Vụ hot girl bán hàng dạy luôn ngữ pháp cho khách: Câu thế nào mới đủ chủ ngữ, vị ngữ?

Oct |

Cô nàng hot girl Trương Hoàng Mai Anh đang gây sốt cộng đồng mạng vì "thương vụ" bán hàng kèm luôn khoá học về ngữ pháp tiếng Việt. Bỏ qua vấn đề nên hay không nên, nhưng mà chưa chắc nàng dạy đã đúng đâu.

Câu chuyện về cô nàng hot girl Trương Hoàng Mai Anh bán quần áo "bonus" thêm cả khóa học ngữ pháp cho khách có lẽ vẫn đang thu hút sự quan tâm của đa số các bạn trẻ.

Để tóm tắt thì là thế này: Cô nàng mặc quần áo xinh đẹp dễ thương đăng hình lên Instagram. Khách hàng trông thấy thì thích lắm, bình tĩnh vào inbox hỏi xem có bán không, kèm theo một chữ "ạ" rất to cuối câu.

Nhưng chẳng ngờ, câu trả lời của Mai Anh không được bình tĩnh cho lắm. Cô phản ứng có phần gay gắt, bắt bẻ ngữ pháp, rằng "Hỏi ai?", câu cú không đủ chủ vị, kèm thêm một màn giảng giải về phép lịch sự tối thiểu "là nói phải có chủ ngữ".

Vụ hot girl bán hàng dạy luôn ngữ pháp cho khách: Câu thế nào mới đủ chủ ngữ, vị ngữ? - Ảnh 1.

Trích đoạn cô nàng hot girl trả lời khách đang khiến cư dân mạng sục sôi

Vụ hot girl bán hàng dạy luôn ngữ pháp cho khách: Câu thế nào mới đủ chủ ngữ, vị ngữ? - Ảnh 2.

Một câu hỏi khác cũng vô tình khiến Mai Anh "nộ khí xung thiên"

Ở đây chúng ta sẽ không bàn đến chuyện quan điểm, cũng như việc cô nàng trả lời khách cũng cộc lốc vô cùng (vì dù sao cũng bàn luận nhiều rồi ).

Đầu tiên, chủ ngữ, vị ngữ là "cái gì" thế?

Trong sách dạy tiếng Việt mà có lẽ ai trong chúng ta cũng từng học qua, thì chủ ngữ là bộ phận thứ nhất trong câu, nêu ra người hay sự vật thực hiện hành động, gây ra sự việc của câu.

Trong phần lớn các trường hợp, chủ ngữ là danh từ hoặc đại từ, nhưng đôi lúc tính từ hoặc động từ cũng có thể làm chủ ngữ được.

Có thể lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu:

- Tôi đi học! (Tôi là chủ ngữ, đi học là vị ngữ)

- Lao động là vinh quang (Lao động là động từ, nhưng vẫn là chủ ngữ)

Chúng ta thử mổ xẻ câu hỏi của khách hàng xem sao

Vụ hot girl bán hàng dạy luôn ngữ pháp cho khách: Câu thế nào mới đủ chủ ngữ, vị ngữ? - Ảnh 3.

Đầu tiên là câu "Set này có bán không ạ?" đã khiến cô nàng nóng mặt. Nếu phân tích theo đúng định nghĩa, chủ ngữ ở đây là "Set này" (set là từ tiếng Anh, nghĩa là "bộ"), vị ngữ là "có bán không ạ?".

Nghĩa là sao? Nghĩa là nếu như yêu cầu câu hỏi phải đầy đủ chủ vị, thì câu hỏi của vị khách là hoàn toàn hợp lý.

Tương tự là câu "áo hồng có bán không ạ?". Với câu hỏi này, "áo hồng" là chủ ngữ, "có bán không ạ" là vị ngữ. Nghĩa là nếu bắt bẻ về chuyện chủ ngữ thì rất tiếc, cô nàng Mai Anh đã lại sai mất rồi.

Vụ hot girl bán hàng dạy luôn ngữ pháp cho khách: Câu thế nào mới đủ chủ ngữ, vị ngữ? - Ảnh 4.

Như đã nêu, chúng ta sẽ không đề cập đến chuyện thái độ nên hay không nên. Nếu cần bổ sung, thì cái cần có là "đại từ nhân xưng" (chị, bạn, cậu, tớ...) hoặc "danh từ riêng" (Mai Anh, Mai Anh à...), vậy sẽ đúng chuẩn tiếng Việt.

Bàn thêm một chút về vấn đề lịch sự của chữ "ạ"

Trong từ điển tiếng Việt, chúng ta có định nghĩa về chữ "ạ" như sau:

"ạ": trợ từ - từ đệm biểu thị ý kính trọng hoặc thân mật khi nói chuyện (thường dùng ở cuối câu hoặc sau từ chỉ người nói chuyện với mình).

Điều này có nghĩa rằng khi trò chuyện, việc sử dụng từ "ạ" cuối câu là hoàn toàn chấp nhận được, nhất là khi nói chuyện với người lớn tuổi hơn.

Chữ "ạ" sẽ có vai trò trợ từ, giúp câu hỏi trở nên không cộc lốc và lịch sự hơn. Với một người không rõ tuổi tác, chữ "ạ" cũng mang hàm ý khiêm nhường, tránh tỏ vẻ bề trên.

Còn nữa, trong một số trường hợp việc nêu thẳng tên ra cũng bị xem là bất lịch sự. Ví dụ như hai câu này, bạn nghĩ câu nào lịch sự hơn: "Set này bao nhiêu ạ?", và "Mai Anh, bộ này bao nhiêu?" (thêm Danh từ riêng và bỏ "ạ" theo đúng yêu cầu của cô nàng).

Bạn nghĩ sao về vấn đề này, hãy để lại bình luận phía dưới nhé!

Tham khảo: Từ điển tiếng Việt, Hồ Ngọc Đức - Dự án Từ điển tiếng Việt miễn phí

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại