Các vụ nổ xảy ra vào năm 2022, liên quan tới các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 trị giá hàng tỉ USD vốn được dùng để vận chuyển khí đốt dưới biển Baltic.
Các vụ nổ xảy ra bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển, làm rò rỉ một lượng lớn khí mê-tan.
Ngày 26-2, cảnh sát Copenhagen (Đan Mạch) cho biết: "Cuộc điều tra dẫn đến việc các nhà chức trách kết luận rằng có sự cố ý phá hoại các đường ống dẫn khí. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ cơ sở để mở vụ án hình sự ở Đan Mạch".
Cảnh sát Đan Mạch đã hợp tác với các đối tác nước ngoài để tiến hành cuộc điều tra "phức tạp và toàn diện". Cảnh sát Đan Mạch không trả lời khi Reuters yêu cầu giải thích tại sao không có đủ căn cứ để tiếp tục cuộc điều tra.
Nga và phương Tây đã đổ lỗi cho nhau về các vụ nổ Nord Stream. Hai bên đều phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào và không ai chịu trách nhiệm.
Đầu tháng này, Thụy Điển cũng chấm dứt cuộc điều tra các vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vì "không đủ thẩm quyền".
Cảnh sát Đan Mạch trước đó xác định các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 "bị ảnh hưởng bởi các vụ nổ mạnh". Các nhà điều tra Thụy Điển cũng chỉ ra dấu vết của chất nổ được tìm thấy tại hiện trường.
Năm ngoái, Đức nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng họ tìm thấy dấu vết của chất nổ trên một chiếc du thuyền có thể đã được sử dụng để vận chuyển chất nổ. Các thợ lặn được huấn luyện có thể đã gắn chất nổ vào các đường ống.
Nga đổ lỗi cho Mỹ, Anh và Ukraine về các vụ nổ, khiến dòng khí đốt của Nga bị cắt đứt khỏi thị trường châu Âu.
Một số quan chức phương Tây nói rằng các tàu hải quân Nga đã ở trong khu vực vào thời điểm xảy ra các vụ nổ. Tuy nhiên, những người khác lập luận không có bằng chứng thuyết phục để đổ trách nhiệm lên Moscow.