Thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ đồng nghĩa với việc Bắc Kinh không thể "ăn miếng trả miếng" mãi với Washington bằng cách áp thuế lên hàng hóa. Lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ ít hơn nhiều so với lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, vào năm 2017, Mỹ nhập 506 tỷ USD hàng Trung Quốc nhưng Trung Quốc chỉ nhập khoảng 130 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Ông Trump mới đây "đe" sẽ áp thuế quan bổ sung lên thêm 276 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa, bên cạnh 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sắp bị Mỹ áp thuế bổ sung, và 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã bị Mỹ đánh thuế cao hơn.
Trung Quốc luôn thề đáp trả tương xứng các kế hoạch đánh thuế hàng hóa của Mỹ. Nhưng có thể thấy, với 50 tỷ USD hàng Mỹ đã bị Trung Quốc đánh thuế bổ sung, cộng thêm một kế hoạch áp thêm thuế lên 60 tỷ USD hàng Mỹ còn chưa triển khai, Bắc Kinh hầu như không còn "dư địa" trong kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ để áp thuế.
Thực tế này dẫn đến việc một số nhà phân tích nói rằng Trung Quốc sẽ dùng đến các "vũ khí" phi thuế quan để đấu lại Mỹ. Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, việc sử dụng những biện pháp như vậy có thể "phản đòn" đối với chính sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc:
Phá giá đồng Nhân dân tệ…
Theo các chuyên gia kinh tế, phá giá Nhân dân tệ là một cách mà Trung Quốc có thể sử dụng để giúp hàng hóa xuất khẩu của nước này rẻ đi và hấp dẫn hơn, theo đó bù đắp tác động tiêu cực do thuế quan gây ra.
Từ giữa tháng 4 đến nay, Nhân dân tệ đã mất giá khoảng 8% so với USD. Các chuyên gia của TS Lombard tin rằng mức thuế bổ sung 25% áp lên hàng hóa Trung Quốc "sẽ gây thiệt hại cho nước này tới mức Bắc Kinh có thể phải giảm giá đồng Nhân dân tệ thêm 15% trong vòng khoảng 6 tháng tới để bù lại".
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã giảm giá đồng Nhân dân tệ hết mức có thể rồi, và việc phá giá đồng tiền thêm nữa có thể gây hại cho chính Trung Quốc.
"Đó chính là điều mà Trung Quốc lo ngại", nhà phân tích cấp cao Josef Jelinek thuộc Frontier Strategey Group nhận định. "Nếu đồng Nhân dân tệ giảm giá quá nhanh, quá xa, giới đầu tư sẽ hoảng sợ và Trung Quốc có thể chứng kiến dòng vốn tháo chạy mạnh mẽ, điều mà họ không hề muốn xảy ra vào thời điểm hiện nay.
Còn nhớ hồi năm 2015, Trung Quốc giảm giá Nhân dân tệ khoảng 4% chỉ trong vòng có vài ngày, đánh dấu cú phá giá mạnh nhất của đồng tiền này trong 20 năm, khiến thị trường toàn cầu hoảng loạn. Dòng vốn ồ ạt chảy khỏi Trung Quốc sau đó đã khiến Bắc Kinh phải "đốt" hơn 1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ.
Trên thực tế, hồi cuối tháng 8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã áp dụng trở lại "nhân tố chống chu kỳ" trong việc thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng Nhân dân tệ. Đây được xem là một biện pháp hỗ trợ tỷ gái Nhân dân tệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.
Ngân hàng Mizuho nhận định động thái trên của PBoC "có thể là một tín hiệu về chính sách làm cho Nhân dân tệ tăng giá", và thậm chí được xem như một "hành động thiện chí của Trung Quốc đối với phía Mỹ".
… hay nhằm vào các công ty Mỹ?
Một biện pháp khác có thể được sử dụng là Bắc Kinh sẽ nhằm vào các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ gia tăng các quy chế giám sát đối với các doanh nghiệp Mỹ, cản trở quy trình cấp visa và chuyển tiền ra vào Trung Quốc, tăng thuế đối với công ty nước ngoài, và hỗ trợ các công ty trong nước.
Hiện ở Trung Quốc còn chưa diễn ra một chiến dịch "tẩy chay" nhằm vào hàng hóa và công ty Mỹ như những gì đã xảy ra với hàng hóa và các công ty Hàn Quốc hồi năm 2017 - khi Bắc Kinh "nổi giận" vì việc Seoul triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ.
Cách làm này có thể gửi đi một thông điệp rõ ràng, nhưng cũng có khả năng cản trở dòng vốn đầu tư mới vào Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã rơi vào tình trạng giảm tốc tăng trưởng như hiện nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù có cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ hay không, thì kinh tế Trung Quốc cũng đã phải chật vật ứng phó với nhiều rào cản tăng trưởng ở thời điểm này.
"Cần phải nói rằng những khó khăn tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc bắt nguồn từ trong nước chứ không phải do thuế quan của Mỹ", ông Jenilek nói.
Thay vào đó, những thách thức đó đến từ hai nhân tố. Một là nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong 5 tháng qua nhằm siết chặt tín dụng và bình ổn mức nợ cao trong nền kinh tế. Và hai là chính quyền các địa phương Trung Quốc cắt giảm mạnh đầu tư công.
"Bởi thế mà Trung Quốc giờ đây đang phải cố giữ thế cân bằng khó khăn, một mặt vừa duy trì chiến dịch giảm nợ, mặt khác phải chống đỡ với những yếu tố nền tảng yếu đi và căng thẳng thương mại", ông Jenilek nhận định.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể đang cho rằng hệ thống phát triển kinh tế có định hướng của nhà nước mà nước này theo đuổi đang bị Mỹ tấn công, nên Bắc Kinh sẽ quyết tâm bảo vệ hệ thống đó bằng mọi giá - theo chuyên gia kinh tế trưởng Charles Dumas của TS Lombard.
"Sự thách thức thương mại của Mỹ đã bị xem là thách thức đối với hệ thống kinh tế của Trung Quốc. Cả hai bên giờ đây đã ở vào một vị thế mà sự nhượng bộ là điều khó có thể xảy ra, ít nhất trong ngắn hạn", vị chuyên gia nhận định.
Theo ông Lombard, trong tương lai gần, hệ thống kinh tế của Trung Quốc sẽ không đối mặt với một nguy cơ sống còn nào, nhưng rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế nước này sẽ ở mức cao. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ có tác động mạnh đến các thị trường mới nổi và các nước xuất khẩu dầu ở khu vực Trung Đông, và một đồng Nhân dân tệ giảm giá thêm sẽ gây vấn đề lớn đối với các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản.