Vụ tấn công ĐSQ Pháp ở Burkina Faso: Nội chiến, đói nghèo đã "nuôi" khủng bố lớn mạnh?

Trịnh Ngọc Tiến |

Hàng chục người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát nhằm vào Đại sứ quán Pháp và Trụ sở quân đội nước này hôm thứ Sáu (2/3) tại Thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso.

Bộ trưởng An ninh Burkina Faso Clement Sawadogo nói, những kẻ khủng bố đã dùng xe ô tô chở chất nổ, tiến công theo kiểu tự sát và đã gây ra những "thiệt hại to lớn".

Cuộc tấn công thứ nhất vào Trụ sở quân đội đã làm 8 nhân viên an ninh thiệt mạng; trong cuộc tấn công thứ hai (cùng thời gian) vào Đại sứ quán Pháp và Trung tâm văn hóa Pháp ở gần đó 80 người khác bị thương. Ông cũng cho biết thêm, 8 tên khủng bố đã đền mạng.

Tuy nhiên, theo 3 nguồn tin độc lập (hai ở Pháp và một ở Tây Phi), ít nhất đã có 28 người thiệt mạng trong cuộc tấn công của lực lượng khủng bố vào trụ sở quân đội.

Cuộc tấn công là thông điệp rõ ràng về sự trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan mà quốc gia Tây Phi này đang phải đang đối mặt. Và việc chống khủng bố trong thời gian tới có thể là ưu tiên chủ yếu của quốc gia này.

Tổng thống Burkina Faso Roch Marc Christian Kabore bày tỏ: "Đất nước chúng ta bây giờ đã biến thành mục tiêu của các thế lực đen tối".

Theo Bộ trưởng An ninh Sawadogo, mục tiêu tiến công của bọn khủng bố nhắm tới là cuộc họp của lãnh đạo lực lượng chống khủng bố G5 khu vực Sahel (5 nước thuộc khu vực Sahel: Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger); tuy nhiên cuộc họp đã được di chuyển đến một địa điểm khác trước đó.

Tình hình vẫn trong tầm kiểm soát

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện thoại cho người đồng nhiệm Burkinabe Kabore để trao đổi tình hình và gửi lời chia buồn tới các gia đình của các thành viên lực lượng an ninh bị thiệt mạng trong cuộc tiến công của các lực lượng khủng bố vào cả hai địa điểm.

Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh, các vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Pháp và Trụ sở quân đội Burkina Faso ngày hôm thứ Sáu "một lần nữa khẳng định mối đe dọa đang tràn ngập toàn bộ khu vực Sahel".

Cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Pháp tại Burkina Faso. Nguồn: Aljazeera

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng, thiệt hại trong vụ tiến công vào Đại sứ quán Pháp là không lớn và sẽ được khắc phục trong 2 đến 3 ngày tới; ông khẳng định, sứ mệnh chống khủng bố tại khu vực Sahel do Pháp tài trợ sẽ không vì thế mà dừng lại.

Vai trò của Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Saher

Trong bối cảnh các nhóm Hồi giáo cực đoan đang đẩy mạnh liên kết với nhau ở khu vực Sahel tại châu Phi, lực lượng chống khủng bố G5 Sahel (gồm 5 nước thuộc khu vực Sahel: Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger) đã được thành lập vào tháng 7/2017 để chống lại những lực lượng theo chủ nghĩa khủng bố ở rìa phía nam sa mạc Sahara.

Lực lượng khi đủ biên chế sẽ bao gồm 5.000 quân, được chia thành 7 tiểu đoàn, trong đó 4 cho Mali và Niger, 3 cho Chad, Burkina Faso và Mauritanie và sẽ hoàn thành vào cuối tháng Ba này.

Các quan chức từ Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger đã có mặt tại Burkina Faso để tiến hành cuộc họp nhằm tìm kiếm thêm sự hỗ trợ thêm về tài chính, để có thể hoạt động hiệu quả hơn trong việc thiết lập nền hòa bình và an ninh khu vực.

Vụ tấn công ĐSQ Pháp ở Burkina Faso: Nội chiến, đói nghèo đã nuôi khủng bố lớn mạnh? - Ảnh 2.

Binh lính thuộc biên chế lực lượng chống khủng bố của G5. Ảnh: Jeune

Trong giai đoạn đầu tiên, lực lượng Barkhane chống thánh chiến của Pháp tại khu vực Sahel với 4.000 binh lính, sẽ hỗ trợ lực lượng G5 Sahel triển khai hoạt động và huấn luyện về không quân cũng như hỗ trợ hỏa lực pháo binh từ một căn cứ thuộc vùng In-Tillit (miền Trung Mali).

Mục tiêu cuối cùng của Pháp là giúp lực lượng G5 Sahel có đủ khả năng để tự thiết lập lại sự ổn định tại khu vực biên giới chung giữa các nước.

Ngoài chống khủng bố, lực lượng G5 Sahel cũng chịu trách nhiệm giải quyết các mạng lưới buôn lậu và đưa người nhập cư bất hợp pháp hoạt động ở vùng Sahara.

Tuy nhiên, lực lượng G5 Sahel đã vấp phải nhiều khó khăn khi triển khai hoạt động, do cả 5 quốc gia thuộc lực lượng này đều thuộc diện nghèo nhất thế giới với quân đội không được trang bị đầy đủ.

Pháp, quốc gia ủng hộ ý tưởng thành lập G5 Sahel, đang đi đầu trong các nỗ lực huy động tài chính cho lực lượng này.

Đất nước của nội chiến, đói nghèo và khủng bố

Không có tuyên bố trách nhiệm ngay lập tức, nhưng Bộ trưởng Thông tin Burkina Faso Remis Fulgance Dandjinou cho biết, vụ tấn công "có những âm mưu khủng bố mạnh mẽ".

Burkina Faso là một quốc gia có lịch sử của các cuộc đảo chính quân sự, cũng như các cuộc tấn công của lực lượng thánh chiến.

Những cuộc nổi dậy ở quốc gia này đã làm hàng nghìn người chết; hàng chục nghìn người khác phải bỏ nhà cửa chạy trốn khỏi cuộc nội chiến. Cuộc nội chiến cũng tàn phá nền kinh tế được coi là nghèo nhất thế giới này; đồng thời biến nơi đây thành thiên đường trú ẩn cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Vào ngày 13/8/2017, hai kẻ đánh bom đã nổ súng vào một nhà hàng trên đại lộ chính ở thủ đô Ouagadougou, giết chết 19 người và làm bị thương 21 người. Cho đến giờ vẫn chưa có lực lượng nào tuyên bố chịu trách nhiệm.

Vào ngày 15/1/2016, 30 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nhằm vào một khách sạn và nhà hàng ở trung tâm thủ đô Ouagadougou, trong đó có 6 người Canada và 5 người châu Âu.

Cuộc tấn công này được nhóm Al-Murabitoun liên kết với Al-Qaeda, được dẫn dắt bởi một kẻ cuồng tín tên là Mokhtar Belmokhtar người Algeria và đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công trên.

Vụ tấn công ĐSQ Pháp ở Burkina Faso: Nội chiến, đói nghèo đã nuôi khủng bố lớn mạnh? - Ảnh 3.

Quân đội Burkina Faso. Ảnh: Omojuwa

Ngày 21/2 vừa qua, hai thành viên của lực lượng Barkhane chống thánh chiến của Pháp đã bị thiệt mạng bởi vướng mìn sát gần biên giới giữa Mali với Niger và Burkina Faso.

Vào tháng 8/2014, mười hai lính Pháp đã thiệt mạng trong chiến dịch mang tên "Operation Barkhane" do Pháp chỉ huy.

Liên Hiệp Quốc cũng duy trì một lực lượng gìn giữ hòa bình có quân số 12.000 người tại Mali gọi là MINUSMA; tuy nhiên, lực lượng này đã bị thương vong nặng nề.

Bốn lính gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đã bị giết chết bởi vụ nổ bom hôm thứ Tư ở khu vực miền Trung nước này.

Những quốc gia tại khu vực Sahel châu Phi nói chung và Burkina Faso nói riêng, là những nước từng là thuộc địa của Pháp và liên tục chìm trong nội chiến, đói nghèo và lạc hậu.

Vụ đánh bom ngày 2/3 vừa qua là hồi chuông cảnh báo việc các lực lượng Hồi giáo cực đoan bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ tại các quốc gia này.

Sau khi nhà nước Hồi giáo tự xưng IS bị đánh mạnh tại Iraq và Sirya, hiện tại chúng đang tìm cách chuyển địa bàn hoạt động về khu vực Sahel, nơi có đến trên 50% dân số theo đạo Hồi. Các vụ khủng bố do lực lượng này chủ mưu đã xảy ra tại Niger và Mali, và bây giờ là Burkina Faso.

Do vậy việc triển khai lực lượng tại chỗ càng trở nên cấp bách sau khi các nguồn tin an ninh và quân sự phương Tây trong thời gian qua liên tục thông báo phát hiện dấu hiệu các nhóm Hồi giáo cực đoan đang đẩy mạnh liên kết với nhau tại khu vực Sahel.

Và vụ khủng bố tại Burkina Faso có thể là chất xúc tác đẩy nhanh tiến độ đưa lực lượng chống khủng bố mà Pháp là quốc gia tài trợ chính ở khu vực này vào hoạt động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại