Vụ nổ kho vũ khí khiến thái tử nhà Minh thiệt mạng, suýt phá hủy cả Bắc Kinh

Hoàng Trang |

Thuốc súng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lịch sử. Tuy nhiên, việc lưu trữ và xử lý loại chất dễ bay hơi và phát nổ này thường dẫn đến tai nạn thảm khốc.

Vụ nổ kho vũ khí khiến thái tử nhà Minh thiệt mạng, suýt phá hủy cả Bắc Kinh - Ảnh 1.

Một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng nhất liên quan đến thuốc súng đã xảy ra ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vào đầu thế kỷ 17. Ảnh minh họa: The China Project

Sự việc xảy ra tại kho vũ khí Wanggongchang, một trong số các kho vũ khí được đặt ngay giữa thủ đô Bắc Kinh đông đúc. Các kho này chịu trách nhiệm sản xuất thuốc súng, lưu trữ áo giáp, vũ khí, cung tên và đạn dược. Chúng đóng vai trò to lớn đối với an ninh của Bắc Kinh và tính sẵn sàng của lực lượng phòng thủ thời nhà Minh. Để tránh rơi vào tay kẻ thù, xưởng vũ khí được đặt gần Tử Cấm Thành và bao quanh là những bức tường thành kiên cố. Thật không may, đây cũng là khu vực tập trung dân cư sinh sống. Và kết cục bi thảm của việc đặt xưởng sản xuất thuốc nổ ngay giữa khu dân cư đã nhanh chóng ập đến.

Sáng 30/5/1626, người dân Bắc Kinh nhìn thấy một cột khói đen bốc lên từ kho vũ khí Wanggongchang, theo sau đó là nhà cửa rung chuyển ầm ầm. Tiếp đến, một luồng sáng phát ra chói lóa. Giây lát sau, mọi người nghe thấy một tiếng nổ lớn như thể “xé nát bầu trời và làm sụp cả Trái đất”. Đám mây hình nấm khổng lồ bốc lên cao ngút phía trên thành phố.

Vụ nổ đã san phẳng mọi thứ trong phạm vi hai km vuông xung quanh hiện trường. Khoảng một nửa Bắc Kinh, từ Huyền Vũ Môn ở phía Nam đến Đại lộ Tây Trường An ngày nay ở phía Bắc, đều hứng chịu ảnh hưởng. Hàng nghìn người đã thiệt mạng, trong khi hàng nghìn ngôi nhà chỉ còn lại đống gạch vụn. Sức công phá của vụ nổ lớn đến nỗi nhổ bật gốc các cây cổ thụ và quăng chúng đến tận bên kia thành phố. Một con sư tử đá nặng hơn hai tấn cũng bị thổi bay qua tường thành.

Tiếng nổ to như sấm đã lan đi hàng chục km đến tận Thông Châu, Xương Bình. Thậm chí người dân ở Mật Vân cách đó 100km cũng cảm nhận được rung chấn của vụ nổ. Tại Thiên Tân, cách Bắc Kinh hơn 100 km, hàng trăm ngôi nhà đột ngột sụp xuống vào thời điểm xảy ra vụ nổ kho đạn.

Sức ép từ vụ nổ xé toạc cơ thể con người. Những bộ phận cơ thể của các nạn nhân bị hất đi xa rồi rơi từ trên trời xuống tạo thành một cảnh tượng kinh hoàng. Tờ Công báo Bắc Kinh kể lại: “Gần đại lộ Trường An, đầu người từ trên trời rơi xuống. Ngoài Đức Thánh Môn, tay và chân của con người cứ lần lượt rơi xuống”.

Trong cuốn sách xuất bản 9 năm sau vụ việc, hai học giả Liu Tong và Yu Yizheng đã mô tả cảnh tượng phi thường của đám mây hình nấm và tóm tắt về hậu quả kinh hoàng khi đó như sau: “Khung cảnh giống như những sợi tơ quấn vào nhau, đỉnh của cơn sóng, những sắc màu óng ánh, một cây nấm linh chi đen, tất cả đều bay lên trời.

Đó là thảm họa đã xảy ra tại xưởng thuốc súng của hoàng cung. Từ Phúc Thành Môn ở phía Đông đến Phố Bộ Tư pháp ở phía Bắc, trong phạm vi hai km nhân với 7 km, những ngôi nhà vỡ vụn còn mặt đất sụp xuống. Cây cối, đá, người và chim chóc từ trên trời trút xuống đất như mưa. Hàng nghìn ngôi nhà bị san bằng; hàng trăm người đã thiệt mạng. Mùi khét ở khắp mọi nơi; tro bay mù mắt; tiếng than khóc khắp thành phố. Có những người bị mất tay, chân, đầu hoặc mắt và những bộ phận này được tìm thấy bên ngoài thành phố”.

Tại thời điểm đó, các cung điện trong Tử Cấm Thành đang được trùng tu. Trên 2.000 công nhân đã bị hất văng khỏi mái nhà và nhiều người ngã tử vong. Bản thân hoàng đế Minh Hy Tông đang ăn sáng tại cung Càn Thanh thì vụ nổ xảy ra. Sau trận rung chuyển đầu tiên, phần lớn người hầu đều bỏ chạy vì hoảng sợ.

Vì vậy, Hoàng đế di chuyển đến Điện Giao Đài cùng với một lính canh. Người này cũng không may bị ngói rơi trúng đầu và bỏ mạng tại chỗ. Thái tử và cũng là người kế vị duy nhất còn lại của Hoàng đế, khi đó mới chỉ bảy tháng tuổi, đã thiệt mạng do sức ép của vụ nổ. Nhiều quan triều đình bỏ mạng, bị thương hoặc mất tích trong vụ nổ. Một số người đã bị chôn sống ngay tại nhà riêng.

Vụ nổ Wanggongchang được xếp vào loại vụ nổ phi quân sự lớn nhất trong lịch sử, cùng với các thảm họa như vụ nổ ở Beirut (2020), Thiên Tân (2015), cảng Chicago (1944) và Halifax (1917). Mặc dù rất khó để đo chính xác về nguồn năng lượng trong vụ nổ, nhưng các dấu hiệu cho thấy vụ nổ Wanggongchang có phần kém mạnh mẽ so với một số sự kiện khác. Tuyên bố cho rằng cường độ của vụ nổ ngang bằng với tác động của quả bom nguyên tử ở Hiroshima chắc chắn là một sự phóng đại. Tuy nhiên, con số thương vong lại cao hơn đáng kể do vụ nổ xảy ra ở trung tâm của một trong những thành phố đông dân cư nhất thế giới.

Việc xác định nguyên nhân gốc rễ đằng sau vụ nổ là một thách thức ghê gớm. Vụ nổ đã xóa sạch mọi tàn dư tại hiện trường xảy ra thảm họa, để lại rất ít bằng chứng cho các nỗ lực điều tra. Tuy nhiên, ban đầu có ý kiến cho rằng vụ việc là một hành động phá hoại. Nhưng sau đó, cuộc điều tra chính thức kết luận rằng vụ nổ là một "sự cố ý trời", tượng trưng cho thời kỳ hỗn loạn và đầy sai phạm dưới triều đại của vua Minh Hy Tông.

Thảm họa này diễn ra trong bối cảnh nạn tham nhũng tràn lan, xung đột nội bộ và phong trào nổi dậy của nông dân. Tuy nhiên, vụ nổ Wanggongchang đã làm lu mờ tất cả những thách thức này. Nhiều phe phái cho rằng mức độ nghiêm trọng của nó đã phản ánh sự bất mãn của trời đất đối với triều đại cầm quyền, cũng như là sự kém cỏi của Hoàng đế.

Và vụ việc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh sự sụp đổ của triều đại nhà Minh. Kho vũ khí bị phá hủy đã giáng một đòn đáng kể khiến quân đội nhà Minh không thể phục hồi. Ngay năm sau, Hoàng đế Minh Hy Tông băng hà. 18 năm sau thảm họa, triều đại nhà Minh sụp đổ, nhường ngôi cho triều đại nhà Thanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại