Vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Sáng tỏ hơn song vẫn chưa kết thúc

Đình Nam |

Dù thừa nhận vẫn còn nhiều uẩn khúc cần điều tra, song Saudi Arabia đã tính đến mức phạt cao nhất với 5 người liên quan tới vụ việc.

Sau hơn 1 tháng điều tra, giới chức hàng đầu của Saudi Arabia hôm qua (15/11) đã chính thức thông tin thêm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi – người bị giết bên trong lãnh sứ quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10 vừa qua.

Dù thừa nhận vẫn còn nhiều uẩn khúc cần điều tra tiếp, song Saudi Arabia đã tính đến mức án phạt cao nhất đối với 5 đối tượng có liên quan trực tiếp tới vụ việc. Một số trừng phạt quốc tế đầu tiên cũng đã được áp dụng và dự kiến sẽ còn tiếp tục.

Ngày 15/11, cơ quan Công tố Saudi Arabia đã công bố chi tiết kết quả điều tra vụ giết hại nhà báo Khashoggi trước báo giới.

Cụ thể, âm mưu giết hại ông Khashoggi đã được lên kế hoạch từ ngày 29/9 – tức 3 ngày trước khi xảy ra vụ ám sát. Trực tiếp cựu Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Tình báo Saudi Arabia (GIP) Ahmed Al-Assiri đã ra lệnh các nhân viên tình báo đến Thổ Nhĩ Kỳ, để thuyết phục ông Khashoggi về nước, song trong trường hợp thất bại, họ có thể sử dụng vũ lực.

Kết quả là ông Khashoggi đã bị nhóm điệp viên trói chặt khi đến lãnh sứ quán tại thành phố Istanbul, sau đó bị tiêm một loại thuốc quá liều, dẫn đến tình trạng bị sốc và tử vong sau đó.

Như vậy, công bố chính thức thứ 2 của Saudi Arabia về kết quả điều tra đã khác “khá nhiều” so với lần công bố thứ nhất, rằng ông này đã chết trong một vụ ẩu đả. Song vẫn giống như lần trước, Cơ quan công tố Saudi Arabia đã không đề cập tới các cách thức xử lý thi thể ông Khashoggi sau đó của nhóm điệp viên.

Một chi tiết cũng được thế giới rất quan tâm tại buổi họp báo này, là việc cơ quan công tố Saudi Arabia đã bắt đầu quá trình xét xử đối với các đối tượng liên quan. 5 trong số 21 nghi phạm bị bắt giữ đã được cơ quan công tố Saudi Arabia đề nghị mức án cao nhất là “tử hình”.

Phản ứng trước các báo cáo từ phía Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia nơi xảy ra vụ việc, đã bày tỏ thái độ không hài lòng. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng, nhiều uẩn khúc vẫn cần được điều tra, đặc biệt là thi thể nhà báo đang ở đâu, đã bị xử lý như thế nào.

Cũng theo ông Cavusoglu, việc xét xử các đối tượng liên quan phải diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, dựa theo các quy định thỏa thuận Vienna.

Khác với Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao Pháp hôm qua đã hoan nghênh việc Saudi Arabia truy tố một số quan chức tình nghi liên quan đến vụ việc, coi đây là bước đi đúng hướng. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến tiếp theo.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày đã đưa ra lệnh trừng phạt đối với 17 quan chức Saudi Arabia, trong đó có nhiều quan chức cấp cao tình nghi liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ tại Mỹ cho rằng, các trừng phạt này là chưa đủ, đồng thời kêu gọi một biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào cả chính quyền Riyadh, trong đó có cả việc dừng bán vũ khí cho phía Saudi Arabia. Canada dự kiến cũng sẽ theo chân Mỹ để đưa ra phản ứng tương tự trước vụ việc.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir khẳng định ngày 15/11, việc trừng phạt các cá nhân là một chuyện, còn trừng phạt chính quyền hoàng gia Saudi Arabia sẽ là một câu chuyện khác:

“Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã thừa nhận rằng, Quốc vương và Thái tử Saudi Arabia không có liên quan đến vụ việc. Chúng tôi hiểu rõ về những gì đã xảy ra hơn hết. Vụ việc là hành động của những cá nhân vượt thẩm quyền và vượt ra ngoài nhiệm vụ của họ. Những cá nhân này đã phạm sai lầm to lớn và vì sai lầm này họ sẽ phải trả giá.

Về biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân phạm tội là một chuyện, nhưng để bắt chính phủ Saudi Arabia chịu trách nhiệm lại là vấn đề khác. Chính phủ Saudi Arabia sẽ chịu trách nhiệm về cách giải quyết vấn đề này một cách có trách nhiệm”.

Ngoại trưởng al-Jubeir cũng đã bác bỏ đề nghị của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra quốc tế cũng như việc đưa các cá nhân liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử. Theo ông, chính quyền Riyadh có cơ quan điều tra riêng và “sẽ xét xử công dân nước mình, phạm tội trong lãnh sứ quán nước mình, ngay trên lãnh thổ quốc gia”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại