Vụ thầy giáo bắt học sinh xếp hàng ngang để đấm, đá: Có thể xem xét dấu hiệu hình sự?

Kim Sơn |

Luật sư cho rằng, cần phải xử lý về mặt hành chính, thậm chí xem xét xử lý hình sự đối với thầy giáo bắt 4 học sinh đứng xếp hàng ngang để đấm, đá ở Lục Ngạn, Bắc Giang.

Giáo viên Khúc Xuân Hòa đá vào phần ngực của học sinh. Ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội.

Giáo viên Khúc Xuân Hòa đá vào phần ngực của học sinh. Ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội.

Như Tiền Phong đưa tin, trên mạng xã hội lan truyền clip trong giờ sinh hoạt lớp, giáo viên Khúc Xuân Hòa (Giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã bắt ít nhất 4 học sinh đứng xếp hàng ngang để mắng chửi, tát mạnh vào mặt nhiều học sinh. Thậm chí, người đàn ông được cho là thầy giáo này còn lấy đà, đá mạnh vào phần ngực một học sinh.

Ngau đó, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã làm rõ người thầy trong clip là Khúc Xuân Hòa, công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn. Cơ quan công an cũng đang làm việc với những người liên quan để làm rõ sự việc, cũng như xử lý theo quy định của pháp luật.

Nêu quan điểm về vụ việc này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, giáo viên hay bất cứ ai đi chăng nữa cũng không có quyền đánh người khác. Hành vi xâm phạm danh dự, thân thể của người khác là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 4, Điều 6 của Quyết định 16/2008/QĐ – BGDĐT (quy định về đạo đức nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành) thì giáo viên không được xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác; không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.

Theo luật sư Bình, tùy vào hành vi đánh học sinh ở mức độ nặng/nhẹ, ban giám hiệu nhà trường sẽ xem xét để ra quyết định xử lý kỷ luật đối với giáo viên vi phạm bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hay buộc thôi việc.

Ngoài ra, hành vi giáo viên đánh học sinh còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2, Điều 21 của Nghị định 138/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục). Cụ thể, điều khoản này quy định:

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1-6 tháng.

Ngoài ra, theo luật sư Bình, hành vi của giáo viên này còn có thể xem xét xử lý hình sự theo điều 134 Bộ Luật hình sự hiện hành.

Cụ thể, điều khoản này quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Trước đó, ngày 5/5, lãnh đạo Công an huyện Lục Ngạn cho hay, cơ quan này đang làm việc với các bên liên quan để xử lý vụ việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại