Bộ Giáo dục: Mức độ sao chép luận án của ông Hoàng Xuân Quế là 52,5/159 trang (?!)
Ngày 14/12, TAND TP Hà Nội đã tuyên hủy Quyết định số 4674 năm 2013 của nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận về việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế khi phát hiện ông này "đạo văn".
Liên quan đến vấn đề này, trong thông cáo phát đi nửa ngày sau đó, Bộ GD&ĐT cho rằng, đây là phiên tòa thứ 7 được mở từ năm 2013.
Hình ảnh phiên tòa.
Bộ GD&ĐT nêu rõ, qua đối chiếu cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế (bảo vệ năm 2003), với cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế (bảo vệ năm 2002) xác định:
Mức độ sao chép giữa cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế với cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế là 52,5 trang/159 trang.
Cụ thể: Chương I sao chép 17 trang/54 trang; chương II sao chép 6,5 trang/61 trang; chương III sao chép 29 trang/44 trang.
Trong phần "Tài liệu tham khảo" cuối cuốn luận án, ông Hoàng Xuân Quế hoàn toàn không nhắc tới cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế.
Như vậy, hành vi sao chép của ông Hoàng Xuân Quế là rất rõ ràng, mức độ sao chép rất nghiêm trọng.
Sẽ kháng cáo
Bộ cho hay, 3 cuốn luận án được bộ sử dụng làm căn cứ đối chiếu (lưu tại Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM) đều là luận án gốc, được thu thập, lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ vụ việc, có đầy đủ biên bản, xác nhận của các thư viện.
Còn cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế nộp lại "không có cơ sở pháp lý", những cuốn luận án "được xin lại" từ thành viên hội đồng một cách không khách quan, với hình thức không đồng nhất, không đúng quy định.
Bộ cho rằng, việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là công việc phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, "hoàn toàn vì sự nghiệp giáo dục đào tạo chung của đất nước".
Bên cạnh đó, việc Bộ trưởng thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế còn cảnh báo, nhằm ngăn chặn những hành vi gian lận, tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo công bằng, khách quan và minh bạch trong đánh giá chất lượng giáo dục.
"Hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế đã rõ ràng và có minh chứng đầy đủ.
Tất cả những lý do phía nguyên đơn nêu ra về trình tự, thủ tục trong quá trình xử lý vụ việc của Bộ GD&ĐT không thể làm sai khác đi bản chất vụ việc là ông Quế đã có hành vi vi phạm những quy định về đào tạo sau đại học", Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Trong thông báo phát đi, Bộ GD&ĐT khẳng định: "Không chấp nhận bản án Hội đồng xét xử đã tuyên ngày 14/12 vì không đúng với các quy định pháp luật tại thời điểm xảy ra vi phạm. Đồng thời, Bộ cho rằng không đúng với bản chất của vụ việc, làm mất lòng tin của đội ngũ giáo viên chân chính và của xã hội vào sự công tâm, khách quan của các cơ quan pháp luật.
Bộ GD&ĐT sẽ kháng cáo theo quy định để các quy định của pháp luật được thực thi, bảo về kỷ cương trong giáo dục, bảo vệ chủ trương của Đảng, Nhà nước về nâng cao chất lượng giáo dục và đạo đức Nhà giáo".
Trước đó, trả lời PV, ông Hoàng Xuân Quế cho biết, đồng tình với kết quả phiên tòa sơ thẩm.
Ông cho rằng, quyết định của Bộ trưởng đã gây thiệt hại về thể chất, tinh thần, sự nghiệp của ông nên việc tòa tuyên hủy quyết định của Bộ trưởng GD-ĐT đã trả lại danh dự, uy tín của ông suốt nhiều năm qua.
HĐXX: Sao chép luận án mà không dẫn nguồn phải bị kỷ luật, xử phạt hành chính... chứ không thể thu hồi bằng tiến sĩ
Trước đó, trong phiên tòa, HĐXX không kết luận ông Hoàng Xuân Quế có “đạo” luận án hay không, tuy nhiên cho rằng trách nhiệm quản lý luận án tiến sĩ thuộc về Bộ GD&ĐT nhưng cơ quan này không lưu giữ được các bản gốc của ông Quế để làm căn cứ xác minh.
HĐXX cho rằng, có 8 cuốn luận án với cấu trúc, hình thức khác nhau, tuy nhiên, Bộ Giáo dục chỉ dựa vào cuốn lưu giữ ở Thư viện Quốc gia để xác định ông Quế sao chép là không đảm bảo khách quan.
Trước việc luật sư của Bộ cho rằng, ông Quế trích dẫn mà không để trong ngoặc kép là sao chép và ông bị xác định đã sao chép tới 52,5/159 trang, HĐXX viện dẫn quy chế đào tạo sau đại học cho hay cá nhân nào sử dụng tài liệu của người khác để làm luận văn mà không dẫn nguồn hoặc trích dẫn trong ngoặc kép thì luận án không được duyệt.
Theo tòa, nếu ông Quế có hành vi sao chép luận án mà không dẫn nguồn phải bị kỷ luật, xử phạt hành chính... chứ không thể thu hồi bằng tiến sĩ, bởi quy chế đào tạo sau đại học không quy định.
Chủ tọa nêu rõ, việc Bộ GD&ĐT ra thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là trái quy định của pháp luật, đồng thời, tuyên hủy Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc thu hồi bằng tiến sĩ ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế.
Tòa cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục lại học hàm, học vị cho ông này.