Vũ khí điên rồ nhất ở Thượng viện Mỹ khiến Obama khốn đốn, nay sẽ "hành hạ" Donald Trump?

Phạm Trang |

Rất nhiều người biết đến chính trường Mỹ với hình dung một nơi nhiều sóng gió và khắc nghiệt, tuy nhiên, ít ai biết nó còn tồn tại những chiêu trò khó tin, "cười ra nước mắt".

Vụ tăng điều hòa nhiệt độ trong buổi tranh luận trực tiếp của Richard Nixon và John Kennedy hay vụ những chiếc bàn phím chữ "H" trong Nhà Trắng bị tê liệt hoàn toàn khi George W. H. Bush (Bush cha) đắc cử tổng thống là những minh chứng đáng kể nhất.

Tuy nhiên, trang Daily Signal (Mỹ) cho hay, các chiêu đấu đá giữa những đối thủ cầm quyền hầu hết chỉ diễn ra trong bóng tối, duy chỉ có filibuster vốn được coi là "trò hề" trong các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ lại trở thành một thủ tục mà bất cứ ai nghe đến cũng phải bật cười.

Filibuster là gì?

Filibuster là thủ tục rất nổi tiếng của Thượng viện Mỹ, khá tương đồng với tranh luận không giới hạn (unlimited debate): Quyền được nói cho đến khi kiệt sức.

Tranh luận không giới hạn nhằm mục đích kéo dài và trì hoãn Thượng viện bước vào thủ tục bỏ phiếu để thông qua các đề xuất trong các phiên thảo luận, nhằm vô hiệu hóa những đề xuất mà các thượng nghị sĩ trong Quốc hội không ủng hộ.

Filibuster là một dạng thức của tranh luận không giới hạn, nhưng được đẩy lên một tầm bi hài cao hơn. Ở đó, các thượng nghĩ sĩ có quyền nói không ngừng nghỉ trong suốt khoảng thời gian cuối phiên họp để chiếm lấy thời gian phản biện của phe đối lập.

Trong suốt thời gian nói, người thuyết trình không được sử dụng bất cứ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, không được ngồi và không được… ngừng nói! Filibuster được coi là vũ khí lợi hại để tiêu diệt các dự luật được đem ra thảo luận trong những phiên họp Quốc hội.

Tại Mỹ năm 1957, thượng nghị sĩ Strom Thurmond của bang South Carolina gây chấn động với bài phát biểu liên tục trong 24 tiếng 18 phút để phản đối Đạo luật quyền công dân (Civil Rights Act).

Ông thậm chí đã vào phòng xông hơi để đẩy lượng nước trong cơ thể ra nhằm trì hoãn việc phải đi vệ sinh, và bố trí một thực tập sinh cầm chiếc xô đứng ngay bên cạnh để ông có thể "giải quyết nhu cầu cá nhân" nhanh gọn khi xảy ra trường hợp nguy cấp nhất.

Cho đến bây giờ, bài phát biểu này vẫn là kỷ lục "độc diễn" filibuster lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Năm 2013, thượng nghĩ sĩ Rand Paul của đảng Cộng hòa bang Kentucky đã thực hiện bài phát biểu của mình dài tới 13 tiếng đồng hồ nhằm phản đối dự luật sử dụng máy bay không người lái để tấn công vào các mục tiêu.

Ông cho rằng, việc sử dụng máy bay do thám để tiêu diệt các căn cứ có thể nố ra tranh cãi trong Thượng viện và gây lo ngại về nợ quốc gia tăng cao.

Mặc dù không thể phá vỡ được kỷ lục của Strom Thurmond như ông đã tuyên bố, nỗ lực của ông đã gây ra được sự đồng thuận lớn ở các thượng nghị sĩ khác, trong đó bao gồm Lãnh đạo thiểu số Mitch McConnell.

Họ đã xuống sàn nhà cùng ông, sử dụng hết khối thời gian để nói về các trích dẫn của Ronald Reagan hay... Shakespeare.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio của bang Florida còn đọc lại trích dẫn từ tiểu thuyết "Bố già" và cả của rapper Jay-Z.

Vũ khí điên rồ nhất ở Thượng viện Mỹ khiến Obama khốn đốn, nay sẽ hành hạ Donald Trump? - Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ Rand Paul trả lời phỏng vấn sau màn filibuster. Ảnh: AP

Bài học gì cho đảng Dân chủ đang thất thế?

Việc Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cùng với chiến thắng của đảng Cộng hòa trong lưỡng viện Quốc hội có thể đẩy đảng Dân chủ rơi vào tình thế bị động. Tuy nhiên, phe Dân chủ hoàn toàn có thể áp dụng filibuster như chính đảng Cộng hòa đã làm dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Trong suốt 8 năm nhiệm kì của Obama, đảng Cộng hòa đã thực hiện công cuộc "phá hủy" 12 dự luật mà Tổng thống và các đồng minh Dân chủ đưa ra thảo luận. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến Đạo luật về việc làm toàn dân (American Jobs Act).

Đây vốn là một đạo luật nằm trong kế hoạch của ông Obama được trình ra Quốc hội tháng 9/2011. Trong đó, ông sẽ giảm thuế đánh trên mức lương bổng của người dân, chú trọng tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp qua các biện pháp xây dựng đường sá, phát triển hệ thống trường học và thu nhận các giáo viên đã bị cho nghỉ việc.

Tại cuộc họp Quốc hội, Obama dành gần 40 phút để nói về tầm quan trọng của dự luật này đối với kích thích nền kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân. Tuy nhiên, dự luật này rơi vào bế tắc bởi đa số đảng viên Dân Chủ không vượt qua được sức ép filibuster của phe Cộng Hòa và kết cục là thất bại 50-49 khi bỏ phiếu.

Thực tế này cho thấy ngay cả sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 kết thúc với thắng lợi thuộc về đảng Cộng Hòa thì đảng Dân Chủ vẫn có cơ hội lật ngược thế cờ bằng cách áp dụng filibuster để "gậy ông đập lưng ông".

Việc sử dụng filibuster trong Thượng viện có thể gây ảnh hưởng lớn tới việc quyết định các chính sách của Trump như vấn đề nhân sự hoặc việc ban hành các dự luật.

Không chỉ vậy, đảng Dân chủ còn có thể tận dụng sự ủng hộ đến từ các thành viên Cộng hòa ngầm phản đối Trump, cũng như tầm ảnh hưởng sẵn có trong Tòa án Tối cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại