Vụ phá rừng ở Quảng Nam: Có dấu hiệu bao che, dung túng

Hoài Văn |

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu vừa ký văn bản số 3441/UBND-NC về việc xử lý vụ phá rừng tại khu vực biên giới. Văn bản khẳng định, "tình tiết vụ việc có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ".

Văn bản báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 5; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các ban, ngành địa phương có liên quan.

Văn bản xác định vụ việc phá rừng, khai thác gỗ (Pơ mu) trái phép xảy ra tại khu vực biên giới thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang, là vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong địa bàn quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của khu vực biên giới; tình tiết vụ việc có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ; gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt.

Vì vậy cần phải truy cứu và xử lý nghiêm túc các sai phạm và làm rõ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan.

Đồng thời giao trách nhiệm đến các cơ quan, ban ngành: Giao Giám đốc Công an tỉnh lập chuyên án, xây dựng kế hoạch để huy động lực lượng, khẩn trương tổ chức điều tra, củng cố chứng cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm.

Công an tỉnh làm việc với Sở An ninh tỉnh Sê Kông, Lào và các đơn vị chức năng để tổ chức phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm sớm kết luận, đưa ra truy cứu trách nhiệm pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của địa phương.

Trong quá trình điều tra, Công an tỉnh chủ động kiến nghị các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quản lý để phục vụ tốt nhất cho hoạt động điều tra, truy cứu trách nhiệm pháp lý và xử lý sai phạm.

Công an tỉnh là đầu mối phát ngôn về vụ việc, các cơ quan, đơn vị liên quan phải thực hiện đúng quy chế phát ngôn, đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình điều tra.

Vụ phá rừng ở Quảng Nam: Có dấu hiệu bao che, dung túng - Ảnh 1.

Địa điểm làm việc của Ban chuyên án đặt tại Trạm kiểm soát liên hợp Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh có trách nhiệm bố trí phòng làm việc và phối hợp tạo điều kiện cho Ban chuyên án trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Sở Ngoại vụ tham mưu, liên hệ với chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh Sê Kông để tạo điều kiện, phối hợp kịp thời trong công tác điều tra xử lý, đảm bảo phù hợp với luật pháp quốc tế và Thỏa thuận hợp tác.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng và chịu trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Công an tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các tập thể, cá nhân liên quan báo cáo giải trình về trách nhiệm quản lý, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tạm thời đình chỉ công tác đối với các cá nhân có dấu hiệu sai phạm để chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng; đồng thời củng cố lại bộ máy tổ chức để tăng cường quản lý tốt địa bàn, trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực.

Ủy ban nhân dân huyện Nam Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và cung cấp các thông tin có giá trị cho cơ quan điều tra.

Văn bản cũng đề cập việc chuẩn bị điều kiện, nội dung làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam với lãnh đạo Ủy ban Chính quyền tỉnh Sê Kông (Lào)

Ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh được phân công trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc, theo dõi và báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại