòng sông gắn liền với lịch sử của thành phố Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận.
Với chiều dài 65 km, dòng sông này tạo nên nhiều khung cảnh đẹp cho thành phố vùng Nam Trung Bộ. Dòng sông vốn có tên là Mường Mán, sau này đổi thành sông Cà Ty.