Qua kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn liên hoàn tại gầm cầu vượt Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, lực lượng chức năng xác định vụ việc xảy ra vào khoảng 8h10' sáng nay (ngày 9/4).
Vào thời điểm trên, Nguyễn Thị Thanh H. (SN 1980, trú tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) điều khiển xe ô tô 5 chỗ nhãn hiệu Mercedes mang BKS 30A 800.., lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng rẽ trái vào đường Xuân Thuỷ.
Khi đến gầm cầu vượt Mai Dịch đã đâm vào xe máy mang BKS 18G1 do chị Phạm Thị Thu Thuỷ (SN 1997, trú tại xã Bình Hoà, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) điều khiển.
Sau đó, xe Mercedes tiếp tục đâm vào xe máy BKS 98M9 do chị Trương Thị Hoài Thu (SN 1996, trú tại Thái Bình) điều khiển, chiếc xe ô tô tiếp tục va chạm với xe máy BKS 30L1 do anh Trần Trung Mạnh (SN 1994, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) điều khiển chở phía sau là anh Nguyễn Duy Thường (SN 1996, trú tại Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội).
Nhiều phương tiện hư hỏng nặng sau vụ tai nạn.
Hậu quả vụ tai nạn đã khiến cả 4 người trên bị thương, riêng chị Trương Thị Hoài Thu đang được theo dõi tại Bệnh viện 198 Bộ Công an.
Trao đổi với PV về tình trạng nạn nhân Thu, một cán bộ bệnh viện 198 cho biết, hiện nạn nhân đang được cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu do chấn thương sọ não, gãy đùi, chấn thương ổ bụng.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Người điều khiển phương tiện ô tô Mercedes đã không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vượt đèn đỏ đâm liên hoàn vào những người điều khiển xe máy, gây hậu quả nghiêm trọng làm nhiều người bị thương, tài sản hư hỏng.
Người điều khiển ô tô đã vi phạm khoản 5, Điều 4 và điểm c, khoản 3, Điều 10 Luật giao thông đường bộ.
Theo Luật sư Thơm, người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.
Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Ngoài ra, các cơ quan pháp luật cần xác định các lỗi khác nếu có như sử dụng rượu bia, chất kích thích, bằng lái xe,...
Với hậu quả xảy ra, hành vi của người điều khiển ôtô đã có dấu hiệu Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Đây là tội phạm có cấu thành vật chất nên để có căn cứ xử lý, cần xác định hậu quả thiệt hại tổn hại sức khỏe hoặc chết người (nếu có) để xử lý tương ứng theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự.