Ông Vũ Doãn Quang cho biết, sau kết luận của thanh tra Bộ Nội vụ, UBND tỉnh đã chỉ đạo khắc phục sai phạm, đến nay đã cơ bản xong.
Về kiểm điểm trách nhiệm, theo ông Quang, tỉnh ủy đang chỉ đạo kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định.
Về mức độ kỷ luật, ông Vũ Doãn Quang cho biết, hai cá nhân liên quan cũng đã tự đưa ra mức kỷ luật cho riêng mình.
Cả ông Lưu Văn Bản và Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ (người “đặc cách” con ruột làm phó phòng trong vụ này) đều tự nhận kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thì phải chờ làm theo quy trình. Theo dự kiến, ngày 31/3 sẽ họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, qua tờ trình của đoàn kiểm tra tỉnh ủy, Ban chấp hành sẽ bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định.
Về số lượng cấp phó phòng của sở, ông Quang cho biết, chưa có quy định nào quy định số lượng bao nhiêu người. “Đó cũng là sơ suất về các văn bản quy phạm pháp luật.
Chính thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Bộ Nội vụ sửa Nghị định 24 về quản lý sử dụng công chức để xây dựng quy định cụ thể.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh, số lượng phó phòng chuyên môn ở cấp sở, cấp huyện”, ông Quang nói.
Theo quy định của tỉnh Hải Dương, các phòng chuyên môn chỉ có 2 phó, còn những phòng có biên chế đông và tính chất công việc nhiều có thể xem xét cho 3 người, nhưng phải có ý kiến của lãnh đạo tỉnh mới được bổ nhiệm.
Tuy nhiên theo ông Quang cũng khó tránh khỏi tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên trong một sở. Chẳng hạn mỗi sở bình quân biên chế chỉ 35 - 40 người, đông thì khoảng 45 - 46 người.
Sở LĐ-TB&XH Hải Dương có 8 - 9 phòng chuyên môn, mỗi phòng có 1 trưởng, 2 phó, cộng vào đã là 27 lãnh đạo, lại thêm 4 lãnh đạo Sở nữa thành 31. Như vậy số chuyên viên còn ít hơn lãnh đạo.