Vụ thanh niên bị xe cán sau khi té giữa đường không ai cứu giúp: "Tôi đau lắm nhưng không biết trách ai bây giờ"

PV |

"Nếu được giúp sau khi tự ngã, chắc chồng tôi sẽ không bị xe khách cuốn vào gầm rồi ra đi bỏ lại vợ con như vậy", báo Dân trí dẫn lời vợ nạn nhân P.

Đang lưu thông trên đường ĐT 741 đoạn qua ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, anh P.H.P. (30 tuổi, ngụ tại huyện Phú Giáo) tự té xe, ngã xuống đường. Khi đó có 4 xe đi qua, có ngoái nhìn hoặc đi chậm giây lát, nhưng không ai dừng lại cứu giúp anh.

Sau đó chiếc xe khách lao tới, cán và kéo lê nạn nhân P. một đoạn, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Chị Trương Thị Nhi (ngụ tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), vợ nạn nhân P.H.P. chia sẻ trên báo Dân trí, gia đình chị đã lo xong hậu sư cho anh P.

Chị kể, đêm 11/12, anh P. chạy xe máy đi chơi với bạn, tới 21h hôm đó thì chị nhận tin dữ anh gặp nạn. Vội tới hiện trường, thấy người dân tập trung rất đông, chị Nhi chỉ nghĩ chắc chồng mình bị tai nạn nặng lắm chứ không nghĩ chồng đã mất.

Theo chia sẻ của chị Nhi với nguồn trên, khi xem đoạn clip ghi cảnh chồng ngã nằm giữ đường, có nhiều người đi qua mà không ai dừng lại cứu giúp, chị vô cùng đau đớn.

"Nếu được giúp sau khi tự ngã, chắc chồng tôi sẽ không bị xe khách cuốn vào gầm rồi ra đi bỏ lại vợ con như vậy. Tôi đau lắm nhưng không biết trách ai bây giờ", báo Dân trí dẫn lời vợ nạn nhân P.H.P.

Vụ thanh niên bị xe cán sau khi té giữa đường không ai cứu giúp: Tôi đau lắm nhưng không biết trách ai bây giờ - Ảnh 1.

Camera an ninh ghi lại thời điểm nạn nhân ngã không ai cứu giúp

Theo báo Gia đình&Xã hội, chị Nhi nói, chồng mình là lao động chính trong gia đình, rất quan tâm tới vợ con. Anh chị có 2 con gái, bé lớn 8 tuổi còn con nhỏ mới 3 tuổi. Chồng mất, chỉ còn một mình chị bươn chải lo cho các con.

Trước sự việc nam thanh niên gặp nạn nhưng nhiều người đi đường "làm ngơ", Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định trên báo Thanh niên online, có nhiều yếu tố chi phối khiến không ít người trong xã hội hiện nay e ngại, dè chừng việc cứu người hay làm chuyện tốt.

Theo anh An, ai cũng ý thức việc giúp đỡ người khác,nhưng ngày nay làm việc tốt hay bị nghi oan và vạ lây, cứu người trong những trường hợp như trên dễ bị người thân tưởng nhầm, rồi có những lời nói, hành động không hay.

Thứ nữa, xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là vô vàn những giá trị ồ ạt du nhập vào nước ta chưa có sự chọn lọc, giá trị đạo đức xuống cấp, thực hư, tốt xấu cứ lẫn lộn khó phân biệt, chân giá trị sống cũng vì thế có sự thay đổi chuyển dần từ sống vì mọi người sang sống vì mình nhiều hơn.

Ngoài ra, theo thạc sĩ An, có thể vì một số điều kiện ngoại cảnh như đường vắng, hoang vu, mưa gió, hay những đặc điểm về nhân cách cá nhân quy định như ám ảnh sợ hãi, kỹ năng sơ cứu hạn chế...

"Khi gặp phải những trường hợp như vậy các bạn có thể làm như sơ cứu (nếu có thể), nếu sợ vạ lây có thể kêu gọi thêm sự trợ giúp từ xung quanh, gọi điện xe cứu thương hay thậm chí đưa người hoạn nạn đi bệnh viện. Các bạn cứ hãy tin vào một chuyện cho đi ắt sẽ nhận lại", báo Thanh niên dẫn lời Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An.

Trả lời trên VTC News, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, trong một số hoàn cảnh cụ thể, hành vi không cứu giúp nạn nhân của những người đi đường có thể bị xử lý về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 (trong đó mức hình phạt đến 7 năm tù).

Song trên thực tế, để xử lý về tội này thì không dễ dàng. Vì khi xác định tội này thì hành vi không cứu giúp người cần xác định mối quan hệ nhân quả của hành vi không cứu giúp với hậu quả chết người. Có nghĩa là nếu xác định vì không cứu mà dẫn đến hậu quả người đó chết thì mới có tội (trong khi mình có khả năng cứu nhưng lại không cứu).

Ngoài ra việc phải xác định được danh tính cụ thể những người đi đường, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả chết người là rất khó.

Theo luật sư Cường, dù với lý do gì thì qua việc này, chúng ta có thể thấy sự vô cảm đang hình thành.

"Khi gặp các trường hợp người tham gia giao thông bị nạn, cách tốt nhất để cứu được người bị nạn là gọi điện cho Tổng đài cấp cứu y tế (115). Vì việc vô tình sơ cứu người không đúng cách đôi khi còn gây nguy hiểm hơn cho người bị nạn, bên cạnh đó có thể kêu gọi những người xung quanh giúp đỡ, hỗ trợ để sơ cứu người gặp nạn", VTC News dẫn lời luật sư Trần Minh Cường.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại