Xung quanh chủ đề "khán giả nuôi nghệ sĩ" suốt những ngày qua, trên mạng đã "nổ" ra một cuộc "khẩu chiến" giữa khán giả với nghệ sĩ và giữa chính những người làm nghề với nhau. Ai cũng có lý lẽ và quan điểm riêng của mình nhưng những cách nghĩ khác nhau khiến người này làm tổn thương người kia.
Là một trong những tên tuổi lớn của giới nghệ sĩ phía Nam cả về tuổi nghề cũng như uy tín, NSƯT Hữu Châu bày tỏ rằng, trong nghề này, "tình thương dẫn đến sự trân quý".
NSƯT Hữu Châu
Đồng thời, anh tâm sự: "Câu chuyện nghệ sĩ - khán giả khiến tôi nhớ lại những đám tang của gia đình mình. Từ đám tang của má Ba (cố NSƯT Thanh Nga), của ba tôi đến em trai tôi (nghệ sĩ Hữu Lộc), rất đông khán giả đưa tiễn và bày tỏ lòng thương tiếc.
Đến bây giờ, má Ba ra đi hơn 40 năm, Hữu Lộc mất 11 năm mà mỗi lần tôi đăng hình đám giỗ khán giả vẫn nhớ, vẫn chia sẻ và bày tỏ tình yêu thương.
Từ đó, có thể thấy khán giả không chỉ yêu mến nghệ sĩ mà còn yêu mến nghệ thuật, yêu mến sân khấu cải lương. Những tình cảm đó, chúng tôi hết sức trân trọng. Đó là tình thương khán giả dành cho chúng tôi. Và gia đình chúng tôi cũng phải yêu thương, quý trọng khán giả như thế nào để mấy chục năm trời họ vẫn còn thương quý như vậy.
Anh nhắn nhủ: "dù có những ý kiến trái chiều, nhưng nói gì thì nói, đừng làm tổn thương nhau"
Nếu cái nghề này nghiệt ngã, mối quan hệ khán giả - nghệ sĩ không tình cảm như vậy thì đâu đi đến đời thứ 3 là tôi vẫn còn theo nghiệp hát. Nghệ sĩ đi hát phải có khán giả. Không có khán giả thì ai coi? Nghệ sĩ thông qua tác phẩm của mình truyền cảm xúc đến khán giả. Khán giả là người đi tìm cảm xúc để giải tỏa, họ và nghệ sĩ đồng điệu với nhau để lan tỏa cảm xúc đẹp.
Dù có những ý kiến trái chiều, nhưng nói gì thì nói, đừng làm tổn thương nhau. Nghề hát, theo tôi, phải có tình thương. Tình thương buộc nghệ sĩ phải trân quý những gì mình đang có..."