Vụ khán giả livestream lén "Cô Ba Sài Gòn" để câu like: Sẽ còn bao nhiêu đứa trẻ 20 tuổi trót dại?

Hoàng Anh Tú |

Bạn nghe có quen không? Có bao nhiêu "đứa trẻ 20 tuổi" như cậu trai này trong cuộc sống thường ngày ở xứ mình - nơi trăm cái lý không bằng tí cái tình.

Hôm nay, cậu trai 20 tuổi ở Vũng Tàu nhắn cho Ngô Thanh Vân: "Vì thực sự chỉ muốn câu like và comment mà không nghĩ đến sự việc… đây là lần đầu và cũng là lần cuối. Em còn nhỏ tuổi nên chưa nhận ra mức nghiêm trọng đến như vậy".

Bạn nghe có quen không? Có bao nhiêu "đứa trẻ 20 tuổi" như cậu trai này trong cuộc sống thường ngày ở xứ mình - nơi trăm cái lý không bằng tí cái tình, luật pháp dễ bị bỏ qua với hàng trăm lý do khác nhau?

Vụ khán giả livestream lén Cô Ba Sài Gòn để câu like: Sẽ còn bao nhiêu đứa trẻ 20 tuổi trót dại? - Ảnh 1.

Cậu bé 20 tuổi bị bắt và đưa đến đồn công an vì livestream lậu phim Cô ba Sài Gòn.

Khoan nói đến những thứ "vĩ mô" như luật pháp Việt Nam có giá trị thế nào với người dân Việt Nam, có khiến người dân sợ và tuân thủ hay không, nghiêm minh đến đâu và có tác dụng đến thế nào?

Chỉ nói đến những chuyện nhỏ thôi, như những đứa trẻ 3 tuổi nằm lăn ra ăn vạ bố mẹ mà chúng ta gặp mỗi ngày mà bố mẹ phải chịu mà chiều theo.

Chỉ nói đến những chuyện nhỏ thôi, trong các quán cà phê, không gian công cộng, lũ trẻ con ngay trong tầm mắt bố mẹ nhưng vẫn tha hồ nghịch phá, bẻ cành, ngắt hoa, tè bậy hay giật đồ của đứa trẻ khác.

Bố mẹ nhìn thấy chỉ lườm yêu hoặc quát tháo một hồi rồi… kệ: Trẻ con mà! Thậm chí có nhiều bậc cha mẹ còn hân hoan khi con mình đánh lại bạn nào bắt nạt nó. Rằng "nó hơi bị gấu đấy". Hay nhiều cha mẹ cổ vũ cho con mình được quyền đánh lại đứa bạn nào bắt nạt con.

Và cho đó là sự yên tâm con mình mai này sinh tồn được trong một xã hội nhiều bạo lực như thế. Tôi không hiểu! Thực sự là không hiểu rồi mai này, khi những đứa trẻ ấy 20 tuổi chúng sẽ còn "trót dại" như cậu trai Vũng Tàu kia không?

20 tuổi, có nghĩa là đã trải qua ít nhất 12 năm học hành dưới mái trường nhưng nghe những gì cậu trai Vũng Tàu nói thì dường như 12 năm đèn sách đó cậu chỉ được học những Toán, Văn, Lý, Hoá… nên cậu mới "em còn nhỏ tuổi nên chưa nhận ra mức nghiêm trọng đến như vậy".

Tôi cũng từng 20 tuổi như cậu, tôi xác nhận điều đó, rằng 12 năm đèn sách và kể cả 4 năm đại học, tôi cũng sẽ "trót dại" như cậu thôi nếu như tôi không tự tìm đọc những kiến thức về luật pháp. Và tôi chắc rằng 22 triệu sinh viên Việt Nam rất nhiều người mờ mịt như tôi, như cậu trai Vũng Tàu này.

Đừng chỉ đổ lỗi cho giáo dục Việt Nam vì nhìn lại kỹ sẽ thấy rằng nhà trường dù có dạy bao nhiêu nhưng cha mẹ đã thiếu tôn trọng luật pháp thì con cái sẽ tiếp nhận luật pháp như một thứ bị ép học và chả có giá trị gì sau này.

Nhưng vẫn phải trách giáo dục Việt Nam vì những gì họ làm là chưa đủ.

Ta sẽ lại thấy ngoài kia, chỉ cần xuống phố một buổi, đếm đi sẽ thấy bao nhiêu người Việt không coi trọng luật pháp.

Khi mà biển cấm hút thuốc ở mọi nhà hàng đều có nhưng vì "tổ dân phố bắt treo biển thôi" chứ hút thì tự do. Khi mà hôm trước một bà mẹ đèo 2 con không đội mũ bảo hiểm đi ngược chiều nhưng vẫn nói rằng mình đi bên phải là đúng dù đi ngược chiều.

Bà không hiểu luật nhưng bà vẫn vô tư lái xe đi khắp nơi như thế. Khi mà nhiều vị quan chức hẳn hòi, khi phạm pháp đều bao biện rằng "do nhận thức chưa đầy đủ". Khi mà cả những người làm công tác cán bộ phường, xã, quận cũng biết luật nhưng vẫn phạm luật.

Vụ khán giả livestream lén Cô Ba Sài Gòn để câu like: Sẽ còn bao nhiêu đứa trẻ 20 tuổi trót dại? - Ảnh 2.

Trên mạng xã hội hôm nay, nhiều hot facebooker lẫn các đạo diễn danh tiếng nhất cũng kêu gọi phải xử làm gương cậu trai 20 tuổi ở Vũng Tàu. Tôi cũng nghĩ cần phải xử nhưng không phải để làm gương.

Vì một đặc tính rất đau lòng ở ta là tính mau quên. Hôm qua chúng ta vừa rần rần lên án Minh Béo nhưng hôm nay nhiều người đã quên rồi.

Bằng chứng là cuốn sách "30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại" lại không còn hot nữa rồi. Nhưng chỉ cần rộ lên một câu chuyện tương tự Minh Béo thôi, cuốn sách sẽ lại hot trở lại.

Nó không phải là chuyện bán được bao nhiêu cuốn sách mà nó là việc chúng ta vốn chẳng coi chuyện xâm hại là chuyện thường trực quan tâm.

Giống như chuyện livestream này, xử xong cậu trai Vũng Tàu ở địa hạt phim chiếu rạp thì còn địa hạt sân khấu ca nhạc thì sao?

Các chương trình nghệ thuật biểu diễn thì sao? Hay sẽ có nhiều người (như tôi thấy trên mạng xã hội) chép miệng mà rằng: "Ối dào, bà Ngô Thanh Vân lại bày ra scandal để câu kéo người xem như vụ Tấm Cám tố CGV vậy mà".

Hay "Đụng vào nồi cơm của các đạo diễn nên họ cứ hoắng lên thế thôi. Phim hay người ta tự đến rạp xem chứ livestream thế có mất mát gì đâu. Càng quảng bá cho phim tốt hơn".

Rồi, không biết có thật không, có những comment rằng: "Tôi đang ở Mỹ, không lẽ bắt tôi bỏ ra đến hàng ngàn USD để bay về Việt Nam xem phim à? Livestream cho những người xa quê đói khát phim Việt như tôi chứ".

Trời ạ, người ta có đến hàng nghìn lý do để nói không với pháp luật như thế!

Donald Trump - một vị tổng thống đang được 58% người Việt được hỏi nói là yêu thích là một người đang chiến đấu chống lại những tổn thất với nước Mỹ. Mà trong đó là bản quyền. Chúng ta cứ muốn được làm ăn với Mỹ nhưng chúng ta chỉ thích dùng chùa những sản phẩm của họ.

Và sẽ không chỉ nước Mỹ, nhiều quốc gia khác nữa cũng sẽ không ai còn muốn đưa sản phẩm của họ đến Việt Nam chừng nào chúng ta còn "khôn lỏi" và thiếu tôn trọng luật pháp như thế!

Chuyện "đứa trẻ 20 tuổi" trót dại rồi sẽ "đánh người chạy đi không đánh kẻ chạy lại", rồi sẽ nhận được những khoan hồng. Tôi nghĩ điều đó cũng là hợp lý và nhận được nhiều sự đồng tình khi mà cơn giận dữ của mạng xã hội đi qua.

Chỉ là những điều còn đọng lại vẫn sẽ là câu chuyện nhờn pháp luật và những tâm huyết như Ngô Thanh Vân sẽ leo lét và tắt hẳn. Và lại nói như người dân làng Vũ Đại "chắc nó chừa mình ra" và mình chả liên quan gì đến chuyện nhờn pháp luật hay chuyện bị livestream một sản phẩm nghe nhìn…


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại