Vụ thí sinh 0 điểm do ngủ quên trong phòng thi: 'Giám thị vô cảm khi không gọi thí sinh dậy'

TRỌNG NHÂN |

'Thí sinh ngủ lâu như vậy mà giám thị không gọi em, tôi thấy đó là sự thờ ơ, vô cảm của người coi thi và sự thoái thác trách nhiệm của trưởng điểm thi'.

Phiếu trả lời trắc nghiệm bài thi - Ảnh: Chụp màn hình

Phiếu trả lời trắc nghiệm bài thi - Ảnh: Chụp màn hình

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) - nhìn nhận thẳng công tác coi thi của các giám thị trong sự việc để học sinh ngủ và bị điểm liệt ở tỉnh Cà Mau là chưa làm tròn trách nhiệm.

Theo ông, nhiệm vụ của người cán bộ coi thi không chỉ là để giám sát học sinh có gian lận hay không, mà còn nắm bắt được những tình huống bất thường phải xử lý, chẳng hạn chỗ ngồi của thí sinh bị mưa tạt, nắng rọi… Gặp trường hợp phát sinh nhưng không thể quyết định thì có thể báo ngay cho trưởng điểm thi, thống nhất phương án xử lý.

Đáng lưu tâm nhất là những nguy cơ liên quan đến sức khỏe của thí sinh. Ông Phú cho rằng một em đang làm bài mà gục lâu xuống bàn không thể loại bỏ rủi ro em ấy đang cần sự trợ giúp y tế.

"Tôi giả sử giám thị tưởng học sinh ngủ quên nhưng thực chất em ấy gục xuống bàn vì đột quỵ thì sao? Không lẽ giám thị cứ để em ấy nằm đó mà không có bất cứ lời hỏi han nào? Trong trường hợp đột quỵ, nếu nhắc nhở sớm, có thể sẽ cứu được tính mạng của em ấy", ông Phú nói.

Ngoài ra, ông Phú cho rằng không thể vin vào quy chế giám thị không được nhắc nhở riêng cho từng cá nhân. Theo ông, quy chế hiện vẫn cho phép các giám thị nhắc nhở thí sinh bằng số báo danh của các em, đặc biệt trong những tình huống quan trọng đòi hỏi phải xử lý nhanh.

"Tôi thấy đó là sự thờ ơ, vô cảm của cán bộ coi thi và sự thoái thác trách nhiệm của trưởng điểm thi", thầy Phú nói.

Ông Nguyễn Đức Hiền - hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.6, TP.HCM) - nêu ý kiến giám thị nên nhắc nhở thí sinh trong trường hợp thấy các em ngủ lâu trong phòng. Cần rạch ròi giám thị không can thiệp vào bài thi và quá trình làm bài của thí sinh, mà sự nhắc nhở ở đây là quan tâm về sức khỏe và sự an toàn của em ấy.

Ông Hiền kể trước đây trong một lần gác thi tại Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM), một học sinh trong phòng đã gục xuống bàn và ngất xỉu. Mặt mũi em xanh xao, tái mét.

"Chúng tôi phải dìu em xuống phòng y tế, lấy sữa cho em uống, một lát sau em tỉnh lại", ông Hiền kể. "Hỏi ra mới biết ba mẹ em đã đi làm từ khuya. Đêm trước em thức tới hơn nửa đêm học bài, sáng có một mình nên dậy trễ, chưa kịp ăn sáng nên đuối sức", ông kể.

Ông Nguyễn Thanh Hải - hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) - cho rằng nếu theo quy chế mọi vấn đề trong phòng thi đều phải công khai, nếu phát hiện một thí sinh nằm ngủ lâu, cán bộ coi thi 1 và 2 có thể thống nhất với nhau để nhắc nhở lớn cho cả phòng. Thậm chí có thể nhắc to số báo danh của thí sinh đang nằm ngủ để em tập trung làm bài trở lại.

Theo ông Hải, việc nhắc nhở công khai sẽ giúp tất cả các thí sinh trong phòng thi đều biết chuyện gì đang xảy ra. Điều này cũng sẽ tránh được một số rủi ro và tranh cãi sau này cho giám thị khi đến "nhắc nhỏ" cho một thí sinh nào đó, dù cho có ý tốt đi chăng nữa.

Trong khi đó, ông Triệu Thanh Nhàn - giáo viên Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang) - cho rằng với một môn trắc nghiệm như tiếng Anh, để bị điểm liệt là khá hiếm hoi. Trong trường hợp hoàn toàn đánh lụi một đáp án từ trên xuống dưới, thí sinh vẫn có xác suất đạt 2,5 điểm.

"Vì vậy với tấm lòng của một người thầy giáo đi gác thi, việc để các em ngủ quên không tô được đáp án nào trong phiếu làm bài, theo tôi là không nhân văn", ông Nhàn nói.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, chiều 3-8, ông Tạ Thanh Vũ - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau - cho biết trong hôm nay, sở sẽ có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và đào tạo và UBND tỉnh về việc một học sinh giỏi bị điểm 0 môn tiếng Anh vì ngủ quên trong giờ thi tốt nghiệp.

Theo ông Vũ, bước đầu khẳng định các giám thị coi thi đã làm đúng quy chế. Vì theo báo cáo của giám thị coi thi, thời gian đầu thí sinh H.N.T. (học sinh của Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau) làm bài rất tập trung. Trong phòng thi cũng không riêng thí sinh T. gục xuống bàn (không xác định có ngủ hay không) nên giám thị cứ ngỡ là thí sinh này đã làm bài xong.

"Việc thí sinh gục xuống bàn đến 40 phút hay bao lâu thì cũng không thể xác định được thời gian chính xác và theo quy chế, giám thị không được tiếp xúc gần thí sinh", ông Vũ thông tin.

Trước đó, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, T. đã ngủ quên trong giờ thi môn tiếng Anh nên bị điểm 0.

Cụ thể điểm thi của T.: toán 8,8 điểm, ngữ văn 7,75 điểm, vật lý 9,5 điểm, hóa học 9 điểm, sinh học 6,75, khoa học tự nhiên 8,42 điểm, tiếng Anh 0 điểm.

Theo giải thích của T., sau khi nhận đề, em làm nháp vào tờ đề. Sau khoảng hơn 15 phút, T. làm được hơn 40 câu thì ngủ quên. Khi giám thị gọi dậy nộp bài thì em chưa kịp điền đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Em có xin giám thị cho vài phút để điền đáp án nhưng không được vì sai quy chế thi. Trước đó, em T. đã thức khuya nhiều đêm để ôn bài.

photo-1

Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, nơi có thí sinh bị điểm 0 vì ngủ quên trong phòng thi - Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Bạn đọc Tuổi Trẻ Online: Giám thị hiểu nhầm định nghĩa "không tiếp xúc gần"

Bản tin Học sinh giỏi nhận điểm 0 môn tiếng Anh vì... ngủ quên trên Tuổi Trẻ Online ngày 3-8 nhận được nhiều ý kiến bình luận của độc giả. Phần lớn đều cho rằng giám thị nên có cách xử lý khéo léo và linh hoạt hơn.

Bạn đọc tên Vũ nhận định: "Cán bộ coi thi thiếu chuyên nghiệp, nhớ hồi trước đi thi đại học còn khoảng 15 phút trước khi nộp bài giám thị sẽ thông báo cho các thí sinh: ‘Các em còn 15 phút, kiểm tra lại thông tin, họ và tên, số báo danh và bài kiểm tra’. Chứ đợi hết giờ thu bài, nhiều em tập trung làm bài, thiếu sót thông tin, chưa điền đáp án... tội các em lắm".

Độc giả tài khoản tên Huyen cho rằng: "Tôi cũng là giáo viên đi coi thi tốt nghiệp THPT đây. Tôi nói rõ: Giám thị nghiêm túc nhưng không có nghĩa là vô cảm. Trường hợp em đó ngủ quên ngần ấy thời gian mà giám thị không có phản ứng hay động thái gì thì rất lạ và cực kỳ vô cảm! Ai nói không được tiếp xúc gần? Đi phát giấy nháp, giấy thi, ký tên vô giấy thi không tiếp xúc gần thì là gì? Học sinh xin thêm giấy thi, giấy nháp thì cũng phải mang lại tận nơi cho các em đó thôi.

Làm nhà giáo phải có tâm, có dũng. Làm gì mà cứng nhắc vô cảm sợ hãi quy định. Tôi dám khẳng định là giám thị hiểu nhầm quy định "không tiếp xúc gần". Có thể về quy chế thi, giám thị không vi phạm; nhưng về quy chế làm việc của ngành (các quy định về trách nhiệm, về thái độ ứng xử với học sinh), chắc chắn là mấy vị giám thị đó sẽ vi phạm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại