Đã 2 tuần trôi qua kể từ ngày xảy ra sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), lực lượng chức năng chỉ mới tìm thấy 5 thi thể (2 thi thể đã xác định được danh tính), 12 công nhân còn mất tích và gần như không còn hy vọng gì còn sống.
Mất mát quá lớn
Mấy ngày nay, nhiều người đến chia buồn với gia đình anh Đặng Hữu Phong (SN 1994; ngụ xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) - 1 trong 2 nạn nhân vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 đã xác định danh tính.
Kể từ hôm nhận tin con trai bị nạn, bà Trần Thị Hoa (SN 1972) như người mất hồn. Chưa đầy một năm, bà Hoa phải chịu 2 cái tang lớn, cũng là 2 trụ cột của gia đình, là chồng và con trai.
Phong học điện lạnh, sau một năm tập sự và mới nhận tháng lương đầu tiên thì gặp nạn. Người anh em chú bác của Phong là anh Đặng Hữu Nam (SN 1991) đến nay vẫn còn mất tích tại Rào Trăng 3.
Ở xóm Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh có 3 người là nạn nhân ở Rào Trăng 3 là các anh: Lê Văn Sáng (SN 1985), Lê Thanh Hải (SN 1983), Trương Đình Nội (SN 1986). Từ ngày nghe tin dữ, người thân các anh quỵ ngã. Ông Lê Đình Hoàn, bố anh Hải, cho biết hoàn cảnh vợ chồng anh Hải rất khó khăn. "Nhà 3 đứa con nhỏ, vợ không có việc làm, đang mang bầu ít ngày nữa sinh. Lâu nay, toàn bộ chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào tiền lương Hải gửi về. Giờ cháu đột ngột gặp nạn mất, sắp tới vợ con nó không biết sống ra sao" - ông Hoàn xót xa.
Ông Trương Bá Khanh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ, cho biết hoàn cảnh gia đình của 3 công nhân gặp nạn đều rất khó khăn, hiện rất cần sự hỗ trợ của công ty sử dụng lao động, các tổ chức, cá nhân để các gia đình sớm vượt qua nỗi đau mất mát.
Chu cấp cho con các nạn nhân đến 18 tuổi
Ông Lê Văn Hoa - một cổ đông sáng lập Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3, chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3 - cho biết từ khi xảy ra sự cố sạt lở đất khiến 17 công nhân tại công trình này mất tích, công ty tích cực phối hợp với lực lượng chức năng tìm kiếm, cứu nạn.
Ông Hoa kể trước thời điểm xảy ra sự cố, ông đã yêu cầu tất cả công nhân rời khỏi công trình, di chuyển đến chỗ trú ngụ mới. "Họ chia ra 2 tốp, một tốp 16 người ở lùi xa vị trí công trình hơn 100 m, tốp thứ 2 hơn 50 người ở cách 300-400 m. Vậy mà các anh em vẫn không tránh được một vụ sạt lở đất.
Chúng tôi làm thủy điện, tính toán để sử dụng cả trăm năm nên xây dựng rất kiên cố, vậy mà vẫn xảy ra sạt lở. Mưa cả một tuần khiến nước đổ về như thác. Hôm đó tôi đi lên nhưng bị mắc kẹt ở dưới thủy điện Rào Trăng 4 do sạt lở chứ không chẳng biết chuyện gì xảy ra" - ông Hoa kể.
Theo ông Hoa, từ khi xảy ra sự cố, công ty đã lo ăn uống, chỗ nghỉ ngơi, động viên thân nhân các nạn nhân khi đến tỉnh Thừa Thiên - Huế chờ tin thân nhân. Công ty sẽ hỗ trợ trước mắt 100 triệu đồng mỗi trường hợp. "Công ty cũng sẽ hỗ trợ cuộc sống cha mẹ những người tử nạn đã già cả, nuôi con cái của họ đến 18 tuổi" - ông Hoa khẳng định.
Một nhóm từ thiện đến hỗ trợ, động viên bà Trần Thị Hoa, mẹ anh Đặng Hữu Phong Ảnh: QUANG TÁM
Ai là chủ Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4?
Ông Lê Văn Hoa có hộ khẩu thường trú tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, là 1 trong 6 cổ đông sáng lập Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 (trụ sở tại khu đô thị mới An Cựu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với giá trị cổ phần 27 tỉ đồng (30%).
Công ty này được đăng ký lần đầu vào năm 2011, thay đổi mới nhất (lần thứ 6) vào ngày 19-8 và do ông Nguyễn Đại Thành (SN 1992, ngụ TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) làm giám đốc. Ông Thành là con của ông Nguyễn Đại Lợi - một cổ đông sáng lập và nắm giữ giá trị cổ phần cao nhất với 31,5 tỉ đồng (35%). Có 3 cổ đông nắm giữ 10% cổ phần mỗi người: ông Đỗ Thanh Lâm (ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Văn Tố (ngụ tỉnh Quảng Bình) và ông Ngô Anh Tuấn (ngụ TP Đà Nẵng). 5% cổ phần còn lại là của ông Dương Văn Khởi (ngụ tỉnh Quảng Bình).
Trước khi Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 làm chủ đầu tư thì công trình thủy điện Rào Trăng 3 được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép Công ty Tư vấn Xây dựng Trường Sơn (do ông Nguyễn Đại Lợi làm giám đốc) nghiên cứu đầu tư xây dựng vào năm 2007. Cũng trong thời gian này, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép Công ty CP Đầu tư Thủy điện Sông Lam nghiên cứu đầu tư xây dựng thủy điện Rào Trăng 4.
Đối với thủy điện Rào Trăng 4, hiện chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 4 (có chung trụ sở với Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3). Công ty này đăng ký lần đầu vào năm 2015, thay đổi lần thứ nhất vào ngày 28-2 với vốn điều lệ 175,355 tỉ đồng. Ông Lê Văn Hoa là chủ tịch HĐQT, ông Dương Văn Quý là giám đốc công ty. Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 4 chỉ có 3 cổ đông sáng lập, trong đó ông Lê Văn Hoa nắm giữ 70% giá trị cổ phần, bà Lê Thị Tuyết (ngụ tỉnh Hà Tĩnh) nắm giữ 25%, còn 5% là sở hữu của ông Lê Văn Thường (ngụ huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế).
Hỗ trợ đột xuất
Ngày 26-10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định hỗ trợ đột xuất các liệt sĩ, công nhân bị thiệt mạng và bị thương tại thủy điện Rào Trăng 3. Theo đó, hỗ trợ gia đình 13 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Rào Trăng 3 mỗi trường hợp 20 triệu đồng. Hỗ trợ 17 công nhân thiệt mạng, 20 triệu đồng/trường hợp. Riêng 3 công nhân bị thương được hỗ trợ 3 triệu đồng/trường hợp.