Vụ hối lộ lớn bậc nhất lịch sử Việt Nam vì sao thất bại?

Đặng Tuấn |

Hàn Phi Tử người Trung Quốc từng nói: “Bản chất của con người là tư lợi”. Câu nói đó có thể đúng trong rất nhiều trường hợp, nhưng với riêng Tô Hiến Thành thì không.

Quyền mưu của Chiêu Linh Hoàng hậu

Vua Lý Anh Tông càng ngày càng sủng ái bà nguyên phi họ Từ, điều đó khiến máu "Hoạn Thư" trong người Chiêu Linh Hoàng hậu sôi sục.

Khi ấy, thái tử Long Xưởng vốn là tay chơi khét tiếng với thú vui bệnh hoạn, thông dâm với những cung nữ được vua cha yêu dấu.

Thấy con như vậy, hoàng hậu không những không răn dạy con, mà còn xúi giục Long Xưởng đi quyến rũ bà nguyên phi họ Từ, để mong bà phi kia vì có tư tình riêng mà lạnh nhạt với nhà vua. Khi ấy, hoàng hậu sẽ có cơ hội giành lại "trái tim rồng".

Nhưng đúng là người tính không bằng trời tính.

Long Xưởng giở ngón tư tình để mê hoặc nguyên phi, ai ngờ bà chẳng chịu im lặng giống như những cung nữ khác. Trước sự xấc xược của thái tử, bà chạy đến bên vua kể lại hết sự tình.

Tiếng sét đánh ngang tai, vua Lý Anh Tông chết lặng.

Giận dữ vô cùng, nhà vua xuống chiếu phế ngôi Thái tử của Long Xưởng, đẩy xuống làm hạng thứ dân và bắt giam vào ngục tối.

Chiêu Linh Hoàng hậu biết chuyện thì đã quá muộn. Lòng ân hận vì ghen tuông mù quáng khiến con mất cả ngôi báu sau này. Không muốn mất cả chì lẫn chài, Chiêu Linh Hoàng hậu quyết bày mưu tính kế đoạt lại ngôi thái tử cho con.

Vụ hối lộ lớn bậc nhất lịch sử Việt Nam vì sao thất bại? - Ảnh 1.

Tô Hiến Thành - ánh trăng sáng trong đêm đen

Vua ngày càng một yếu mà ngôi thái tử vẫn còn bỏ trống, khiến cho cả triều đình lo lắng.

Đại Việt sử ký toàn thư chép lại rằng, trong lúc vua đang buồn rầu thì bỗng "có nội nhân ẵm Long Trát ra, thấy vua đội mũ, khóc đòi đội, Vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Vua bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, ý lập Long Trát làm Thái tử bèn quyết định".

Vụ hối lộ lớn bậc nhất lịch sử Việt Nam vì sao thất bại? - Ảnh 2.

Vua trở bệnh ốm nặng, Chiêu Linh Hoàng hậu thấy Long Trát còn nhỏ, khó lòng đảm đương được việc nước. Bèn đến bên Vua xin lập lại Long Xưởng làm Thái tử.

Vua Lý Anh Tông nghe lời hoàng hậu xong nói: "Làm con bất hiếu còn trị dân sao được?".

Vua mất, di chiếu lại quan quyền nhiếp chính Tô Hiến Thành giúp lập Thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ.

Bấy giờ, Chiêu Linh được tôn lên làm hoàng thái hậu vẫn chưa bỏ ý định lập lại thái tử. Nắm bắt tâm lý chung của đàn ông là dễ vì người mình yêu mà mềm lòng, hoàng thái hậu mang vàng bạc đến gặp vợ của Tô Hiến Thành là Nữ thị.

Vụ hối lộ lớn bậc nhất lịch sử Việt Nam vì sao thất bại? - Ảnh 3.

Trước những thỏi vàng sáng lấp lánh, Nữ thị mờ mắt vội nhận lời Chiêu Linh sẽ tác động đến Tô Hiến Thành để khiến ông thay đổi quyết định, làm chuyện phế lập.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục tập 1 có ghi lại khi Tô Hiến Thành biết chuyện, đã cầm ngày số vàng bạc ấy đem trả lại Chiêu Linh Hoàng thái hậu và khẳng khái nói:

"Ta là đại thần, nhận mệnh lệnh để lại của tiến đế, phò giúp ấu chúa, nếu nay nhận của lót mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng?"

Trước sự khẳng khái của Tô Hiến Thành, Chiêu Linh vẫn không từ bỏ ý định, dùng trăm cách ngon ngọt dỗ dành. Nhưng Tô Hiến Thành vẫn một mực từ chối và trả lời rằng:

"Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, có lẽ nào hàng trung thần, nghĩa sĩ lại vui lòng mà làm được, huống chi lời tiên đế hãy còn văng vẳng bên tai! Thái hậu chẳng nghe nói về chuyện Y Doãn và Hoắc Quang đấy ư? Tôi đây không dám vâng lời".

Không mua được tấm lòng trung trinh của Tô Hiến Thành, Chiêu Linh Hoàng Thái hậu quyết mua chuộc quan lại trong triều để họ gây sức ép nên Tô Hiến Thành.

Đại Việt sử ký toàn thư lại chép: Hết quốc tang, hoàng thái hậu ban yến cho các quan ở biệt điện và bảo rằng: "Hiện nay tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc cướp biên.

Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại Thái tử, để vận nước được lâu, lòng dân được yên".

Các quan đều chắp tay cúi đầu nói: "Thái phó nhận mệnh lệnh rõ ràng của Thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái lệnh". Sau đó, tất cả đều lạy tạ rồi lui ra.

Đến đây, Chiêu Linh Hoàng thái hậu mới chịu buông xuôi chuyện phế lập. Tô Hiến Thành khi ấy, quản lĩnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục.

Lời bình

Người làm quan sáng như Tô Hiến Thành xưa nay thật hiếm. Cho dù giàu sang phú quý bày trước mặt cũng không thay đổi tầm lòng son sắt trung trinh.

Còn Chiêu Linh Hoàng Thái hậu chẳng từ thủ đoạn nào để mưu lợi cho bản thân, sẵn sàng xúi con làm chuyện vô đạo, hối lộ cho vợ Tô Hiến Thành, lấy lòng yêu nước để tô vẽ cho mưu đen của mình.

Sự đối nghịch của Chiêu Linh và Tô Hiến Thành là sự đối đầu của hai nhân cách, của thấp hèn và cao thượng, của gian tà và trung nghĩa, của ích kỉ với chí công.

Xưa Tô Hiến Thành vẫn thường đọc sử để tự răn mình. Nay hậu thế đọc về cuộc đời của ông, để biết được những đạo lý sống tốt đẹp nên có ở mỗi người.

Nguồn tham khảo:

Việt sử giai thoại – Tập 2 – 51 giai thoại thời Lý – NXB Giáo dục, ấn bản năm 2007; Trang 46; 47; 48; 49; 50; 51

Khâm định Việt sử thông giám cương mục – NXB Giáo dục, ấn bản năm 2007; phần Chính biên – quyển thứ IV, trang 295, 396, 397, 398, 399

Đại Việt sử ký toàn thư – Tập 1 – NXB Khoa học xã hội, ấn bản năm 1998; phần Bản kỷ, quyển IV, Kỷ nhà Lý, trang 325, 326, 327


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại