Vụ tranh cãi "Cậu Vàng" do chó Nhật đóng: Thêm 1 quan điểm hoàn toàn bất ngờ!

Tùng Lâm |

Tranh cãi ồn ào xung quanh chuyện "Cậu Vàng" hình như đang bị chệch đường. Bởi rất nhiều người thậm chí còn chưa mường tượng được Cậu Vàng có ý nghĩa ra sao trong truyện ngắn Nam Cao.

Cuộc tranh cãi về việc chọn "cậu Vàng" là chú chó giống Nhật đang gây ra ồn ào chưa từng thấy trong lịch sử showbiz Việt.

Hệt như một Hachiko của Nhật Bản, chú chó tên Vàng trong truyện Nam Cao được rất nhiều cư dân mạng nâng lên hàng "quốc khuyển".

Vụ tranh cãi Cậu Vàng do chó Nhật đóng: Thêm 1 quan điểm hoàn toàn bất ngờ! - Ảnh 1.

Những cuộc tranh cãi đang đưa "cậu Vàng" tới vị trí của Hachiko - một biểu tượng về lòng trung thành của Nhật Bản.

Tuy nhiên, "Cậu Vàng" có thực sự quan trọng và có ý nghĩa lớn lao tới mức khiến đám đông buộc phải bảo vệ bằng mọi giá, nhất định không thể để cậu bị "lai căng" bởi giống chó lạ lẫm hay không?

Nếu ai đã từng đọc Lão Hạc, hiểu về Lão Hạc và những gì cố nhà văn Nam Cao gửi gắm, người ta sẽ hiểu rằng "Cậu Vàng" chỉ là một vai rất phụ. Con chó mà lão Hạc nuôi chỉ là phương tiện để nhà văn khắc hoạ đời sống tình cảm và tính cách của ông lão, chứ không hề được xây dựng như một "tượng đài" về loài chó.

Tất cả những gì xúc động nhất, ám ảnh nhất trong truyện ngắn là sự đơn độc của ông lão không người thân, gửi gắm tất cả tình cảm, sự trông đợi vào chú chó mình nuôi. 

Những câu thoại trở thành kinh điển kia gắn liền với lão Hạc, gây ám ảnh bởi sự lựa chọn, lòng tự trọng của ông lão khốn cùng.

"Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ", "tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đi lừa một con chó", những câu thoại kinh điển ấy đúng là có khiến người ta liên tưởng tới cậu Vàng, nhưng sự tiếc thương, xúc động thì thuộc về lão Hạc.

Chú chó tên Vàng chỉ là một vai phụ để làm nổi bật lên những giằng xé, đau đớn trong lòng ông lão cô đơn!

Vụ tranh cãi Cậu Vàng do chó Nhật đóng: Thêm 1 quan điểm hoàn toàn bất ngờ! - Ảnh 2.

Trong truyện, "cậu Vàng" chỉ là phương tiện để khắc họa hình ảnh, tính cách của lão Hạc, chứ không được xây dựng như một chú chó siêu nhân!

Vai phụ được kể lại qua lời kể của lão Hạc và ấn tượng sâu sắc nhất để lại chẳng phải là về chú chó, mà là ông lão tội nghiệp kia. 

Rất nhiều cư dân mạng thậm chí đang dựa quá nhiều vào trí tưởng tượng để hình dung ra chú chó Vàng như một dạng quốc khuyển, thành biểu tượng của thứ gì đó mà quên mất rằng, trong câu chuyện của cụ Nam Cao, đó chỉ là một chú chó ta bình thường được chủ yêu thương!

Thật vậy, những tranh luận ngô nghê kiểu "cậu Vàng đói ăn, gầy guộc mà lại cho chó Nhật béo ú đóng" hay hô hào "phải giữ lại hình ảnh quốc khuyển Việt Nam" có lẽ tới từ những người chỉ biết tới Lão Hạc qua những tranh cãi gần đây. 

Bởi ngay trong truyện, chú chó Vàng cũng chưa bao giờ gầy guộc cả.

"Bây giờ cậu ấy béo trùng trục, mua đắt, người ta cũng thích" - đó là câu nói ám ảnh của Lão Hạc khi nói về con chó mà ông coi như đứa cháu.

Cụ Nam Cao cũng dành những dòng mô tả rất đỗi bình thường về "Cậu Vàng" hệt như một chú chó cỏ vốn được con lão Hạc nuôi để chờ đám cưới thì làm thịt.

Vụ tranh cãi Cậu Vàng do chó Nhật đóng: Thêm 1 quan điểm hoàn toàn bất ngờ! - Ảnh 3.

Nếu nhớ rõ ra rằng "cậu Vàng" chỉ là một chú chó được nuôi để chờ làm thịt và điều đặc biệt nhất là có một người chủ như Lão Hạc, bạn có nghĩ "Cậu Vàng" giống như Hachiko?

Không khôn ngoan tới mức "siêu phàm" như những gì người ta tưởng tượng, "Cậu Vàng" bình thường lắm. "Cậu" nghe chủ khóc lóc cũng chỉ biết hếch mũi lên, thấy chủ sừng sộ thì cụp đuôi chạy, thứ ám ảnh duy nhất đối với người đọc chỉ là đôi mắt nhìn lão Hạc khi bị bán.

Nhưng nếu đọc Lão Hạc một cách kỹ càng, chẳng một ai tin rằng đó là ánh mắt biết nói của "Cậu Vàng". 

Đó là ám ảnh tội lỗi, là sự đau đớn tới cùng cực được lão Hạc thốt ra thành lời. Đôi mắt oán trách của cậu Vàng chỉ là ông lão khốn khổ tưởng tượng ra để tự dằn vặt mình thôi...

Đấu tranh hay thảo luận, giữ nguyên vẹn những giá trị đích thực của một tác phẩm như Lão Hạc là điều hết sức tuyệt vời. Nhưng có lẽ trước khi đấu tranh, người ta nên hiểu mình đang tranh đấu vì những điều gì.

Bởi chú chó trong truyện Lão Hạc không phải "thần khuyển" hay "quốc khuyển", còn thứ giá trị lớn lao nhất, cần coi trọng nhất của cả tác phẩm được gửi gắm qua nhân vật lão Hạc, chứ chẳng phải "Cậu Vàng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại