Các phương tiện quân sự chỏ tên lửa đạn đạo siêu thanh DF-17 có khả năng bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh tại một cuộc diễu hành ở Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 10/2019. Ảnh: EPA
Đằng sau vụ phóng thử tên lửa của Trung Quốc
Tin tức về vụ phóng thử của Trung Quốc được tiết lộ khi chính quyền Tổng thống Biden gần kết thúc bản Đánh giá Khả năng Hạt nhân (Nuclear Posture Review). Đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Biden đang làm việc để đưa ra một chính sách về việc cắt giảm ngân sách sản xuất và hiện đại hóa hạt nhân. Tổng thống Biden cũng đang cân nhắc đến chính sách "không sử dụng trước" vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các quan chức khác lại "vẫy cờ đỏ" cánh báo sự nguy hiểm của chính sách này. Các quan chức tình báo nhận định tại Ủy ban Tình báo Thượng viện trong các cuộc họp kín rằng, cuộc thử nghiệm của Trung Quốc đã đánh dấu bước tiến đáng kể về khả năng của nước này trong việc tiến hành một cuộc tấn công chiến lược đầu tiên nhằm vào Mỹ.
Theo các nguồn tin liên quan đến những cuộc họp này, mặc dù điều đó không có nghĩa là Trung Quốc "trên cơ" Mỹ nhưng có những yếu tố nhất định cho thấy các khả năng của tên lửa này đủ để khiến các quan chức Mỹ ngạc nhiên. Trung Quốc đã xây dựng và thử thành công công nghệ nhanh này hơn khung thời gian mà Mỹ dự đoán, một cựu quan chức về kiểm soát vũ trang cho biết. Trong khi đó, ngày 21/10, Lầu Năm Góc thử nghiệm thất bại tên lửa siêu thanh và đây là cuộc thử nghiệm thất bại thứ hai kể từ tháng 4.
Điều đáng chú ý trong vụ thử của Trung Quốc là nước này đã đưa tàu lượn siêu thanh vào quỹ đạo trước khi rơi xuống bầu khí quyển. Một vũ khí như vậy về lý thuyết có thể được sử dụng để tấn công Mỹ từ một hướng không thể dự đoán trước, chẳng hạn như từ Cực Nam và lọt qua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ.
Theo The Guardian, có thể Trung Quốc đang phát triển công nghệ này để đảm bảo rằng quân đội Mỹ sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu tấn công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc và sau đó phá hủy tất cả tên lửa mà Trung Quốc đáp trả trước khi chúng rơi xuống.
"Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã bừng tỉnh và nhận ra nguy cơ của một cuộc chiến tranh theo quy ước với Mỹ cao hơn so với thời điểm những năm 1950 và 1960. Mỹ cũng sở hữu lợi thế hạt nhân to lớn để ngăn cản Trung Quốc leo thang xung đột", Vipin Narang, chuyên gia về giải trừ vũ khí đồng thời là giáo sư về khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts cho hay.
"Trung Quốc nhận ra rằng nước này cần cạnh tranh với Mỹ để dồn Mỹ vào thế bí ở cấp độ chiến lược và cần sở hữu khả năng khiến Mỹ phải dừng lại trước khi Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột theo quy ước”.
Chính sách hạt nhân của Biden liệu có lung lay?
Đánh giá Khả năng Hạt nhân là chủ đề được tranh luận nội bộ sôi nổi ở Mỹ và bị chính trị hóa thậm chí trước khi Trung Quốc thử tên lửa mới.
Tổng thống Biden từ lâu muốn hạn chế kho hạt nhân của Mỹ và cân nhắc về chính sách "không sử dụng trước" nhằm làm giảm căng thẳng hạt nhân với các đối thủ.
"Chúng tôi nỗ lực cho thấy, chúng tôi sẽ không tấn công bạn bằng vũ khí hạt nhân trừ khi bạn tấn công chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân", Bonnie Jenkins, Thứ trưởng phụ trách vấn đề an ninh quốc tế và kiểm soát hạt nhân trong chính quyền Tổng thống Biden cho hay.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong đảng Cộng hòa nhận định: "Sự việc này cho thấy khả năng tiến hành cuộc tấn công đầu tiên của Trung Quốc và nhấn mạnh yêu cầu rằng, chúng ta cần tiếp tục các chương trình hiện đại hóa của mình".
"Do đó, cần chấm dứt những nhận định cho rằng chúng ta cần giảm vai trò của vũ khí hạt nhân khi Nga và Trung Quốc đang chạy đua hết sức để dẫn trước", quan chức trên bình luận.
Trong khi đó, các quan chức và chuyên gia khác không quá lo ngại về vụ thử tên lửa này. Jeffrey Lewis, chuyên gia về vũ khí hạt nhân, đồng thời là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho rằng: "Theo tôi, không cần phải phản ứng thái quá về hệ thống này. Trung Quốc hiện có 100 vũ khí hạt nhân có thể nhắm vào nước Mỹ và chúng ta cần chấp nhận sự thật này. Đó là sự răn đe hạt nhân".
Chuyên gia này cũng đánh giá: "Tôi không lo ngại về việc này bằng việc đây là một trong những sự kiện có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang".
Trả lời CNN ngày 21/10, Tổng thống Biden cho rằng, Mỹ không nên lo lắng về việc liệu Trung Quốc và Nga có quân đội mạnh hơn Mỹ hay không. Theo nhà lãnh đạo này, mối lo ngại thực sự là "sự leo thang vô ý có thể vượt ngoài tầm kiểm soát".
"Những điều chúng ta phải lo lắng là liệu họ có tiến hành những hoạt động mà điều đó có thể khiến họ rơi vào tình thế đưa ra những sai lầm nghiêm trọng hay không”.
Tổng thống Biden cũng tiến xa hơn so với các tổng thống tiền nhiệm khi tuyên bố Mỹ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc về quân sự liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Một quan chức cấp cao cho biết, lập trường của Tổng thống Biden về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân không thay đổi, đồng thời nhận định, bản đánh giá về lập trường hạt nhân sẽ cân nhắc đến tình hình an ninh hiện tại.
Dù vậy, vụ phóng thành công của Trung Quốc cũng phần nào ảnh hưởng đến bản đánh giá này của chính quyền Tổng thống Biden. Quốc hội hiện đang yêu cầu chính quyền ông Biden giải thích sẽ phát hiện và phòng thủ trước các tên lửa siêu thanh như thế nào.
Việc Mỹ ngần ngại đổ tiền vào hiện đại hóa hạt nhân và khả năng dịch chuyển sang chính sách không sử dụng trước cũng đã khiến một số đồng minh như Đức, Anh và Pháp bối rối khi những nước này gia tăng lo ngại về mối đe dọa từ Nga.
Sự dịch chuyển của Mỹ khi chuyển sang nêu các điều kiện cụ thể sử dụng vũ khí hạt nhân thay vì chính sách mơ hồ có chủ đích trong một thời gian dài "đã khiến chúng tôi lo ngại sâu sắc", một cựu quan chức quốc phòng Anh cho hay.
"Mối lo ngại ở đây là Nga có thể cho rằng đó là một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu trong cam kết của Mỹ. Nga bây giờ thậm chí còn đáng lo ngại hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những năm 1980. Vì thế, với châu Âu, đây là một khoảnh khắc kỳ lạ khi phải đặt câu hỏi về một trụ cột trong chính sách của NATO vốn vẫn được duy trì hiệu quả cho tới nay", quan chức này nhận định./.