Ngày 1/3, chiếc ô tô con va chạm với một xe máy trên Quốc lộ 4D đường từ Lào Cai đi Sa Pa khiến một thiếu niên tử vong. Sau tai nạn, phía người thân nạn nhân, người dân đia phương đòi các tài xế phải bồi thường thiệt hại 400 triệu đồng ngay tại chỗ, đã gây nhiều tranh cãi, bức xúc dư luận.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 3/3, trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Hà Nội) bày tỏ quan điểm rằng, thứ nhất, việc người dân để thi thể nạn nhân ở giữa nơi công cộng, giữa lòng đường dẫn đến ùn tắc giao thông đã có dấu hiệu của hành vi gây rối trận tự công cộng theo qui định của điều 318 Bộ luật hình sự.
Thứ hai, việc gây sức ép tài xế phải bồi thường mà không có bất kì một quyết định nào của cơ quan nhà nước khi chưa có sự phân giải của pháp luật, lợi dụng đông người gây sức ép, gây khó khăn, buộc tài xế phải bồi thường dẫn đến có dấu hiệu của hành vi "cưỡng đoạt tài sản".
"Để chứng minh được có hay không việc tự nguyện trả tiền của hai người tài xế và việc cưỡng đoạt tài sản của người dân thì cơ quan chức năng cần phải khởi tố vụ án để điều tra", luật sư nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh.
Vị luật sư đưa ra lời khuyên, qua sự việc này, người dân cũng cần rút kinh nghiệm, việc bồi thường nếu không thỏa đáng sẽ có tòa án giải quyết hoặc trên cơ sở tự nguyện giữa người gây ra tai nạn và phía bị hại, chứ không thể bắt ép, giữ người gây tai nạn để yêu cầu bồi thường, điều đó rất dễ dẫn đến hành vi "cưỡng đoạt tài sản" theo qui định của BLHS.
Trước đây người Việt Nam luôn có tâm lí xe lớn phải đền xe bé, dù là xe bé có sai luật, gây ra tai nạn. Nhưng quan điểm đó không phù hợp với quy định của pháp luật.
"Bây giờ, nếu người đi bộ mà gây ra tai nạn giao thông dẫn đến người đi ô tô không may bị thiệt hại về tài sản hoặc hậu quả nghiêm hơn là dẫn đến chết người cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi đối tượng tham gia giao thông đều bình đẳng như nhau, phải tuân thủ luật.
Do đó, những hành vi trên trong vụ việc cần phải có cơ quan điều tra để xác định lỗi của ai, sau đó mới kết luận được việc có hay không có vụ án hình sự, trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ việc", luật sư Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.
Trước đó, khoảng 11h40 ngày 1/3, thiếu niên Hạng A Câu (15 tuổi, trú tại xã Sa Pả, huyện Sa Pa) điều khiển xe máy biển số 24A – 029.19 trên Quốc Lộ 4D. Khi đến km108 + 600 đã xảy ra va chạm với xe con biển số 24A-029.19 do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (30 tuổi, trú tại TP. Lào Cai) điều khiển đi theo hướng Sa Pa về Lào Cai.
Va chạm khiến thiếu niên Hạng A Câu tử vong tại chỗ, các phương tiện hư hỏng nặng.
Hiện trường tai nạn.
Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai cho biết, sau khi vụ tai nạn xảy ra, người nhà nạn nhân cùng nhiều người dân địa phương đã kéo ra khu vực hiện trường vụ tai nạn gây mất trật tự nhằm mục đích "bắt đền tài xế".
Do người dân kéo ra đông đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Lực lượng chức năng của địa phương đã phải tăng cường xuống thuyết phục, vận động và tiến hành phân luồng giao thông, xử lý vụ tai nạn.
Ông Giàng A Sàng, Chủ tịch UBND xã Sa Pả cho hay, thời điểm đó, người nhà nạn nhân và người dân kéo ra hiện trường đòi tài xế lái xe ô tô con phải bồi thường 400 triệu đồng vì đã làm chết người.
Dù lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã tiến hành vận động, thuyết phục nhưng nhiều người dân, người thân nạn nhân, trong đó, có một số người say rượu tiếp tục ra có hành vi gây mất trật tự, cản trở việc đưa thi thể ra khỏi hiện trường, yêu cầu phải bồi thường ngay, dẫn đến ùn tắc giao thông.
Sau đó, lực lượng chức năng đã mời gia đình nạn nhân và tài xế xe con ra khu vực khác để tiến hành việc thỏa thuận bồi thường.
"Theo thông tin tôi nắm được, tài xế xe con đã phải hỗ trợ ngay cho gia đình nạn nhân 200 triệu để giải quyết vụ tai nạn. Sau đó, tình hình ổn định, người thân và bà con nhân dân không còn gây mất trật tự nữa. Đến hơn 18h, đoạn đường đã thông xe trở lại", ông Sàng nói.