Vụ nổ tàu lặn thảm khốc bộc lộ quy định không rõ ràng trong hoạt động thám hiểm biển sâu

Thu Hằng |

Trong chuyến thám hiểm xác tàu Titanic định mệnh ở Bắc Đại Tây Dương vào hôm 18/6, tàu ngầm Titan đã lặn sâu xuống vùng nước tối tăm.

Vụ nổ tàu lặn thảm khốc bộc lộ quy định không rõ ràng trong hoạt động thám hiểm biển sâu - Ảnh 1.

Tàu lặn Titan. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, hoạt động khám phá xác tàu Titanic diễn ra trên vùng biển quốc tế, nơi mà các doanh nhân và khách du lịch giàu có đã chấp nhận rủi ro, phớt lờ luật pháp và quy định, để thực hiện ước mơ.

Ông Salvatore Mercogliano – Giáo sư tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina, chuyên gia về lịch sử và chính sách hàng hải – cho biết: “Chúng ta đang ở thời điểm tiến hành các hoạt động lặn ở vùng nước sâu, tương tự như lĩnh vực hàng không vào đầu thế kỷ 20. Khi còn ở giai đoạn sơ khai, các quyết định được đưa thành luật chỉ là vô tình. Sẽ có lúc con người không cần phải đắn đo suy nghĩ về việc lên một chiếc tàu lặn và lặn xuống độ sâu 4.000 mét. Nhưng chúng ta vẫn chưa ở thời điểm đó”.

Ngày 23/6, sau khi Lực lượng Tuần duyên Mỹ thông báo tàu lặn Titan đã nổ tung gần xác tàu Titanic, cả 5 hành khách trên tàu đều thiệt mạng, cuộc tranh luận về các quy định mù mờ của những chuyến thám hiểm tương tự đã bùng lên.

Theo Giáo sư Mercogliano, việc đưa ra các quy định thám hiểm biển sâu ít được xem xét kỹ lưỡng như đưa con người vào vũ trụ. Trong trường hợp của Titan, một phần là do hoạt động thám hiểm của con tàu diễn ra ở vùng biển quốc tế, nằm ngoài phạm vi quy định của Mỹ và các quốc gia khác.

Ông Mercogliano cho hay tàu lặn Titan không được đăng ký ở Mỹ hay các cơ quan quản lý an toàn quốc tế khác. Con tàu này cũng không thuộc bất kỳ nhóm công nghiệp hàng hải, hay bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn về các vấn đề như xây dựng thân tàu.

Ông Stockton Rush – Giám đốc Điều hành của OceanGate, người đã thiệt mạng trên tàu Titan - từng nói rằng ông không muốn bị “mắc kẹt” vào những tiêu chuẩn như vậy. Trong một bài đăng trên trang web của công ty, ông Rush viết: “Việc đưa thực thể bên ngoài bắt kịp tốc độ của mọi đổi mới, trước khi thử nghiệm trong thế giới thực là điều cấm kỵ đối với sự đổi mới”.

Titan là một con tàu nhỏ được hạ thủy từ một chiếc tàu mẹ khác - tàu phá băng Polar Prince của Canada. Ông Mercogliano ví điều này giống như việc chở một chiếc thuyền trên một chiếc xe kéo.

“Đội tuần tra đường cao tốc chỉ có thẩm quyền đối với ô tô và xe đầu kéo, nhưng không phải đối với thuyền. Thuyền trong trường hợp này là hàng hóa”, ông giải thích.

Các chuyên gia cho rằng gia đình của các nạn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn khởi kiện OceanGate. Các hành động pháp lý sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm cả giấy miễn trừ có chữ ký của các hành khách trước khi lên tàu, cảnh báo về hàng loạt rủi ro tử vong.

Vụ nổ tàu lặn thảm khốc bộc lộ quy định không rõ ràng trong hoạt động thám hiểm biển sâu - Ảnh 3.

Ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Horizon Arctic, Deep Energy và Skandi Vinland tìm kiếm tàu lặn mất tích Titan. Ảnh: Maxar Technologies

Ông Mike Reiss - biên kịch và nhà sản xuất bộ phim hoạt hình nổi tiếng “The Simpsons” đã tham gia chuyến thám hiểm Titanic với OceanGate vào năm 2022 - nhớ lại rằng trước khi tham gia hành trình thám hiểm, hành khách đã được ký giấy miễn trừ trách nhiệm. Trong đó, phía công ty cung cấp dịch vụ đã nhấn mạnh khả năng thiệt mạng của hành khách rất nhiều lần, bất kỳ hỏng hóc nào của con tàu đều có thể gây ra thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong.

“Tôi sẽ phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến khí áp suất cao, thiếu ôxy, hệ thống điện áp cao có thể dẫn đến thương tích, tàn tật và tử vong. Nếu tôi bị thương, tôi có thể không được chăm sóc y tế ngay lập tức”, ông Reiss nhớ lại.

Ông Thomas Schoenbaum, Giáo sư luật của Đại học Washington, tác giả của cuốn sách “Luật Hải quân và Hàng hải”, cho biết những tài liệu này có thể vẫn còn nguyên giá trị trước tòa.

“Nếu giấy miễn trừ có hiệu lực - tôi cho rằng chúng có thể do một luật sư soạn thảo - thì các gia đình nạn nhân có thể không được bồi thường thiệt hại”, ông nói.

Song ông Schoenbaum nói rằng OceanGate vẫn có thể phải đối mặt với những hậu quả theo Đạo luật An toàn Tàu chở Khách năm 1993. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc công ty sở hữu tàu lặn thuộc chi nhánh nào.

Theo ông Rush, CEO quá cố của OceanGate, công ty này thuộc Mỹ. Nhưng ông cho biết OceanGate Expeditions – công ty chịu trách nhiệm các chuyến thám hiểm Titanic – lại có trụ sở tại Bahamas.

Giáo sư Schoenbaum cho biết công ty con của Bahamas có khả năng lách luật Mỹ, nhưng OceanGate có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu tòa án từng “xé toạc bức màn của công ty”.

Một số người cũng thắc mắc tàu Titan có được bảo hiểm hay bảo hiểm của tàu phá băng Canada có thể phát huy tác dụng hay không.

Tuy nhiên, không rõ công ty nào cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho OceanGate. Thông tin này không được công ty công bố.

“Các công ty bảo hiểm thường yêu cầu một đơn vị đăng kiểm đảm bảo tàu lặn đáp ứng mọi điều kiện trước khi chấp nhận bảo hiểm”, ông cho biết.

Vụ nổ tàu lặn thảm khốc bộc lộ quy định không rõ ràng trong hoạt động thám hiểm biển sâu - Ảnh 5.

Chuẩn đô đốc John Mauger phát biểu với giới truyền thông tại Căn cứ Cảnh sát biển Boston, ở Boston ngày 22/6. Ảnh: AP

Ông George Rutherglen, Giáo sư luật hàng hải tại Đại học Virginia, nói rằng: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên khi hợp đồng không đề cập đến luật áp dụng và nơi có thể nộp đơn khiếu nại với hoạt động có rủi ro cao như vậy”.

Ông Rutherglen cho biết ông hy vọng Mỹ sẽ đưa ra các quy định chặt chẽ hơn do thiệt hại về người và hàng triệu USD mà Cảnh sát biển đã tiêu tốn trong nỗ lực tìm kiếm con tàu.

“Việc tiếp cận xác tàu đắm dưới đáy biển đã trở nên dễ dàng hơn nhờ công nghệ tiên tiến. Song điều đó không có nghĩa là hoạt động thám hiểm này sẽ trở nên an toàn hơn”, ông lưu ý.

Ông nói thêm rằng Tổ chức Hàng hải Quốc tế, cơ quan quản lý vận chuyển thương mại, có thể đưa ra một số hành động pháp lý và Quốc hội cũng có thể thông qua luật. Ví dụ, các quốc gia như Mỹ có thể cấm các tàu tham gia vào các cuộc thám hiểm tương tự cập cảng của họ.

Nhưng không phải quốc gia nào cũng đồng ý với đề xuất này. Theo giới chức, Tổ chức Hàng hải Quốc tế không có thẩm quyền tự áp đặt quy định trong vấn đề này. Các nhà chức trách cho rằng cần có động thái để các quốc gia cùng thông qua một hiệp ước quốc tế về thám hiểm đại dương. Song điều đó có thể sẽ bị một số quốc gia muốn khai thác mỏ dưới biển sâu phản đối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại