Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán hàng ngàn logo xe không rõ nguồn gốc và bảo kê xe quá tải nhận nhiều sự quan tâm từ dư luận, đặc biệt là việc cơ quan tiến hành tố tụng "nhắc tên" 80 thanh tra giao thông (TTGT), cảnh sát giao thông (CSGT) các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM.
Có môi giới, đưa hối lộ nhưng không tìm ra người nhận hối lộ
Theo hồ sơ, Nguyễn Văn Thới cùng một số đồng phạm khai từ đầu năm 2014 đến tháng 8-2015 đưa hối lộ cho 62 CSGT, 18 TTGT ở các đội, trạm thuộc địa bàn TP HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Gần 4,2 tỉ đồng là số tiền bỏ ra hối lộ.
Quá trình xét xử, TAND TP HCM triệu tập 83 cá nhân đến dự tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, chỉ 3 người có mặt.
Tại tòa, HĐXX tổ chức đối chất giữa các bị cáo với 2 CSGT, TTGT (đến dự tòa với tư cách người liên quan - PV). Họ đồng loạt khẳng định bản thân không nhận tiền bảo kê xe quá tải. Cùng đó, bị cáo Thới cùng một số bị cáo khác khai nhận không quen biết 2 người này.
Đối với khúc mắc "dính dáng" đến 80 CSGT, TTGT, đại diện cơ quan công tố nhấn mạnh cơ quan điều tra đã tổ chức nhận dạng, ghi lời khai và 80 người trên không thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Tiến hành đối chất giữa đối tượng phạm tội với 80 CSGT, TTGT nhưng cơ quan pháp luật không làm rõ được gì thêm.
Ngoài lời khai của các bị cáo, hồ sơ không có chứng cứ nào khác chứng minh những cá nhân đó từng nhận tiền bảo kê. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ khởi tố, điều tra, xử lý 80 CSGT, TTGT.
Căn cứ hồ sơ cùng diễn biến ở tòa, HĐXX sơ thẩm phạt bị cáo Nguyễn Văn Thới 13 năm tù giam về tội "Đưa hối lộ". Cáo buộc cùng tội danh, tòa sơ thẩm đưa ra mức án từ 1 năm 8 tháng 25 ngày tù giam đến 9 năm tù đối với 7 bị cáo đóng vai trò đồng phạm. Phạm tội "Môi giới hối lộ", bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (cựu CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) lãnh 7 năm tù.
Như vậy, những người phạm tội "Đưa hối lộ", "Môi giới hối lộ" đã chịu hình phạt như Bộ Luật Hình sự quy định.
Song, dư luận dường như chưa thỏa mãn khi vụ án "bỏ ngỏ" tội danh "Nhận hối lộ".
Tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo có hành vi đưa hội lộ, môi giới hối lộ
Quan điểm "đối chọi"?
Kéo dài từ năm 2015 đến nay, vụ án trải qua nhiều vòng tố tụng. Đặc biệt gây chú ý là giai đoạn TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên bố hủy bản án sơ thẩm đầu tiên.
Theo đó, năm 2018, TAND TP HCM lần đầu xử sơ thẩm vụ án. Tòa sơ thẩm phạt Nguyễn Văn Thới 14 năm tù, Nguyễn Cảnh Chân 8 năm tù. Các bị cáo còn lại lãnh từ 1 năm 8 tháng 24 ngày tù giam đến 10 năm tù. Bản án sơ thẩm có hiệu lực, một số bị cáo kháng cáo vì muốn hưởng án treo.
Xử phúc thẩm năm 2019, TAND Cấp cao tại TP HCM hủy bản án sơ thẩm; yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử lại.
Tại bản án phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM nói rằng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Cáo trạng do VKSND Tối cao ban hành năm 2018 nêu đích danh một số người nhận hối lộ với số tiền, thời điểm nhận hối lộ cụ thể. Tuy nhiên, tất cả những người "đã nhận hối lộ" kể trên lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trả lời, cơ quan điều tra khẳng định bản kết luận điều tra thể hiện cụ thể tên, đơn vị công tác, số tiền các đối tượng đưa hối lộ cho CSGT, TTGT; chứ không kết luận những cán bộ này có hành vi nhận hối lộ.
Khi hủy án sơ thẩm, cấp phúc thẩm còn nhận thấy cơ quan điều tra tổ chức đối chất sơ sài, không trọn vẹn.
Theo cấp này, các bị cáo cung cấp tên tuổi, chức vụ, số điện thoại chính xác và nhận diện một số cán bộ thuộc các đơn vị CSGT, TTGT tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM. Khi cán bộ không thừa nhận việc nhận hối lộ thì cơ quan điều tra không tiến hành đầy đủ biện pháp nghiệp vụ, điều tra. Thay vào đó, cơ quan điều tra kết luận không đủ căn cứ chứng minh hành vi nhận hối lộ.
Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định rõ người đưa hối lộ, số tiền đưa hối lộ, người môi giới hối lộ, số tiền hưởng lợi của người nhận hội lộ; nhưng không chỉ ra người nhận hối lộ. Theo cấp phúc thẩm, điều này khiến dư luận bức xúc.
Giải thích vấn đề, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đó chỉ là lời khai một phía từ Thới cùng đồng bọn. Những CSGT, TTGT liên quan đến lời khai không thừa nhận hành vi nhận tiền. Do đặc thù công tác nên CSGT, TTGT công khai số điện thoại cá nhân. Đây là việc bình thường, nguyên tắc ngành không có nội dung cấm cán bộ công khai số điện thoại cá nhân. Các bị cáo làm nghề kinh doanh vận tải nên biết số điện thoại CSGT, TTGT cũng là việc bình thường… Cơ quan điều tra không có căn cứ truy xét, xác minh mối quan hệ giữa người vi phạm, người bán logo với người xử lý.
Khi ghi lời khai cũng như tổ chức đối chất, cơ quan công an có ghi âm-ghi hình (có âm thanh); với sự tham gia của đại diện VKSND Tối cao và VKSND TP HCM (người ngồi ghế công tố), luật sư bào chữa.
Cơ quan điều tra nhận xét bản án phúc thẩm có những nhận định phiến diện, theo ý chủ quan của thẩm phán.
Đáng chú ý, TAND Cấp cao tại TP HCM không đồng tình trước quan điểm xử lý CSGT, TTGT liên quan. Cụ thể, Cơ quan CSĐT thống nhất với Thanh tra Bộ Công an có văn bản kiến nghị Sở Giao thông Vận tải cùng Công an TP HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có hình thức xử lý kỉ luật phù hợp, thích đáng đối với cán bộ giúp đỡ nhóm tội phạm bỏ qua xe vi phạm. HĐXX phúc thẩm cho rằng quan điểm như trên không hợp lý, không làm yên lòng người dân cũng như lực lượng CSGT, TTGT.
Điểm lại một số nội dung đối chất:
4 cá nhân thừa nhận quen biết Nguyễn Văn Thới, gồm: ông Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Đội CSGT Công an quận 8; ông Nguyễn Đức Toàn, cán bộ Đội CSGT Nam Sài Gòn; ông Tô Văn Sỹ, nguyên Phó Đội trưởng, Đội CSGT Công an huyện Củ Chi; ông Nguyễn Duy Khánh, nguyên cán bộ Trạm CSGT Tân Túc - Công an TP HCM. Trong đó, ông Khánh đang trốn truy nã sau khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo lời khai, ông Tuấn Anh và Thới có mối quan hệ quen biết từ năm 2014. Một số lần, khi tổ công tác của ông Tuấn Anh tuần tra ngoài đường, Thới có điện thoại xin bỏ qua xe quá tải. Vì tình cảm nên ông Tuấn Anh có giúp đỡ bằng cách làm ngơ một số lỗi lỗi vi phạm nhẹ. Trường hợp vi phạm cụ thể thì ông này không nhớ.
Như tất cả cán bộ làm việc với cơ quan điều tra trong vụ án, ông Tuấn Anh khẳng định bản thân không nhận tiền. Hay ông Nguyễn Đức Toàn giải thích trong quá trình ông thực hiện nhiệm vụ, Thới có liên hệ rồi đặt vấn đề bảo kê xe có dán logo song ông Toàn không giải quyết, không nhận tiền.
Quen biết Lê Thị Cẩm Vân (đồng phạm với Thới), ông Lê Ánh Dương, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 1 – Công an tỉnh Đồng Nai, nói rằng Vân đặt vấn đề bảo kê nhưng ông không giúp, cũng chưa bao giờ nhận tiền.
Một đối tượng khác khai rằng làm theo lời Thới, mang tiền đưa ông Phạm Văn Hùng (Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái – Công an TP HCM) với mục đích nhờ ông Hùng bảo kê xe quá tải dán logo. Trái lại, Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái phủ nhận lời khai trên.
Những cán bộ CSGT còn lại (ông Huỳnh Công Thắng, Phó Đội trưởng Đội CSGT An Lạc; ông Lê Văn Hải, Phó Đội trưởng Đội CSGT An Sương - Công an TP HCM…) đều quả quyết họ không quen biết các đối tượng. Tất cả CSGT cam kết không có hành vi nhận tiền bảo kê xe quá tải.
Không đủ căn cứ truy cứu (?)
Ông Nguyễn Minh Cảnh, cán bộ thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, thừa nhận quen biết và có nhậu cùng Thới vài lần. Có lần, ông Cảnh giúp Thới bằng cách can thiệp vào tổ công tác TTGT tỉnh Bình Dương để xin bỏ qua lỗi vi phạm. Dù vậy, ông Cảnh không nhận tiền. Tương tự, ông Trần Thanh Sơn, cán bộ thanh tra Sở GTVT TP HCM, giải thích ông từng giúp đỡ Lê Thị Cẩm Vân (đồng phạm với Thới) bỏ qua lỗi vi phạm vì nể nang, chứ không hề nhận tiền.
Thông qua nhận dạng, Lê Thị Cẩm Vân nhận ra ảnh ông Phan Minh Hải (Đội phó Đội 7, Thanh tra Sở GTVT TP), cán bộ thanh tra Sở GTVT TP HCM. Vân khai nhận bản thân đã trực tiếp gặp mặt ông Hải; những người còn lại Vân chỉ trao đổi qua điện thoại, giao tiền hối lộ cho người khác đưa.
Trần Trọng Nhân, đồng phạm khác của Thới và Vân, nhận ra ảnh ông Trần Trung Phương, cán bộ Đội 8, Thanh tra Sở GTVT TP HCM. Nhân khai báo giúp Vân đưa cho ông này 15 triệu đồng.
Như CSGT, tất cả cán bộ TTGT đều cam kết không có hành vi tiêu cực để bảo kê xe quá tải. Cơ quan điều tra kết luận pháp luật không đủ căn cứ truy cứu hành vi đưa hối lộ đối với những cán bộ trên. Tuy nhiên, việc khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các bị can về tội "Đưa hối lộ", "Môi giới hối lộ" là có căn cứ.
Từ 2,5-3 triệu đồng/logo "xe vua"
Giai đoạn 2014-2015, Nguyễn Văn Thới, Lai Thị Cẩm Vân cùng đồng phạm cấu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông qua tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, TP HCM góp tiền "bồi dưỡng" TTGT, CSGT với mục đích "né" xử phạt.
Nhóm tội phạm in logo có số "68" và chữ "Garage Thành Đô", "xe chở hàng"; rồi bán cho chủ xe, tài xế giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo.
Nhận gần 1,3 tỉ đồng, Nguyễn Cảnh Chân (khi đó làm việc ở Đội CSGT Số 1 - Công an tỉnh Đồng Nai) đồng ý bảo kê xe quá tải có dán lô gô do nhóm Thới bán ra thị trường. Khi xe quá tải có dán logo đi trên địa bàn do đơn vị Chân quản lý, Thới sẽ gọi điện báo Chân biết để xin không lập biên bản vi phạm.