Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, chỉ tính riêng trong tháng 7 vừa qua, Quân đội Nga đã mất 1.415 hệ thống pháo binh với các cỡ nòng khác nhau, cả pháo kéo và pháo tự hành, tuy nhiên nguồn tin này chưa được xác minh độc lập.
Nếu những con số này là chính xác, thì đây sẽ là tổn thất nghiêm trọng nhất của lực lượng pháo binh Nga kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết thêm rằng, tổn thất đáng kể gần đây nhất của Nga là vào tháng 5/2024, với hơn 1.160 đơn vị bị phá hủy.
Dựa trên những số liệu từ phía Ukraine, tổn thất về pháo binh của Nga đã đạt mức cao nhất chỉ trong vòng ba tháng qua. Tổng cộng 4.032 đơn vị bị mất trong giai đoạn này và chiếm một phần tư tổng số tổn thất về pháo binh của Nga tại Ukraine, trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố đã phá hủy 16.056 đơn vị pháo binh Nga kể từ tháng 2/2022.
Vai trò quan trọng của pháo binh
Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, pháo binh đóng vai trò rất quan trọng, là phương tiện cung cấp hỏa lực tầm xa để hỗ trợ cho các hoạt động trên bộ. Pháo binh được sử dụng để bắn phá vào các vị trí chiến đấu, công sự và đường tiếp tế, nhằm làm suy yếu khả năng duy trì các hoạt động chiến đấu của đối phương.
Các hệ thống pháo binh đóng vai trò thiết yếu trong việc định hình chiến trường bằng cách cung cấp hỏa lực liên tục và tập trung. Chúng có thể phá vỡ đội hình chiến đấu, ý đồ tác chiến, phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng, tổn thất về sinh lực và vật chất, đồng thời tạo áp lực tâm lý cho lực lượng đối phương.
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, pháo binh cũng thường xuyên được sử dụng để kiểm soát các khu vực quan trọng. Bằng cách bao phủ khu vực này trong tầm bắn và hỏa lực, bên kiểm soát có thể ngăn chặn kẻ thù cơ động tự do hoặc tiếp cận các khu vực gần chiến tuyến, từ đó kiểm soát khả năng di chuyển và hoạt động của đối phương.
Các hệ thống pháo binh như lựu pháo, bệ phóng tên lửa, pháo tự hành có tính linh hoạt và cơ động cao, vì vậy mà chúng được sử dụng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau. Các hệ thống pháo binh có thời gian triển khai chiến đấu nhanh, phù hợp trong việc ứng phó với các tình huống chiến đấu thay đổi liên tục trên chiến trường, khiến chúng trở nên rất giá trị đối với cả hoạt động tấn công và phòng thủ.
Khả năng bắn khối lượng lớn hỏa lực trong một khoảng cách xa của pháo binh mang lại hiệu quả rất lớn trong chiến đấu, điều này cho phép các đơn vị nhỏ hơn có thể giao chiến với các đội hình lớn hơn của đối phương. Bên cạnh đó, pháo binh cũng cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho bộ binh và các đơn vị thiết giáp đang chiến đấu, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng sống sót của họ.
Việc sử dụng pháo binh với vai trò là hỏa lực phản pháo cũng đặc biệt cần thiết trong chiến đấu, các đơn vị pháo binh sẽ nhắm mục tiêu và vô hiệu hóa các vị trí pháo binh của đối phương. Điều này sẽ làm giảm áp lực từ hỏa lực của đối phương và bảo vệ cho các lực lượng khác trong đội hình chiến đấu giảm thiểu tình trạng bị bắn phá liên tục và phải chịu tổn thất.
Tuyên bố của Moskva
Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/7, họ được cho là đã phá hủy 12.535 hệ thống pháo binh và súng cối của Ukraine. Trong khi đó, các báo cáo của Kiev cho thấy, Nga đang mất hàng chục hệ thống pháo binh mỗi ngày và chịu tỷ lệ thương vong cao. Bất chấp những tổn thất này, Moskva vẫn tiếp tục tiến quân chắc chắn và đều đặn dọc theo các tuyến ở mặt trận phía đông và vẫn hoạt động mạnh gần biên giới đông bắc của Ukraine.
Ukraine cũng cho biết rằng, các trận chiến dữ dội nhất đang diễn ra ở phía tây thành phố Avdiivka của Donetsk, thành phố đã bị Quân đội Nga kiểm soát vào tháng 2/2024. Các lực lượng Nga đang nhắm vào các khu định cư quan trọng, được phòng thủ chắc chắn ở khu vực Donetsk.
Hệ thống pháo binh được Quân đội Nga sử dụng nhiều nhất
Quân đội Nga đã sử dụng rất nhiều các hệ thống pháo binh khác nhau trong cuộc xung đột với Ukraine. Những hệ thống được sử dụng phổ biến nhất có thể kể đến như 2S19 Msta-S - một loại pháo tự hành nổi tiếng về tính cơ động và hỏa lực; pháo kéo 2A65 Msta-B; BM-21 Grad - một hệ thống pháo phản lực phóng loạt và là khẩu pháo chính trong kho vũ khí của Nga suốt nhiều thập kỷ qua; 9A52-4 Tornado – một loại pháo phản lực phóng loạt hiện đại hơn, với uy lực khủng khiếp.
Những hệ thống pháo binh quan trọng khác gồm 2S7 Pion, một khẩu pháo tự hành có cỡ nòng lớn, lên tới 203mm, được thiết kế để bắn phá tầm xa. 2S3 Akatsiya, một khẩu pháo tự hành 152mm và BM-27 Uragan - hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng, cũng đã được triển khai rộng rãi trên chiến trường Ukraine. Các hệ thống này cung cấp sự kết hợp giữa tầm bắn, hỏa lực và tính linh hoạt, khiến chúng trở thành những tài sản có giá trị trên chiến trường.
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga sở hữu một kho vũ khí pháo binh khổng lồ, được thừa kế từ Liên Xô. Theo ước tính, Quân đội Nga có khoảng 4.500 khẩu pháo tự hành và khoảng 4.000 hệ thống pháo kéo. Ngoài ra, Nga còn sở hữu khoảng 3.800 hệ thống pháo phản lực phóng loạt. Kho vũ khí khổng lồ này là minh chứng quan trọng cho thấy vai trò to lớn của pháo binh trong học thuyết và hoạt động quân sự của Nga.