Vụ máy bay Indonesia lao xuống biển: Nhìn từ quá khứ

Huệ Bình |

Nguyên nhân khiến chuyến bay mang số hiệu SJ182 của hãng hàng không Sriwijaya Air (Indonesia) biến mất khỏi màn hình radar chỉ vài phút sau khi cất cánh vẫn còn là một bí ẩn.

Mảnh vỡ của máy bay của Sriwijaya Air. Ảnh: Bloomberg

Mảnh vỡ của máy bay của Sriwijaya Air. Ảnh: Bloomberg

Chiếc Boeing 737-500 26 tuổi, cất cánh từ thủ đô Jakarta với 62 người vào ngày 9-1 và lúc đầu bay theo đường bay thông thường. Theo dữ liệu, sau khi đạt đến độ cao khoảng 3,05 km, máy bay duy trì độ cao từ 3,05 km đến 3,35 km trong khoảng 45 giây.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia Budi Karya Sumadi, vào khoảng thời gian đó, một kiểm soát viên không lưu báo cho máy bay , nói rằng nó đã chệch hướng. Tuy nhiên không có phản hồi nào từ phi công.

Gần như cùng lúc đó, máy bay quay sang trái khoảng 40 độ theo hướng ngược lại với hướng đã định sẵn và bắt đầu hạ độ cao đột ngột. SJ182 giảm gần 3 km trong khoảng 14 giây, tương đương vận tốc trung bình 12,19 km/phút.

Các nhà phân tích an toàn hàng không cho rằng còn quá sớm để kết luận nguyên nhân chính xác của vụ rơi máy bay. Một số kịch bản khả dĩ, theo họ, là trục trặc kỹ thuật, lỗi của phi công hoặc thậm chí là một vụ tự sát.

Trang Bloomberg đã liệt kê một số vụ rơi máy bay tương tự với chuyến bay xấu số của Sriwijaya Air. Những thảm kịch loại này dù không nhiều nhưng khiến hầu như mọi người trên khoang thiệt mạng.

1. Máy bay Boeing 737 mang số hiệu 427 của hãng hàng không USAir

Tai nạn xảy ra ngày 8-9-1994 ở Tây bang Pennsylvania. Chiếc Boeing 737, chở 132 người, khởi hành từ sân bay quốc tế O’Hare, Chicago, dự kiến hạ cánh xuống sân bay quốc tế Pittsburg. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh ở độ cao khoảng 1.828 m, bánh lái của nó bị kẹt sang một bên. Máy bay bất ngờ chệch hướng sang bên trái, bắt đầu lao từ trên trời xuống, mũi hướng xuống mặt đất.

Ông Jeffrey Guzzetti, cựu trưởng bộ phận điều tra tai nạn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ, cho biết chiếc máy bay trong thảm họa ở Indonesia cũng thuộc dòng Boeing 737, nhưng nguyên nhân của hai vụ việc dường như không liên quan gì với nhau.

Vài năm sau vụ tai nạn, Cơ quan Hàng không dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu sửa chữa bánh lái cho tất cả máy bay 737. Từ đó đến nay chưa có một tai nạn nào gặp trục trặc như của máy bay mang số hiệu 427.

2. Máy bay AF447 của hãng hàng không Air France

Chuyến bay mang số hiệu AF 447 của hãng hàng không Air France mất tích ngày 1-6-2009. Chiếc Airbus SE A330 chở 228 người từ Brazil đến Pháp này đã lao xuống Đại Tây Dương từ độ cao bay trên 9,1 km. Các nhà điều tra Pháp cho biết thiết bị đo vận tốc gió bị trục trặc và phi công bị mất phương hướng.

Với tốc độ rơi trung bình khoảng 3,35 km/phút, máy bay của Air France rơi chậm hơn nhiều so với máy bay Indonesia.

Vụ máy bay Indonesia lao xuống biển: Nhìn từ quá khứ - Ảnh 1.

Máy bay của hãng hàng không Sriwijaya đột ngột mất độ cao và đâm xuống biển Java. Ảnh: FlightRadar24

3. Chuyến bay 3591 của hãng Atlas Air

Ngày 23-2-2019, máy bay chở hàng Boeing 767-300 bị rơi xuống một vịnh gần sân bay liên lục địa George Bush của thành phố Houston, bang Texas - Mỹ. Máy bay rơi xuống phía Bắc của vịnh Trinity, vỡ tan tành, khiến 3 người trên máy bay thiệt mạng.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy trong vụ việc ở Indonesia, máy bay lao xuống nước với tốc độ gần như tương tự vụ nói trên. Theo ông Jeffrey Guzzetti, việc nhấn nhầm nút trong buồng lái có thể gây ra tình trạng mất phương hướng và khiến máy bay lao xuống với tốc độ nhanh.

4. Chuyến bay 185 của hãng hàng không Silk Air

Ngày 19-12-1997, chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Silk Air lao xuống sông Musi, gần Palembang, miền Nam Sumatra khi đang trên hành trình từ Jakarta - Indonesia tới Singapore, khiến toàn bộ 104 người thiệt mạng.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) - cơ quan hỗ trợ Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia điều tra vụ việc - kết luận cơ trưởng cố tình lái máy bay lao xuống sông.

Dù còn quá sớm để cho rằng thảm kịch hàng không mới nhất ở Indonesia là do hành động cố ý nhưng ông Jeffrey Guzzetti cho rằng vẫn không nên loại trừ khả năng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại