Vụ trộm táo bạo khiến tên tuổi bức Mona Lisa nổi như cồn!

Mỹ Huyền |

Sáng ngày 21/8/1911, một cựu nhân viên Bảo tàng Louvre đã trộm đi bức tranh Mona Lisa. Hàng chục nghi phạm bị thẩm vấn, trong đó có danh họa Pablo Picasso.

Bất chấp cuộc điều tra sâu rộng của người Pháp, kiệt tác thời Phục Hưng này chỉ được tìm thấy ở Ý sau hai năm.

Sự sôi sục của truyền thông xung quanh vụ trộm góp phần khiến Mona Lisa trở thành một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới.

Phi vụ trộm tranh thế kỷ

Buổi tối ngày 20/8/1911, một người đàn ông nhỏ bé, có ria mép đột nhập vào Bảo tàng Louvre ở Paris, đi đến Salon Carré, nơi trưng bày Mona Lisa và nhiều kiệt tác khác. An ninh bảo tàng khá lỏng lẻo, anh ta dễ dàng giấu bức tranh vào một tủ lưu trữ, cho đến ngày hôm sau.

Khoảng 7 giờ 15 phút sáng, anh ta xuất hiện với tạp dề trắng của nhân viên bảo tàng. Sau khi chắc chắn không có ai để ý, tên trộm mang Mona Lisa đến cầu thang dịch vụ gần đó, tháo rời bức tranh khỏi khung kính bảo vệ.

Vụ trộm táo bạo khiến tên tuổi bức Mona Lisa nổi như cồn! - Ảnh 1.

Bức tranh nàng Mona Lisa đã bị lấy cắp tại Bảo tàng Louvre, Paris.

Rắc rối duy nhất trong kế hoạch là cánh cửa dẫn từ cầu thang xuống sân đã bị khóa. Anh ta đặt nàng La Gioconda, đã bị bọc trong tấm vải trắng, xuống đất và cố gắng tháo tay nắm cửa.

Một thợ sửa ống nước xuất hiện, thay vì bắt giữ tên trộm, người này cho rằng đồng nghiệp của mình đang bị mắc kẹt và đã giúp anh ta mở cửa.

Sau lời cảm ơn người thợ, chỉ vài phút sau, tên trộm thoát khỏi Bảo tàng Lourve, mang theo một trong những bức tranh giá trị nhất thế giới.

Hơn một ngày trôi qua, nhân viên bảo tàng vẫn chưa phát hiện Mona Lisa bị đánh cắp. Các bức tranh thường được gỡ xuống để vệ sinh và chụp ảnh, vì thế những người đi qua ít để ý đến khoảng trống trên tường.

Cuối cùng, đến trưa ngày thứ ba, một nghệ sĩ tới thăm quan và hỏi bảo vệ về những bức họa vắng mặt. Người bảo vệ không biết Mona Lisa đã đi đâu.

Chỉ sau khi phát hiện khung kính bảo vệ ở cầu thang dịch vụ, bảo tàng mới gọi cho cảnh sát và bắt đầu một cuộc tìm kiếm điên cuồng.

Tối cùng ngày, một quan chức của bảo tàng đã thông báo vụ trộm cho toàn thế giới. Ông nói:

"Bức tranh Mona Lisa đã biến mất. Hiện tại, chúng tôi chưa có bất kỳ đầu mối nào cũng như danh tính tên tội phạm".

Cuộc điều tra điên cuồng

Tin tức về vụ trộm lan truyền khắp nước pháp. Một đội quân thám tử đổ về Bảo tàng Louvre để tìm các dấu vân tay, tra hỏi nhân chứng.

Ô tô, hành khách đi tàu, người đi bộ bị kiểm tra khi đi qua trạm kiểm soát. Cảnh sát bắt đầu phát những tờ "truy nã" có hình nàng Mona Lisa với nụ cười bí ẩn.

Khi Louvre được mở cửa lại một tuần sau đó, hàng ngàn người đến bảo tàng chỉ đề nhìn chằm chằm vào khoảng trống, nơi từng treo bức họa của Leonardo Da Vinci.

Cuộc điều tra của cảnh sát có vài manh mối khả thi. Nghi phạm lớn nhất là Guillaume Apollinaire, một nhà thơ tiên phong cho chủ nghĩa hiện thực, từng được coi là muốn đốt cháy Bảo tàng Lourve.

Apollinaire bị bắt tháng 9/1911, khi cảnh sát liên hệ ông với vụ đánh cắp hai bức tượng cổ đại trước đó, vốn do thư ký của ông thực hiện.

Trong cuộc thẩm vấn, ông cho biết người bạn thân của mình là Pablo Picasso, đã mua những bức tượng và sử dụng chúng làm mẫu để vẽ tranh.

Vụ trộm táo bạo khiến tên tuổi bức Mona Lisa nổi như cồn! - Ảnh 2.

Pablo Picasso.

Sau khi tiến hành điều tra kỹ lưỡng, nhà chức trách buộc phải xóa nghi ngờ cho hai huyền thoại tương lai của làng nghệ thuật, do thiếu chứng cứ.

Nhiều tháng trôi qua, những suy đoán về tung tích của Mona Lisa vẫn tràn ngập. Tờ The New York Time viết: "Rất nhiều người dân chuyển sang làm Sherlock Holmes nghiệp dư, và tiếp tục phát triển những giả thuyết phi thường nhất."

Một số người lập luận, ông trùm ngân hàng Mỹ J.P.Morgan đứng sau vụ trộm, để bổ sung vào bộ sưu tập riêng của mình. Cũng có người cho rằng người Đức chủ mưu, nhằm hạ nhục người Pháp.

Nghi phạm xuất hiện ở cả những nơi rất xa như Nga, Brazil, Nhật Bản. Nhưng sau hơn hai năm, vụ án vẫn chưa được phá. Nhiều người bắt đầu tin bức họa Mona Lisa biến mất vì mục đích tốt.

Thực tế, từ ngày bị đánh cắp, Mona Lisa vẫn ở Pháp, trong một căn hộ nhỏ ngoại ô Paris. Thủ phạm là Vincenzo Peruggia, một người Ý nhập cư, từng làm tạp vụ tại Bảo tàng Louvre.

Vụ trộm táo bạo khiến tên tuổi bức Mona Lisa nổi như cồn! - Ảnh 3.

Vincenzo Peruggia.

Thậm chí, người này từng tham gia làm khung bảo vệ cho bức tranh. Peruggia từng bị thẩm vấn hai lần, nhưng cảnh sát không coi anh ta là nghi phạm quan trọng.

Anh ta giấu Mona Lisa dưới một cái thùng gỗ, có đáy giả, trong vòng hai năm, nhằm đợi cho dư luận lắng xuống. Sau này, Peruggia cho biết:

"Tôi là nạn nhân của nụ cười đó, tôi thỏa mãn đôi mắt khi ngắm nhìn kho báu của mình mỗi đêm. Tôi đã yêu cô ấy".

Mona Lisa trở về

Cuối cùng, Vincenzo Peruggia đã thử bán "kho báu" tháng 12/1993. Anh ta dùng tên giả "Leonardo" để gửi thư cho một nhà buôn tranh tên là Alfredo Geri ở Florence, thừa nhận đánh cắp Mona Lisa, mong muốn bức họa trở về Ý.

Sau khi trao đổi với Giovanni Poggi, giám đốc Phòng trưng bày nghệ thuật Uffizi, Geri đã mời Peruggia tới Florence và đồng ý xem qua bức tranh.

Vụ trộm táo bạo khiến tên tuổi bức Mona Lisa nổi như cồn! - Ảnh 4.

Mona Lisa tại phòng trưng bày nghệ thuật Uffizi.

Một vài ngày sau, ba người đàn ông tập trung tại phòng khách sạn của Peruggia, nơi có một vật bí ẩn được bọc trong lụa đỏ.

"Chúng tôi đặt nó lên giường", Gori viết lại sau này, "và trước đôi mắt kinh ngạc của chúng tôi, Mona Lisa thần thánh xuất hiện, nguyên vẹn và được bảo quản một cách kỳ diệu".

Người Florence lập tức sắp xếp đưa bức họa đến Uffizi. Họ cũng đồng ý trả cho Perruggia 500.000 Lire, nhưng không thực sự có ý định mua nó.

Sau khi xác thực đây chính là Mona Lisa, họ đã tố cáo kẻ trộm cho các nhà chức trách. Chiều ngày 11/12/1913, Peruggia bị bắt ngay tại phòng khách sạn.

Sau chuyến chu du ngắn đến quê hương của Da Vinci, Mona Lisa cuối cùng đã được trả lại cho Bảo tàng Louvre tháng 1/1914.

Mặt khác, Peruggia bị cáo buộc trộm cắp và đưa ra xét xử tại Ý. Trong lời khai, anh ta tuyên bố lòng tự tôn dân tộc thúc đẩy việc trộm bức họa, mà anh ta tin rằng nó đã bị cướp khỏi quê hương trong thời đại Napoleon.

Peruggia đã nhầm, Leonardo Da Vinci đã mang Mona Lisa sang Pháp năm 1516 và vua Francois I mua lại một cách hợp pháp.

Thế nhưng, lòng yêu nước của Perrugia giành được nhiều ngưỡng mộ. Kể cả khi các công tố đưa ra bằng chứng rằng anh ta âm mưu kiếm trác từ việc bán Mona Lisa, nhiều người Ý vẫn coi Peruggia là anh hùng.

Vincenzo Peruggia bị kết án 1 năm 15 ngày tù, nhưng chỉ ngồi tù 7 tháng trước khi kháng cáo thành công. Sau này, Peruggia phục vụ cho quân đội Ý trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, rồi trở về Paris và qua đời năm 1947.

Dù Peruggia bị lãng quên, nhưng vụ trộm táo bạo của anh ta đã khiến bức Mona Lisa càng thêm nổi tiếng. Ít nhất 120.000 người đã đến ngắm bức tranh chỉ trong hai ngày đầu tiên sau khi nó trở về Louvre.

Những người yêu nghệ thuật, các nhà phê bình đưa ra những giả thuyết mới về nụ cười bí ẩn của Mona Lisa. Kiệt tác này xuất hiện trong vô số phim hoạt hình, quảng cáo, tranh châm biếm, bưu thiếp và bài hát.

Sau này, nhà văn Dianne Hales viết: "Mona Lisa là tác phẩm nghệ thuật khi rời Lourve. Nàng trở về như một tài sản chung, biểu tượng số một của nghệ thuật đại chúng".

Ngày nay, Mona Lisa vẫn ở Louvre, nơi nó được một cái hộp có thể điều tiết khí hậu, bảo vệ bằng lớp kính chống đạn. Mỗi năm, khoảng 8 triệu du khách đến chiêm ngưỡng kiệt tác thời Phục Hưng này.

Tham khảo nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại