Vụ ông Vũ Đình Duy "đi nước ngoài", ĐBQH: 'Vinachem phải có trách nhiệm quản lý cán bộ'

Hoàng Đan |

"Ông Duy không báo cáo tổ chức Đảng nhưng vẫn đi được thì rõ ràng có chỗ hổng trong thiết chế quản lý của mình", ĐB Nguyễn Ngọc Phương nói.

Vi phạm quy định Đảng, Nhà nước

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đã có những trao đổi xung quanh việc ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Công ty hóa dầu và xơ sợi (PvTex) đi nước ngoài không được sự đồng ý.

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc ông Vũ Đình Duy đã ra nước ngoài với báo cáo là để chữa bệnh, nhưng không được sự đồng ý của cơ quan chức năng?

Bây giờ mình chưa có kết luận chắc chắn để khẳng định nhưng đây là một dấu hiệu khiến dư luận xã hội đặt nhiều câu hỏi nghi vấn về việc ông Vũ Đình Duy đi nước ngoài không được phép đó nhằm mục đích gì?

Việc ông Duy đi nước ngoài khi chưa có sự cho phép thì vi phạm nguyên tắc quản lý cán bộ công chức hành chính theo luật.

Theo quy định của Đảng, đối với cán bộ công chức là Đảng viên thì khi đi nước ngoài thì phải có sự xin phép, báo cáo với tổ chức Đảng. Như vậy, ông Duy vừa vi phạm nguyên tắc Đảng và chưa được chính quyền cho phép.

Một số ý kiến cho rằng, khi chưa có bản án của tòa nên ông Vũ Đình Duy vẫn có thể đi lại được tự do, kể cả ra nước ngoài, ông nghĩ sao về điều này?

Ở đây, cũng có cái lý vì hiến pháp Việt Nam quy định công dân Việt Nam khi chưa bị bắt, bị kết luận thì anh có thể có hoạt động mà cơ quan công an không làm gì được.

Nhưng vấn đề ở chỗ bài học từ vụ ông Trịnh Xuân Thanh đúng ra là mình phải rút kinh nghiệm trong việc quản lý.

Ông Duy đi mà không có sự cho phép của cơ quan, không báo cáo tổ chức Đảng nhưng vẫn đi được thì rõ ràng có chỗ hổng trong thiết chế quản lý của mình.

Cơ quan chức năng cần làm gì với trường hợp ông Vũ Đình Duy, thưa ông?

Đáng nhẽ ra các cơ quan chức năng phải có động thái rồi chứ không để trường hợp ông Vũ Đình Duy đã đi rồi mới có động thái.

Các cơ quan chức năng phải báo cáo thường xuyên đối với các cơ quan quản lý Nhà nước để có giải pháp điều tra, thậm chí đề nghị Viện Kiểm sát ra quyết định truy tố.

Vinachem có trách nhiệm

Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng có trách nhiệm của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) khi không quản lý được cán bộ của mình, để tự ý đi nước ngoài như vậy?

Chắc chắn Tập đoàn này phải có trách nhiệm trong việc quản lý cán bộ của mình.

Cán bộ bình thường thì không nói nhưng cán bộ có những dấu hiệu rất rõ tham nhũng thì đáng lẽ cơ quan này phải thường xuyên báo cáo và yêu cầu cơ quan chức năng có giải pháp quản lý để không cho ông Duy trốn ra nước ngoài, không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Một số thông tin cho biết, sau khi để thua lỗ nghìn tỷ, ông Duy lại được luân chuyển làm Phó Giám đốc Sở Công thương Hải phòng, sau đó về Bộ Công thương và Tập đoàn hóa chất Việt Nam, phải chăng ở đây có vấn đề thưa ông?

Đây là một vấn đề giống như trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ khác... sau khi để thua lỗ không những không bị xử lý mà lại còn được luân chuyển sang các công tác mới, thậm chí còn cao hơn.

Rồi đây, sau khi các cơ quan báo chí lên tiếng, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra làm rõ xem có vấn đề gì không và nếu sai sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ như vậy.

Theo ông, sau vụ việc Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Than và Vũ Đình Duy này thì bhài học rút ra là gì?

Theo tôi, trong việc điều chỉnh pháp luật trong thời gian sắp tới cần phải chú ý điều này như là Luật Hình sự và các luật liên quan để ngăn chặn các đối tượng gây ra hậu quả rồi bỏ trốn.

Giải pháp thứ 2 là bằng cơ chế hiện nay đang có thì cũng có thể khống chế không cho anh ra nước ngoài. Anh là đảng viên, cán bộ thì anh phải được cơ quan quản lý cho đi hay không đi.

Đấy là hình thức thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để quản lý. Nếu là đảng viên thì phải thực hiện theo nghị định 75 thì ra nước thì phải báo xin phép. Nếu không báo cáo xin phép thì các cơ quan hải quan có quyền giữ lại.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ cho rằng, có nhiều trường hợp đi nước ngoài chữa bệnh có thể là có bệnh thật.

Tuy nhiên, "không loại trừ những trường hợp đi nước ngoài để trốn tránh" như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh xin đi nhưng sau đó không trở lại.

"Có điều là, đối với những vụ lớn, nhạy cảm và có khả năng dẫn đến việc trốn chạy thì lẽ ra các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan chủ quản của người bỏ trốn phải phối hợp với các cơ quan khác để quản lý cán bộ.

Ví dụ phải phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, các cửa khẩu. thậm chí có những trường hợp phải cho an ninh theo dõi", ông Nhưỡng nêu ý kiến.

Trên thực tế, theo ông Nhưỡng, khi không có những biện pháp phối hợp để quản lý cán bộ, đặc biệt là trong những trường hợp nhạy cảm thì khi cá nhân đề nghị xuất cảnh tại sân bay, cơ quan an ninh cũng không có quyền ngăn cản nếu không có lệnh.

"Tôi cho rằng, cần phải tăng cường công tác quản lý cán bộ, nhất là trong những trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh,Vũ Đình Duy", ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại