Đức chặn “vũ khí khuấy đảo EU” của Nga
Hãng tin Reuters (Anh) ngày 14/11 đưa tin, Đức đã từ chối cho phép một lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga cập cảng Brunsbuttel ở miền Bắc nước này.
Trước đó, tờ Financial Times (Anh) cho biết, Bộ Kinh tế Đức ngày 6/11 đã chỉ thị cho Deutsche Energy Terminal (DET) – công ty nhà nước Đức chuyên quản lý các trạm nhập khẩu LNG qua đường thủy – không chấp nhận bất cứ lô hàng LNG nào của Nga, sau khi công ty này thông báo với Berlin rằng họ dự kiến sẽ tiếp nhận một lô hàng từ Nga vào ngày 10/11.
Bộ Kinh tế Đức giải thích rằng, mệnh lệnh này được ban bố để “bảo vệ lợi ích quan trọng nhất” của nước Đức, đồng thời kêu gọi các nhà điều hành cảng “từ chối các lô LNG của Nga cho tới khi có thông báo mới”.
Hiện chưa rõ ai đã đặt lô hàng lần này. Ba tàu chở LNG gần đây đã rời khỏi cơ sở LNG Yamal ở Nga.
“Lô hàng được chuyển tới Brunsbuttel. Có người đã thử vận may và dường như muốn kiểm tra xem Berlin sẽ phản ứng ra sao” – Một nguồn tin trong ngành LNG nói với Reuters, đồng thời lưu ý rằng đây có thể là “một chiêu trò PR chính trị”.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, từng là nước nhập khẩu LNG lớn nhất của Nga trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra chỉ đạo cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống đến Đức và các nước châu Âu khác, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chạy đua tìm kiếm giải pháp thay thế và xây dựng các bến LNG để tiếp nhận khí đốt bằng đường biển.
Theo FT, lô hàng ần này đến đúng vào thời điểm LNG đang được xem là “quân bài mặc cả” giữa Liên minh châu Âu (EU) với chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra ý tưởng thay thế LNG của Nga bằng nhiều nguồn LNG nhập khẩu từ Mỹ.
Đáng lưu ý, mặc dù chính phủ Đức “nói không” với LNG Nga, nhưng tập đoàn năng lượng quốc gia Safe của nước này vẫn đang duy trì hợp đồng dài hạn để nhập khẩu LNG từ cơ sở xuất khẩu Yamal (Nga), sau đó họ chuyển gần như toàn bộ nguồn cung LNG này tới một cơ sở nhập khẩu ở Pháp.
Tại đây, LNG được khí hóa và bơm và hệ thống đường ống khí đốt liên kết của của châu Âu. Nước Đức cũng đã bắt đầu nhận khí đốt qua đường ống từ Pháp vào tháng 10/2022.
Theo công ty về dữ liệu hàng hóa Kpler, EU nói chung vẫn tiếp tục nhập khẩu mạnh LNG từ Nga. Trong tháng 10/2024, dữ liệu từ website tin tức High North News của Trung tâm High North tại Đại học Nord (Na Uy) cho cho thấy lượng LNG của Nga được các nước châu Âu nhập khẩu đã phá vỡ kỷ lục trước đó.
Tính riêng năm nay, 68% tổng lượng LNG xuất khẩu của Nga được chuyển tới châu Âu, trong khi chỉ có 27% sang châu Á.
"Lượng LNG xuất khẩu của Nga sang châu Âu chưa bao giờ cao như vậy, trong khi lượng xuất sang châu Á lại đạt mức thấp nhất kể từ năm 2020" – High North News lưu ý. Có thể nói, “vũ khí năng lượng này của Nga” đang khuấy đảo châu Âu và đặt nhiều nước trong tình trạng báo động vì không thể đơn độc ứng phó.
Biến số quyết định nỗ lực của Đức
Trả lời tờ Gazeta (Nga), ông Andrey Kalachev đến từ Ủy ban năng lượng Duma Quốc gia Nga cho rằng, những nỗ lực của Berlin nhằm cấm nguồn cung cấp năng lượng từ Nga không còn tác dụng nữa bởi quyền lực ở Đức có thể sớm thay đổi, và đây là một biến số trong thời gian tới.
“Tôi chắc chắn rằng với tình hình hiện tại ở Đức và thế giới, sẽ không có phía nào phản ứng lại các tuyên bố của Berlin. Họ sẽ để chúng cứ thể trôi qua hoặc chờ thêm một thời gian nữa, bởi vào ngày 23/2 năm tới, nước Đức sẽ có một chính phủ khác” – Ông Kalachev nói, đề cập cuộc bầu cử sớm ở Đức vào đầu năm 2025.
Ông đồng thời lưu ý thêm rằng, lượng LNG của Nga sang châu Âu đang tăng lên, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời phó giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga Alexey Grivach nhận định, lệnh cấm LNG Nga của chính phủ Đức đang gây tổn hại đến chính người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này.
“Chính phủ Đức có thể hạn chế việc tiếp nhận LNG từ Nga nhưng chưa biết ai mới là người tổn hại khi họ làm như vậy, ngoài người tiêu dùng của chính đất nước họ - những người phải đi tìm một lô LNG khác và có thể chịu giá cao hơn” – Ông Grivach nêu.
Cùng quan điểm này, chuyên gia Igor Yushkov tại Đại học Tài chính và Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga cho biết, mặc dù bên ngoài thì cấm nhưng Đức thực chất vẫn mua LNG của Nga thông qua các bên trung gian, sử dụng quy trình tái khí hóa.
“Hóa ra chính phủ Đức đang ngăn cản dự án mà chính họ khởi xướng. Trước đó, giới lãnh đạo Đức nói rằng họ cần có các nhà ga để tiếp nhận LNG, và giờ thì họ không cho phép nạp LNG vào đó” – Ông Yushkov bình luận.
Theo tờ M24 (Nga), thực tế “châu Âu cần khí đốt của Nga” đã được chứng minh bằng tình hình hiện tại ở Đức.
Đức là quốc gia cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ 2 cho Ukraine kể từ đầu xung đột, chỉ sau Mỹ. Nước này đã chuyển giao cho Ukraine ít nhất ba tổ hợp phòng không Patriot cùng một số hệ thống Gepard, IRIS-T, và tự tin rằng chúng cho thể giúp Kiev ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga.
Tuy nhiên, có một cuộc chiến mà bản thân Đức đang phải vật lộn và chưa thể vượt qua được, đó là cuộc chiến kinh tế.
Mặc dù Nga “không làm gì nhiều” nhưng, việc thiếu năng lượng giá rẻ từ Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế cho Đức và tới nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để dù họ đã xây dựng khẩn cấp các nhà ga LNG bằng đường thủy vào năm 2023.
“Một trong những hậu quả gián tiếp của cuộc khủng hoảng này chính là sự tan vỡ gần đây của liên minh cầm quyền ở Đức” – M24 bình luận.