Chiếc xe lăn và quán phở gà
Đây chính xác là 2 thứ "nguyên liệu" đã làm nên món "drama" mà dư luận đổ dồn sự quan tâm những ngày gần đây. Từ 1 bài đăng của TikToker V. M. L. với tiêu đề "Mình bị đuổi khỏi quán vì... ngồi xe lăn!", sự việc nhanh chóng viral với hàng chục nghìn lượt like, share cũng như bình luận. Cũng đúng thôi, chỉ một bài đăng, nhưng L. đã... "đụng" tới cả Hà Nội.
Rất nhiều người ủng hộ L. trên trang cá nhân có vài trăm nghìn lượt follow của anh ấy. Họ thậm chí không chỉ động viên TikToker mà còn quay ra chỉ trích chủ quán phở được nhắc tới trong bài viết, cho rằng chủ quán này đã đối xử phân biệt với người khuyết tật. Tuy nhiên, phía còn lại, cũng có nhiều người, đặc biệt là những người đang sinh sống tại Hà Nội tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của bài viết mà L. đăng tải.
Nhanh như tốc độ câu chuyện trở nên lùm xùm, dân mạng chỉ mất một chút thời gian để tìm ra địa chỉ quán phở được L. nhắc tới. Khi đến xác minh và trò chuyện cùng cô chủ quán, chúng ta lại có một câu chuyện khác.
"Tôi có nói thông cảm vì đông khách, mà người ta dựng chuyện", bà Thu, chủ quán phở ở số 7 phố Nam Ngư, nói bằng chất giọng run run như đang cố kìm nén cảm xúc. Từ lúc xảy ra sự việc, bà cũng nghe người này người kia nói qua nói lại, bà bức xúc muốn lên tiếng để làm rõ. Bà kể, do chỗ ngồi bán phở chật chội nên bà nói với L. và bạn gái chuyển qua chỗ khác sẽ có người bê phở ra vì bà đang cân gà nên hơi vướng, tuy nhiên L. vẫn muốn ngồi tại đây.
"Mọi chuyện rất vui vẻ, không có vấn đề gì. Ai ngờ, khi về thì người ta dựng chuyện", bà Thu khẳng định không phân biệt khách hàng, đặc biệt đối với những người kém may mắn bà còn chủ động biếu thêm tiền.
Cuối ngày, quán phở đăng công khai clip trích xuất từ camera an ninh, cho thấy L. cùng bạn gái ngồi sau lưng bà chủ ăn rất vui vẻ, không giống như những gì L. đã nói. Tới đây, mọi chuyện đã được làm rõ.
"Trắng đen đã rõ, chúng ta hãy bỏ qua cho L."
Một bình luận tôi bắt gặp trên Facebook nhận được khá nhiều sự đồng tình. Những người theo quan điểm này cho rằng ai cũng có lúc sai lầm, hơn nữa với những người yếu thế, đôi khi cảm xúc có thể tác động lên họ mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng. Đến bây giờ, mọi chuyện đã được làm sáng tỏ, mỗi chúng ta, những người theo dõi sự việc này có lẽ đã đều có câu trả lời cho riêng mình. Và L., cậu ấy chắc chắn cũng có, câu trả lời cho trách nhiệm của bản thân trước mỗi lời nói, mỗi bài đăng với tư cách là một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Như thế là đủ.
Tôi cũng tin rằng, không có ai tẩy chay quán phở gà của bà Thu cả.
Chiếc xe lăn, quán phở gà và những "drama" mà nó đã tạo ra, theo một cách nào đó, vẫn có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của một cộng đồng yếu thế, mà L. là một đại diện nổi bật. Họ là nhóm người chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi nhiều mặt trong cuộc sống do khiếm khuyết cơ thể. Họ cần được đối xử tôn trọng và công bằng như tất cả mọi người.
Sau khi sự việc được làm rõ, nhiều bình luận trên MXH quay sang chỉ trích L., họ - cộng đồng những người yếu thế vốn coi L. là tấm gương sáng - có lẽ cũng phải chịu không ít tổn thương. Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận một cơ thể khiếm khuyết, để rồi nỗi đau đó vì một lý do "trời ơi đất hỡi" một lần nữa quay lại đay nghiến họ trên không gian mạng.
Nếu chúng ta tiếp tục chỉ trích L. và vô tình làm tổn thương cả một cộng đồng cần được quan tâm, thì điều đó không đáng. Hãy cho L. thời gian để suy nghĩ về những gì anh ấy đã làm, và cho cả chúng ta nữa, thời gian để nghĩ tới những người thực sự cần sự quan tâm của cả cộng đồng.